Vạch kẻ trắng phân chia chỗ để xe máy trên vỉa hè phố Láng Hạ. (Ảnh: Nhật Quang)
Vạch kẻ trắng phân chia chỗ để xe máy trên vỉa hè phố Láng Hạ. (Ảnh: Nhật Quang)

Giành lại vỉa hè cho người đi bộ: Chiến dịch cần bài bản, kiên trì

NDO - Sau gần 20 ngày ra quân triển khai giành lại vỉa hè cho người đi bộ ở Hà Nội, nhiều tuyến đường tại Thành phố đã bắt đầu có dấu hiệu thay đổi tích cực. Tuy nhiên, để có được thành công như mong muốn, đòi hỏi sự thực hiện bài bản, kiên trì.

GHI NHẬN HƠN 20 NGHÌN TRƯỜNG HỢP VI PHẠM

Theo Ban Chỉ đạo 197 Hà Nội, thời gian qua, Thành phố tập trung vào công tác kiểm tra, xử lý trên các lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị. Trong giai đoạn nước rút vừa qua, việc triển khai Kế hoạch số 01 trong giai đoạn 1 và 15 ngày giai đoạn 2 đã có một số kết quả bước đầu.

Giành lại vỉa hè cho người đi bộ: Chiến dịch cần bài bản, kiên trì ảnh 1

Công an phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội ra quân tuần tra, xử lý vi phạm vỉa hè ngày 21/3/2023. (Ảnh: Nhật Quang)

Các lực lượng chức năng đã “mạnh tay” hơn trong tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, lấn chiếm lòng đường, hè phố. Số các trường hợp vi phạm bị xử lý lên tới hơn 20,1 nghìn trường hợp, với tổng mức phạt thành tiền khoảng 12,35 tỷ đồng.

Trước hết, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa. Công tác kiểm tra tập trung vào các hành vi vi phạm về: nồng độ cồn; chạy quá tốc độ; chở hàng quá trọng tải, quá khổ giới hạn, “cơi nới” thùng xe, chở vật liệu, đất, phế thải gây mất vệ sinh môi trường.

Nguyên tắc triển khai Kế hoạch số 01 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023 là phải kiên trì, bài bản. Công tác tổ chức thực hiện tuân thủ theo 3 giai đoạn.

Qua đó, cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý 14.252 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, phạt thành tiền 9,7 tỷ đồng. Con số này tăng hơn 4.200 trường hợp, tương đương khoảng 42% so với 15 ngày liền kề trước đó.

Đặc biệt, các đơn vị cơ sở cũng tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện sai quy định, tập kết vật tư, vật liệu xây dựng, dựng lều lán, mái che, họp chợ, xây bục bệ cầu dẫn xe, treo đặt biển quảng cáo, băng-rôn sai quy định, che khuất tầm nhìn cản trở giao thông, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến sự thông thoáng của hè phố, gây mất mỹ quan đô thị.

Giành lại vỉa hè cho người đi bộ: Chiến dịch cần bài bản, kiên trì ảnh 2

Công an phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội lập biên bản xử phạt hành chính vi phạm trật tự an toàn giao thông ngày 21/3/2023. (Ảnh: Nhật Quang)

Kết quả cho thấy, các đơn vị đã kiểm tra, xử lý 5.921 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, phạt thành tiền 2,65 tỷ đồng. Con số này tăng 3.123 trường hợp, tương đương 89,6% so với 15 ngày liền kề trước đó.

Các lỗi vi phạm chủ yếu là sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để kinh doanh ăn uống, buôn bán hàng hóa, trong đó cưỡng chế vi phạm đối với 310 trường hợp, xử lý 35 trường hợp tái phạm.

Một số đơn vị có kết quả kiểm tra, xử lý cao là: Hoàng Mai (959), Nam Từ Liêm (659), Hà Đông (540), Thanh Trì (448).

Bên cạnh đó, một số đơn vị có kết quả kiểm tra, xử lý thấp, chưa tương xứng với tình hình vi phạm trên địa bàn. Có thể kể tới các quận, huyện: Cầu Giấy (89), Tây Hồ (79), Đan Phượng (9).

Giai đoạn 1 và 15 ngày giai đoạn 2 triển khai Kế hoạch số 01 trong của Hà Nội:
- Vi phạm bị xử lý: 20.173 trường hợp
- Tổng mức phạt thành tiền: khoảng 12,35 tỷ đồng

XÂY DỰNG 175 TUYẾN PHỐ ĐIỂM VỀ TRẬT TỰ GIAO THÔNG - ĐÔ THỊ

Chính thức ra quân từ ngày 3/3, sau gần ba tuần triển khai chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ ở Hà Nội, nhiều tuyến phố tại Thủ đô đã được trả lại không gian thông thoáng cho người đi bộ, và cảnh quan đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều người dân chia sẻ sự phấn khởi khi thành phố triển khai chiến dịch này một cách đồng bộ những ngày gần đây.

