Chiều ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào, Quốc dân Đại hội Tân Trào chính thức khai mạc. Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền bắc-trung-nam, đại diện các đảng phái yêu nước, các nhân sĩ, trí thức, đoàn thể nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo trong nước và kiều bào ở nước ngoài.
Lúc này, Lệnh Tổng khởi nghĩa đã phát đi, vì vậy thời gian họp rất khẩn trương để các đại biểu kịp về địa phương lãnh đạo khởi nghĩa.
Quốc dân Đại hội Tân Trào - tiền thân của Quốc hội Việt Nam đã đưa ra những quyết định mang tính sống còn của dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu Quốc dân Đại hội tại Đình Tân Trào. (Tranh sơn dầu: Họa sĩ Cao Thương) |
Quốc dân Đại hội đã thông qua được lệnh Tổng khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của mặt trận Việt Minh, bầu ra Ủy ban mặt trận giải phóng tức chính phủ lâm thời của nước Việt Nam, gồm có 15 người do đồng chí Hồ Chí Minh làm chủ tịch, Phó Chủ tịch là đồng chí Trần Huy Liệu.
Đại hội đã quy định về Quốc kỳ, Quốc ca của nước Việt Nam. Lấy sao vàng năm cánh trên nền cờ đỏ là biểu tượng cho lá cờ chung của cả nước và lấy bài hát Tiến quân ca của cố nhạc sĩ Văn Cao là bài Quốc ca của nước Việt Nam.
Dưới gốc đa Tân Trào, ngày 16/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa, chỉ huy đơn vị Giải phóng quân tiến về Hà Nội. Ngay sau khi Lệnh Tổng khởi nghĩa được phát đi, tỉnh Tuyên Quang đã nhanh chóng tổ chức khởi nghĩa và là địa phương được giải phóng sớm nhất trong cả nước vào ngày 17/8/1945.
Lễ xuất quân của đơn vị Quân giải phóng ngày 16/8/1945 tại gốc đa Tân Trào, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. (Tranh sơn dầu: Họa sĩ Cao Thương) |
Ngày 17/8/1945, Đại hội bế mạc trong không khí Tổng khởi nghĩa sôi sục. Thay mặt Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, không lùi bước”.
Ông Hoàng Ngọc (84 tuổi), thôn Tân Lập, xã Tân Trào, một nhân chứng lịch sử kể lại, năm diễn ra những sự kiện lịch sử ở Tân Trào tôi còn nhỏ (6 tuổi), sau này được nghe bố mẹ kể lại rằng, ngày đó hầu hết các hộ dân trong thôn đều có cán bộ về cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân. Để bảo đảm an toàn và bí mật cho Bác Hồ và cán bộ tại thôn, mọi người trong thôn đều thực hiện ba không “không biết, không nói, không thấy”.
Ông Hoàng Ngọc, thôn Tân Lập, xã Tân Trào huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang kể lại những sự kiện lịch sử ở Tân Trào. |
Trong những ngày diễn ra Đại hội người dân Tân Trào, được sống trong không khí hân hoan của ngày hội lớn, các đoàn đại biểu, bộ đội giải phóng đi lại nhộn nhịp. Đình Tân Trào được trang hoàng đẹp hơn, xung quanh đình được che bằng vải.
Chưa bao giờ bầu không khí ở Tân Trào lại sục sôi đến vậy, ai cũng hừng hực khí thế quyết giành lại độc lập cho Tổ quốc.
Quốc dân Đại hội Tân Trào là một sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử cách mạng Việt Nam, phát động khởi nghĩa giành chính quyền một cách nhanh nhất, khẩn trương nhất, nhân dân cả nước Việt Nam nhất tề đứng lên “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc” giành chính quyền về tay nhân dân, làm chủ đất nước mình.
Đình Tân Trào ngày nay là địa chỉ đỏ thu hút đông đảo người dân và du khách từ mọi miền Tổ quốc và quốc tế về thăm quan, tìm hiểu về lịch sử, truyền thống của cách mạng Việt Nam.