Vận hội từ đâu đến?

Đặt bút viết bài báo này, lòng tôi vẫn còn chút băn khoăn. Vận hội là gì nhỉ? Phải chăng, còn có những cách hiểu và cách định nghĩa không giống nhau? Có ý kiến cho rằng, vận hội hay cơ hội, cơ hội hay thời cơ đại thể chỉ là một. Nếu vậy, sao không dùng thẳng chữ thời cơ cho dễ hiểu? Thử xem.
0:00 / 0:00
0:00
Tự hào về một dân tộc anh hùng. Ảnh: SONG ANH
Tự hào về một dân tộc anh hùng. Ảnh: SONG ANH

Bàn về vận hội

Vận hội, theo Đại từ điển tiếng Việt, là: “Thời kỳ hay dở, thịnh suy được định sẵn một cách thần bí, theo quan niệm duy tâm”, như vận hội mở mang, vận hội đất nước. Thế thì vận hội hoàn toàn là nhân tố khách quan, không dính dáng gì đến bàn tay con người sao?

Thực tiễn chứng minh điều ngược lại. Vận hội, không phải của trời cho, không phải từ trên trời rơi xuống, cũng chẳng phải từ dưới đất trồi lên hay từ bên ngoài đưa vào.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trong suốt 30 năm, từ 1946 (toàn quốc kháng chiến) đến 1975 và thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đổi mới và phát triển trong gần nửa thế kỷ qua, từ 1975 đến 2022, là những dấu son lịch sử của vận hội đất nước, cũng là minh chứng sống động của việc hiện thực hóa vận hội ấy qua bàn tay con người. Về sự nghiệp đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng có lời khẳng định vững như thép: “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Chuyện cũ kể lại: Năm 1911, khi rời bến Nhà Rồng (thành phố Sài Gòn) ra đi tìm đường cứu nước, ở tuổi 21, chàng trai Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Ái Quốc) chỉ có hai bàn tay trắng. Có người hỏi làm thế nào để làm nên sự nghiệp? Chàng trai giơ cao tay: “Hai bàn tay sẽ làm nên tất cả”. Thế mà sau 30 năm, năm 1941, sau khi bôn ba khắp năm châu, bốn biển, chàng trai ấy đã về lại Việt Nam với tư cách một lãnh tụ cách mạng tên gọi Hồ Chí Minh, đã dựng nên Mặt trận Việt Minh, và tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng (tháng 5/1941), đã có một lời khẳng định bất hủ: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.

Hai bàn tay mà chàng trai Nguyễn Tất Thành nói tuyệt nhiên không phải là hai bàn tay của cá nhân mình mà là hai bàn tay của mấy chục triệu đồng bào cả nước đồng tâm hiệp lực tiến lên.

Cách mạng Tháng Tám thành công. Cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, không chỉ ở Thủ đô Hà Nội, Huế, Sài Gòn, mà còn ở tất cả các thị thành và làng mạc nông thôn, cả những nơi hang cùng ngõ hẻm vùng rừng núi.

Kháng chiến thứ nhất bùng nổ. Cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ ta dời lên chiến khu Việt Bắc. Lực lượng của kẻ địch thực dân mạnh. Nhà nước độc lập, dân chủ non trẻ của ta còn ở thời kỳ trứng nước. Với ý chí kiên cường, tinh thần lạc quan cách mạng và niềm tin sắt đá, Bác Hồ đã có lời dự báo:

Nay tuy châu chấu đá voi

Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra!

Càng suy ngẫm, càng nhìn vào thực tiễn, nhân dân ta càng cảm nhận rằng “Lời Bác nói thật là tiên tri!”.

Qua chín năm kháng chiến đầy gian khổ, nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác, đã lập nên một đại chiến công - một trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Cuộc kháng chiến chống Pháp đã khép lại. Nửa nước được hoàn toàn giải phóng. Thế nhưng, dẫu không là định mệnh, nhân dân ta vẫn còn phải tiến hành một cuộc chiến tranh mới, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài suốt 20 năm, để giải phóng nửa nước còn lại, cuối cùng đã đi đến thắng lợi hoàn toàn với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, thực hiện thống nhất nước nhà, thu giang sơn về một mối. Vận hội mới đã mở ra…

Chuyện về Tết Quý Mão và vận hội năm con Mèo

Luận về vận hội là câu chuyện còn dài dài. Mà cánh cửa Tết Quý Mão, Tết năm con Mèo (2023) thì đã mở ra rồi.

Giã từ năm Nhâm Dần, năm con Hổ, tôi bỗng nhớ lại một câu thơ của nhà thơ Tố Hữu năm xưa, cách đây đã 60 năm:

Giã từ năm cũ bâng khuâng,

Đã nghe xuân mới lâng lâng lạ thường.

Năm cũ mà Tố Hữu nói ở đây là năm Canh Tý, năm 1960, năm con Chuột. Còn xuân mới là Xuân Tân Sửu năm 1961, xuân con Trâu đó.

Theo âm lịch ông cha ta để lại, mỗi năm có 12 con giáp, mỗi con giáp đều được biểu trưng bằng một linh vật. Có con Hổ, con Rồng cũng có cả con Mèo, con Chuột hay con Heo, con Chó.

Nhưng Hổ hay Rồng, Mèo hay Chuột, Heo hay Chó đều tự nó không đem lại phồn vinh, hạnh phúc cho nhân dân. Tất cả phải do bộ óc và bàn tay con người.

Vậy vận hội năm con Mèo (2023) mà ta nói đây là gì?

Năm 2023 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, theo đó, phải khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Phải ra sức phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cụ thể đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình, thấp.

Chỉ còn ba năm nữa thôi. Hết năm con Mèo (Quý Mão 2023) là đến năm con Rồng (Giáp Thìn 2024) và sau cùng là năm con Rắn (Ất Tỵ 2025). Liệu có thực hiện được không?

Một nhà lãnh đạo Chính phủ của ta từng nói: “Phải có quyết tâm cao, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể”. Quả là, vừa biện chứng, vừa khoa học lại vừa thực tiễn.

Phải chăng đến giữa thế kỷ XXI này, không phải một lần mà nhiều lần nữa, chúng ta sẽ còn ngân nga đọc lại hai câu thơ sau đây của

Tố Hữu:

Khao khát trăm năm mãi đợi chờ,

Hôm nay vui đến ngỡ trong mơ. (*)

Biến cái thực thành cái mơ, lại biến cái mơ thành hiện thực, ấy là một nét đẹp của bản lĩnh Việt Nam ta đó.

Xuân Quý Mão 2023

(*) Thơ Tố Hữu đọc ngày 28/1/1973, ngay sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam vừa được ký kết.