Giành lại vỉa hè cho người đi bộ: Chiến dịch cần bài bản, kiên trì ảnh 3

Nhiều khách nước ngoài đã có thể thoải mái dạo trên vỉa hè phố Hàng Đào, Hà Nội (Ảnh: Nhật Quang)

Là một người sống đã lâu ở khu vực trung tâm Hà Nội, ông Nguyễn Văn P. (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm) rất vui khi thành phố triển khai Kế hoạch số 01. Ông cho biết: “Việc trả lại vỉa hè cho người đi bộ ở thời điểm này hoàn toàn hợp lý. Định hướng của thành phố là hoàn toàn hợp lòng dân, bảo đảm quyền lợi của nhiều người. Khi dân số ở thành phố đông lên, vỉa hè cho người đi bộ là điều rất cần thiết. Điều này giúp hạn chế ùn tắc giao thông, ngăn chặn tai nạn giao thông và bao rủi ro khác cho người đi bộ”.

Cùng quan điểm này, chị Nguyễn Xuân H. (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) chia sẻ: “Vỉa hè ở khu vực tôi sống thường xuyên bị lấn chiếm, gây mất vệ sinh. Điều này ảnh hưởng đến an toàn giao thông, làm mất mỹ quan đô thị. Bình thường, muốn đi bộ, tôi toàn phải xuống lề đường vì vỉa hè đã bị các hàng quán chặn kẹt cứng. Đi bộ dưới lề đường, lòng đường thì rất nguy hiểm. Do đó, dọn dẹp trật tự giao thông, trật tự đô thị như thế này là việc nên làm. Tôi ủng hộ”.

Còn theo bạn Trần Hoàng Phước T. (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy): “Khu vực em sống có rất nhiều hàng quán, và họ đều bày bừa bàn ghế ra chiếm dụng vỉa hè. Người đi bộ như mình không có chỗ mà đi. Tuy vậy, thời gian gần đây, tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại nơi này đã được chấn chỉnh, nhờ đó mà đường thông thoáng hơn, em thấy rất mừng”.

Công an phường Thành Công xử lý các vi phạm xảy ra trên đường Láng Hạ. (Video: Ngọc Khánh)

Tuy vậy, trong thực tế, công tác triển khai Kế hoạch số 01 ở các địa bàn cơ sở cũng còn một số khó khăn, vướng mắc. Như chia sẻ của một cán bộ của quận Ba Đình, công tác duy trì chống tái lấn chiếm tại một số khu vực không có lực lượng duy trì. Ý thức chấp hành của các hộ kinh doanh trên địa bàn còn thấp, chưa thực sự nghiêm túc. Cùng với đó, việc ký cam kết của họ cũng còn mang tính chất đối phó.

Ban Chỉ đạo 197 thành phố cũng nhấn mạnh tới nguyên tắc triển khai Kế hoạch số 01 phải kiên trì, bài bản và tổ chức thực hiện tuân thủ theo 3 giai đoạn.

Trước đó, ngày 3/3, Ban Chỉ đạo 197 Thành phố tổ chức hội nghị triển khai và ra quân tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023. Chương trình diễn theo dưới hình thức trực tuyến đến 30 điểm cầu ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, cùng 579 điểm cầu ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn của Thủ đô.

Ngay sau đó, Thành phố tổ chức lễ ra quân, huy động hơn 200 người thuộc các lực lượng chức năng, đoàn viên thanh niên tham gia đợt tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các vi phạm. Mục đích là nhằm tích cực tuyên truyền, cổ động nhân dân tích cực chung tay với Thành phố chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng.

27/30 quận, huyện, thị xã tại Hà Nội đăng ký 175 tuyến phố điểm. 3 huyện không đăng ký hoạt động này: Phú Xuyên, Thạch Thất, Phúc Thọ.

Đến nay, sau khi kết thúc giai đoạn 1 và 15 ngày của giai đoạn 2, với yêu cầu tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm theo hình thức "cuốn chiếu" làm từng tuyến phố, từng khu vực, không bỏ sót vi phạm, bộ mặt đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các trường hợp chống đối được kiên quyết cưỡng chế, lập biên bản vi phạm hành chính thu giữ phương tiện đồ vật vi phạm, tháo dỡ các biển quảng cáo, mái che, mái vẩy vi phạm chiếm dụng hè phố, lòng đường gây mất mỹ quan đô thị theo đúng quy định của pháp luật.

Một trong những điểm nhấn trong triển khai Kế hoạch số 01 là tập trung xây dựng những tuyến phố chính, tuyến phố nằm trong hành lang thường xuyên diễn ra các sự kiện văn hóa, chính trị của Hà Nội làm tuyến phố điểm về trật tự, văn minh đô thị.

Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo 197 quận, huyện, thị xã đã tổ chức điều tra cơ bản các tuyến phố và đăng ký xây dựng tuyến phố điểm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng. Qua đó, 27/30 đơn vị đã đăng ký với 175 tuyến phố điểm.

back to top