Những cái Tết không quên

Đêm Giao thừa Tết Canh Tý 2020 là một ám ảnh. Hà Nội chìm đi trong cơn mưa sầm sập và sấm chớp ùng oàng. Những tia sét như muốn xé rách bầu trời. Cái tĩnh mịch thường có của đêm trừ tịch với mưa bụi lay phay và gió se se lạnh ngỡ như đã bị vùi lấp đâu đó rồi…
0:00 / 0:00
0:00
Chợ hoa Tết năm 2020. Ảnh: NGUYỄN HẢI
Chợ hoa Tết năm 2020. Ảnh: NGUYỄN HẢI

Đại dịch Covid-19 như “cơn bão đen” kinh hoàng trùm phủ lên hành tinh xanh. Đất nước trải qua những tháng ngày đại dịch không quên. Muôn vàn vất vả. Muôn nỗi lo âu. Cả nước, mỗi gia đình, mỗi người gồng sức chịu đựng, chống đỡ… Và, nỗi đời, nỗi người cứ ngổn ngang, chất chồng thêm. Sau những nếm trải của Tết chiến tranh, Tết hòa bình, tôi lại đi qua mấy cái Tết đại dịch. Sau Canh Tý 2020 là Tân Sửu 2021 rồi Nhâm Dần 2022. Tết Covid-19. Ba cái Tết bất thường, khác biệt, không hề giống những ngày đón xuân tôi đã từng qua dẫu đất trời thì vẫn vậy.

Sau mùa đông giá lạnh, mùa xuân ấm áp trở về. Chiều Ba mươi. Đêm trừ tịch. Giao thừa. Nguyên đán. Dòng thời gian trôi, vẫn một chiều trôi như muôn thuở. Én bay chấp chới trong nắng tháng Giêng, cây cối nảy lộc đâm chồi, hoa đào, hoa mai đến hẹn khoe sắc tỏa hương… Vào một ngày đầu năm, khi đứng ở ban-công căn hộ tầng hai chung cư M5 ở phố Trần Vỹ, Mai Dịch, Hà Nội, nhìn xuống đường phố, tôi thấy một chú chim sẻ hồn nhiên nhảy nhảy. Chú chim sẻ nhỏ bé như một nắm tay con trẻ, lông mầu xám nhạt lốm đốm trắng, có đôi chân mảnh khảnh. Chao ôi, phải chăng có lúc chim sẻ sung sướng hơn ta khi nó không bị cái thứ siêu vi khuẩn nguy hiểm ấy lặng lẽ tấn công trước khi dồn đuổi họ vào nỗi kinh hãi ngột ngạt vô tận. Chưa bao giờ con người thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh đến vậy. Một người đang ở trạng thái sức khỏe bình thường, bỗng nhiên vướng phải Covid-19, xét nghiệm dương tính, nhập viện và không phải ai cũng được trở về. Bạn cùng tuổi, cùng năm nhập ngũ, cùng năm về hưu, từ TP Hồ Chí Minh khi là tâm dịch điện thoại cho tôi: “Nghe tin Quý vào làm nhà ở Quảng Trị rồi. Có thiếu gì không báo tôi gửi ra cho nhé!”. Tôi trả lời: “Cảm ơn bạn, mình đang muốn sống tối giản, chẳng cần nhiều đồ đâu. Bạn nhớ giữ gìn sức khỏe nhé!”. Chỉ sau đó vài ngày bạn tôi bị nhiễm Covid-19 và không qua khỏi. Nỗi xót xa bám vào những cái Tết thời đại dịch, muốn quên cũng không dễ.

Những cái Tết “chống dịch như chống giặc” hằn in trong trí nhớ nhiều người với các cuộc truy vết, giãn cách xã hội nối tiếp nhau. Các “vùng đỏ” luôn là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Hải Dương, Hà Nội, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương…, “cơn bão Covid-19” hoành hành dữ dội, gây nỗi âu lo cho bao người. Mai sau, chắc chắn người ta còn nhắc tới những cái Tết ấy. Thành phố, làng mạc vắng bóng người đi lại. Máy bay không cất cánh. Tàu hỏa không chạy. Ô-tô khách cũng nằm im nơi bến đỗ. Các điểm du lịch, vui chơi, khách sạn, quán xá… im ỉm cửa đóng, chốt cài. Bao nhiêu sự tung tăng, tung tẩy bị cột chặt. Toàn cầu bị chao đảo, nghiêng ngả, suy thoái.

Ở chiều ngược lại, đó là những ngày tình người tỏa sáng rưng rưng. Đấy cũng là thời gian con người tự lắng lọc để bớt dần đi những ham hố, xô bồ; biết sống chậm rãi trong ứng xử thân thiện với thiên nhiên và đồng loại. Rốt cuộc, con người dù có bay đến tinh tú nào cũng vẫn là cây sậy biết suy nghĩ thôi. Mong manh lắm. Vô thường lắm. Phải tự biết mình là gì trong vũ trụ bí hiểm bao la, thăm thẳm này. Viết đến đây, tôi càng thấm thía cái minh triết sống của dân tộc mình. Có gì cao xa đâu chứ, đấy chỉ là, vốn là sự biết ơn. Biết ơn trời đất, núi sông. Biết ơn tổ tiên, ông bà. Biết ơn những lớp người đi trước. Biết ơn một cành hoa thơm làm cho ta dịu lòng sau bấy nhiêu giông bão. Biết ơn một tiếng chim chấp chới báo hiệu bình yên. Sự biết ơn như mâm ngũ quả, chén trà thơm… dâng cúng người khuất núi. Sự biết ơn như nén nhang thơm đặt giữa đất trời phút sang canh. Sự biết ơn như mỗi chuyến trở về sau những tha phương bươn chải xứ người. Sự biết ơn ở khắp mọi nơi, mọi chốn của cuộc sống nhưng hình như quy tụ, kết đọng đậm đặc nhất trong ba ngày Tết cổ truyền. May mắn làm sao, đất nước ta đã vượt qua được những năm tháng khó khăn nhất, nguy hiểm nhất của đại dịch bằng sự nỗ lực tuyệt vời. Mọi cái đang dần trở lại bình thường, sản xuất phục hồi nhanh và tăng trưởng khá…

Đại dịch đã cho ta những bài học thấm thía về quản lý xã hội, về con người. Sự tỏa sáng của những phẩm chất tốt đẹp và cái xấu xa của thoái hóa biến chất cũng được bộc lộ trong đại dịch. Cái gì đến sẽ đến. Tội lỗi không dễ trốn thoát được trước sự nghiêm minh của kỷ cương xã hội. Và, cuối cùng là niềm tin yêu. Tin yêu vào lẽ phải. Như tin yêu rồi mùa xuân sẽ đến. Khởi niên, mở cửa chúc nhau sự bình yên, chúc nhau hạnh phúc cho mọi người, cho Tổ quốc thân yêu.