Người ta gọi Bạc Liêu là quê hương của đờn ca tài tử vì nơi đây đã từng sản sinh ra nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ tiền bối, trong đó có nghệ sĩ tài hoa Cao Văn Lầu (người dân thường gọi là bác Sáu Lầu). Trải qua hơn 100 năm, "Dạ cổ hoài lang" đã trở thành bài ca trụ cột trong nghệ thuật đờn ca tài tử và sân khấu cải lương Nam Bộ.
Ðờn ca tài tử vẫn là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian thu hút đông đảo người dân Bạc Liêu, cũng như nhiều tỉnh, thành phố phía nam. Tại Bạc Liêu, hiện một số nghệ sĩ, nghệ nhân nổi tiếng tiếp bước thế hệ đi trước như các nghệ sĩ Ngọc Ðợi, Mỹ Hạnh, Giang Tuấn, Thạch Moly, Minh Chiến… Tất cả những nghệ sĩ này đều sinh ra và lớn lên ở Bạc Liêu. Với những đóng góp của mình, trong quá trình hình thành và phát triển đờn ca tài tử, Bạc Liêu xứng đáng được xem là "cái nôi" của loại hình nghệ thuật này. Năm 2013, đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Phong trào đờn ca tài tử của tỉnh phát triển rộng khắp, từ trung tâm thành phố Bạc Liêu đến các xã vùng nông thôn hẻo lánh, vùng ven biển xa xôi. Ðây là loại hình nghệ thuật có sức sống mãnh liệt, sự lan tỏa mạnh mẽ, là nhu cầu văn hóa tinh thần không thể thiếu đối với nhiều người dân Bạc Liêu. Tại thành phố hiện có 18 câu lạc bộ đờn ca tài tử đang hoạt động. Trong đó có, bốn nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Phong trào đờn ca tài tử thành phố luôn đi đầu trong các huyện, thị xã tại các liên hoan, hội thi của tỉnh. Nghệ nhân Ðỗ Ngọc Ẩn, ở thành phố Bạc Liêu cho biết, đã gắn bó với loại hình nghệ thuật này như "máu thịt". Ông kể, trải qua gần 35 năm gắn bó với đờn ca tài tử, giờ đây gia đình ông tất cả các thành viên đều đam mê, sinh hoạt, ca hát đều đặn, thường xuyên ở gia đình, ở các câu lạc bộ trong thành phố.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương, toàn tỉnh hiện có 150 câu lạc bộ đờn ca tài tử với hơn 2.000 thành viên, nghệ nhân, tài tử thường xuyên sinh hoạt. Ðiều này đã cho thấy sức sống mãnh liệt của di sản này trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Bạc Liêu hiện nay.
Ðể bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, Bạc Liêu cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Tỉnh đã và đang củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm đờn ca tài tử; đưa hoạt động đờn ca tài tử vào sinh hoạt tại trung tâm văn hóa-thể thao các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa, khu thể thao ấp, khóm. Ðồng thời, tỉnh thực hiện xã hội hóa trong việc vận động xây dựng Quỹ hỗ trợ nghệ thuật đờn ca tài tử (Quỹ Lê Tài Khí) nhằm tạo điều kiện cho công tác bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này.
Phong trào đờn ca tài tử của vùng đất Bạc Liêu ngày càng phát triển và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo. Những tài tử, giai nhân từng ngày ngân nga câu hát, điệu hò để thu hút, níu chân du khách gần xa đến chung vui, thưởng ngoạn. Ðể hình ảnh vùng đất, con người Bạc Liêu và di sản "bình dân" đại diện của nhân loại ngày càng được nhiều người biết tới ■