Người lao động không nên tham gia mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội

Thời gian qua, có thông tin phản ánh về một số trường hợp người lao động và các hội, nhóm quảng cáo mua, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội trên internet. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cảnh báo, hoạt động mua bán, thu gom sổ bảo hiểm xã hội dưới bất kể hình thức nào đều là hành vi trục lợi bất chính và bị xử lý nghiêm.
0:00 / 0:00
0:00
Thông tin của một nhóm mua, bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội trên Facebook. (Đồ họa: Phương Nam)
Thông tin của một nhóm mua, bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội trên Facebook. (Đồ họa: Phương Nam)

Tràn lan thông tin mua, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội trên internet

Trước tình trạng một số đối tượng thu gom mua, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội của người lao động nhằm trục lợi bất chính, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã liên tục đưa ra nhiều cảnh báo tới người lao động nêu cao cảnh giác, tránh tiếp tay cho các hành vi nêu trên và phối hợp các cơ quan liên quan để kịp thời phát hiện, xử lý.

Tuy nhiên, lợi dụng tình hình nhiều người lao động bị mất việc làm sau dịch Covid-19, hoạt động mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội của các đối tượng vẫn tiếp tục tái diễn với các hình thức tinh vi thông qua các hội, nhóm trên mạng xã hội Facebook…

Lợi dụng tình hình nhiều người lao động bị mất việc làm sau dịch Covid-19, hoạt động mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội của các đối tượng vẫn tiếp tục tái diễn với các hình thức tinh vi thông qua các hội, nhóm trên mạng xã hội Facebook…

Vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục nhận được thông tin phản ánh về một số trường hợp người lao động và các hội, nhóm quảng cáo mua, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội trên website, Facebook.

Kết quả rà soát sơ bộ trên mạng xã hội Facebook và sử dụng công cụ tìm kiếm Google với từ khóa “cầm, thanh lý sổ bảo hiểm xã hội” cho thấy nhiều kết quả về các hội, nhóm này.

Trước thông tin trên, ngày 5/5/2023, Trung tâm Truyền thông (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) đã có Công văn kèm danh sách các đường link dẫn đến các trang/nhóm Facebook lập ra với mục đích mua, thu gom sổ bảo hiểm xã hội của người lao động để trục lợi gửi Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an). Qua đó, đề nghị đơn vị này vào cuộc, hỗ trợ xử lý nghiêm các hoạt động nói trên trên môi trường Internet.

Kiểm soát để phát hiện trục lợi từ thu gom, mua bán sổ bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng này, bảo hiểm xã hội các tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát để phát hiện dấu hiệu trục lợi từ việc thu gom, mua bán sổ bảo hiểm xã hội.

Cụ thể như: Khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động, kiểm soát, đối chiếu dữ liệu trên Hệ thống với thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội và Đơn đề nghị, bảo đảm các thông tin của người hưởng thống nhất, kiểm tra tính pháp lý của Giấy ủy quyền hoặc Hợp đồng ủy quyền; kiểm tra, đối chiếu bảo đảm đủ điều kiện giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần, các giấy tờ tùy thân của người nhận kết quả giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo đúng quy định hiện hành; bảo đảm trả hồ sơ, trả tiền đúng cho người lao động hoặc người được ủy quyền hợp pháp…

Bảo hiểm xã hội là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, là trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội. Chính sách nhằm bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc qua đời...

Theo quy định của pháp luật hiện hành, sổ bảo hiểm xã hội được cấp và giao cho từng người lao động giữ để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội gắn với nhân thân từng người lao động và là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Đặc biệt khi đủ điều kiện, người lao động sẽ được hưởng chế độ hưu trí và được cấp thẻ bảo hiểm y tế để bảo đảm chính sách an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe khi về già. Do đó, hoạt động mua bán, thu gom sổ bảo hiểm xã hội dưới bất kể hình thức nào đều là hành vi trục lợi bất chính và bị xử lý nghiêm.

Qua tình trạng trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục cảnh báo tới người dân, người lao động cần nêu cao cảnh giác hơn nữa để không bị lôi kéo, xúi giục và tham gia mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội để bảo đảm quyền lợi an sinh chính đáng cho bản thân mình, đồng thời kịp thời phát hiện, chủ động tố giác các hành vi vi phạm liên quan tới cơ quan công an để xử lý theo quy định.

Nên cân nhắc khi rút bảo hiểm xã hội một lần

Theo một chuyên gia về an sinh xã hội, việc bán sổ bảo hiểm xã hội thực chất là người lao động đã có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội muốn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Quy định hiện nay là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm (12 tháng) nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng, mới được rút bảo hiểm xã hội một lần.

Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, họ không thể, hoặc ngại đi làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần, nên muốn bán “lúa non” sổ bảo hiểm xã hội đó cho người khác để lấy tiền sớm.

Người lao động cũng cần hiểu rõ, việc cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội khi có ý định rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Số tiền được các đối tượng trên chi trả sẽ ít hơn rất nhiều (có khi chỉ khoảng 50%), so với mức thực nhận theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Do đó, người lao động nên cân nhắc trước khi quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần, hoặc muốn cầm cố, bán sổ bảo hiểm xã hội.