Tân Trào - Thủ đô Khu giải phóng, trung tâm Thủ đô kháng chiến

Tân Trào - Thủ đô Khu giải phóng, trung tâm Thủ đô kháng chiến là một chứng tích lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám và 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nơi đây in đậm dấu ấn những hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận, các bộ, ban, ngành Trung ương trong kháng chiến.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách thăm lán Nà Nưa.
Du khách thăm lán Nà Nưa.

Tháng 5/1945, Tân Trào được chọn làm căn cứ địa cách mạng, là nơi ở và làm việc của Bác Hồ, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh để chuẩn bị lãnh đạo của Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc.

Tại Tân Trào, Bác Hồ đã chỉ đạo thành lập Khu giải phóng gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang.

Những ngày đầu khi mới về Tân Trào, Bác Hồ ở cùng gia đình ông Nguyễn Tiến Sự tại thôn Tân Lập, khi ấy còn có tên là làng Kim Long.

Tân Trào - Thủ đô Khu giải phóng, trung tâm Thủ đô kháng chiến ảnh 1
Nhà ông Nguyễn Tiến Sự, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang nơi Bác Hồ ở và làm việc từ ngày 21/5 đến cuối tháng 5/1945.

Thời gian Bác ở và làm việc tại đây, để giữ bí mật cho an toàn khu, đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ giới thiệu Bác là một cán bộ cách mạng thượng cấp. Hằng ngày, Bác thường ăn mặc rất giản dị trong chiếc áo chàm của đồng bào dân tộc Tày trong vùng, nên bà con gọi Bác tên gọi rất thân thương và gần gũi là ông Ké cách mạng hay ông Ké Tân Trào.

Tuy nhiên, để bảo đảm bí mật và tiện làm việc, ít ngày sau, Bác Hồ đã chuyển lên ở trên lán Nà Nưa và làm việc từ cuối tháng 5 đến 22/8/1945 để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Chị Lành Thị Kiên, hướng dẫn viên du lịch, Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào kể lại, để bảo đảm bí mật và thuận tiện làm việc, Bác đã bàn với các đồng chí cán bộ địa phương dẫn Bác đi chọn địa điểm để dựng một căn lán.

Qua vài địa điểm đến nơi căn lán bây giờ, Bác đồng ý dựng lán, sau đó Bác chuyển từ nhà ông Nguyễn Tiến Sự lên lán Nà Nưa. Sở dĩ Bác chọn địa điểm khu đồi Nà Nưa để dựng lán làm nơi ở và làm việc bởi địa điểm này đã đáp ứng được tất cả yêu cầu của Bác đề ra: “Gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”.

Tân Trào - Thủ đô Khu giải phóng, trung tâm Thủ đô kháng chiến ảnh 2
Lán Nà Nưa nơi ở và làm việc của Bác Hồ từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945.

Nà Nưa là một căn lán nhỏ nằm ở sườn núi Nà Nưa, được dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống của người dân tộc Tày miền núi, quay theo hướng đông tây, có chiều dài 4,2m, chiều rộng 2,7m.

Lán chia ra làm 2 gian nhỏ, gian phía bên trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian phía bên ngoài Bác dùng làm nơi làm việc và tiếp khách. 2 chiếc ống bương dựng bên vách lán Bác dùng để dự trữ nước sinh hoạt hằng ngày.

Ở sát cây cột nóc phía tây lán có một cây thành ngạnh to, tán lá tỏa xum xuê. Đặc biệt khi ở và làm việc tại căn lán Nà Nưa đồ dùng sinh hoạt của Bác không có gì nhiều chỉ có một chiếc bàn nứa, một chiếc máy đánh chữ...

Vào mỗi buổi chiều, Bác thường đem chiếc máy đánh chữ ra ngồi làm việc trước cửa lán, tất cả những văn bản, chỉ thị, chủ trương, đường lối kế hoạch để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám đều được Bác khởi thảo chính từ căn lán Nà Nưa đơn sơ và giản dị.

Theo cuốn sách “Bác Hồ ở Tân Trào” do tác giả Ngô Quân Lập sưu tầm và tuyển chọn, được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật xuất bản, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại (từ trang 56-66): "Cao trào kháng Nhật cứu nước lúc bấy giờ đã cuồn cuộn từ Bắc chí Nam. Phát xít Nhật ngày càng thua lụn bại".

Không khí khởi nghĩa nóng rực. Trung ương đã quyết định cần tích cực chuẩn bị cho cuộc Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội đại biểu. Giữa lúc công việc bề bộn như thế, Bác bỗng bị mệt.

Tân Trào - Thủ đô Khu giải phóng, trung tâm Thủ đô kháng chiến ảnh 3
Toàn cảnh thôn Tân Lập (làng Kim Long), xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Đã mấy hôm liền, Bác sốt nóng. Song, Bác vẫn gượng làm việc. Có hôm Bác lên cơn sốt, miệng toàn nói mê. Thuốc men chẳng có chỉ kiếm được vài viên thuốc cảm và ký ninh, Bác uống mà không thấy đỡ.

Có đêm, Đại tướng nghỉ lại với Bác trên lán Nà Nưa, lúc tỉnh Bác có dặn lại rằng “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Trước tình hình sức khỏe của Bác như vậy, Đại tướng đã viết thư hỏa tốc về Trung ương và tìm hỏi bà con địa phương tìm cách chữa bệnh cho Bác.

Qua sự mách bảo của bà con, đã tìm được ông cụ lang già người Tày đến xem mạch, sờ trán Bác, rồi đốt cháy một thứ củ vừa đào trong rừng về, hòa vào cháo loãng đưa Bác ăn. Sau vài lần, Bác tỉnh và lại gượng dậy tiếp tục làm việc ngay.

Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước trước khi quân Đồng Minh vào Đông Dương.

Ngay đêm hôm đó, Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng đã hạ lệnh khởi nghĩa. Ủy ban khởi nghĩa cũng đã ra Quân lệnh số 1, kêu gọi đồng bào cả nước đứng dậy tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Tại Tân Trào, lần đầu từ khi từ Pác Bó về, Bác ra mắt các đại biểu đồng bào Trung, Nam, Bắc. Quốc dân Đại hội đã lập ra Ủy ban Dân tộc giải phóng toàn quốc, chuẩn bị khi cần có thể trở thành Chính phủ nhân dân lâm thời.