Ngọn lửa công lý, ngọn lửa ân tình

Lửa công lý chỉ dành cho số ít, rất ít; lửa ân tình lại dành cho số đông, rất đông, cả non sông, cả dân tộc. Không có công lý mạnh mẽ thì không có ân tình sâu đậm.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ hội gò Đống Đa. Ảnh: HẢI NAM
Lễ hội gò Đống Đa. Ảnh: HẢI NAM

Trong quá khứ, lửa công lý nghìn độ thổi suốt chiều dài lịch sử đã tạo nên những chiến công hiển hách làm rạng rỡ non sông trong một nghìn năm bắc thuộc, trong một trăm năm đô hộ ngoại bang. Công lý đã thành chân lý tự vệ bất khả chiến bại.

Đất nước thái hòa, non sông thu về một mối, cái nền tảng công lý đó đã lan tỏa khắp bản làng, ngõ phố nhằm thanh lọc xã hội, nhằm làm trong trẻo tâm hồn, lành sạch nhân cách con người. Có lẽ kể từ ngày ca khúc khải hoàn mùa xuân chiến thắng Bảy lăm đến nay, ngót nghét gần nửa thế kỷ, chưa bao giờ ngọn lửa công lý chống lòng tham, thói vị kỷ, sự độc ác lại cháy rực như những năm tháng này.

Từ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” đến “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, non sông đã vẻ vang đi hết lời hịch, lời thề chống ngoại xâm bất tử đó và hôm nay, trong công cuộc chống nội xâm không kém phần cam go, câu nói “Không có ngoại lệ, không có vùng cấm, dù bất kể đó là ai” đã vang lên như một quyết tâm sắt đá.

Vì sự tồn vong của dân tộc, vì lịch sử đau thương và hào hùng của bách tính, vì tương lai của những thế hệ mai sau, nó không thể không cháy, dù buồn đau, dù mất mát, dù không phải không có những suy nghĩ trái chiều: Cứ thế này thì còn lấy ai mà làm việc nữa, và nếu có làm thì chỉ lo sợ mải trông trước ngó sau làm được cái gì…

Ngọn lửa công lý, ngọn lửa ân tình ảnh 1

Khát vọng hòa bình. Ảnh: BẮC SƠN

Cuộc đời khó thế! Có sự phát triển nào mà không phải trả giá. Muốn được đôi khi chấp nhận phải mất, muốn được cái lớn lao thì phải biết hy sinh cái tiểu tiết. Muốn cơ thể khỏe mạnh thì buộc phải rút ruột cắt bỏ đi một vài phần thân thể đã hoại tử. Trong chiến tranh cũng thế mà trong hòa bình càng phải thế. Đó là đạo lý, là tư duy triết học. Đó cũng là ý chí, là bản chất ân tình của đại cuộc. Công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực, chống lòng tham, chống cái ác không của riêng ai, không chỉ là bổn phận của một đảng cầm quyền, mà đòi hỏi cả hệ thống chính trị, cả toàn dân vào cuộc một cách nghiêm ngắn, cẩn trọng và quyết liệt.

“Ai không làm thì tránh ra một bên!”. Câu nói đó của người đứng đầu Đảng đã lường hết cái phức tạp của thời bình khi cả đất nước tiến vào thời kỳ dựng xây, đổi mới sôi nổi, có nhiều thời cơ và cũng không ít cám dỗ.

Dừng lại lúc này là một tội ác. Là biến núi xương sông máu để có ngày thơ thới hôm nay của bao thế hệ hùng anh thành thứ đổ sông, đổ bể.

Chiều cuối năm, đạp xe chầm chậm trên triền đê sông Đuống, tự nhiên trong lòng cứ châng lâng, chộn rộn lên biết bao điều khe khẽ có, mà thao thiết cũng có. Dòng sông nghìn năm vẫn thế, dẫu giờ đây đã thấp thoáng vươn lên những vóc dáng công nghiệp, những chấm phá đô thị nhưng hai bờ vẫn dịu buồn man mác. Cái man mác vĩnh cửu của thiên nhiên mà chỉ có con người là đổi thay. Phải chăng trong cuộc sống mưu sinh hối hả, trong cuộc cạnh tranh thác lũ, con người cũng nên có những khoảnh khắc chậm lại, biết buồn để chạnh nhớ mình là ai, mình đang đứng ở nơi nào, mình đang tồn tại ra sao trong cái mênh mông bất tận mà chiêm nghiệm, mà tĩnh trí lại, mà thanh lọc tâm hồn, giảm bớt mọi thứ tham sân si dục vọng đi ngược với đạo lý, với cõi ân tình của con người, bởi cuối cùng dù có vật lộn, ráo riết đến mấy rồi cũng tan vào hư vô. Cuộc đời dài lắm nhưng cuộc đời cũng chóng vánh làm sao. Cớ gì mà vùi đầu vào những mưu ma chước quỷ, vào thói ăn người hại người, vào cuộc sống hưởng thụ, vinh thân phì gia để rồi vướng vòng lao lý, để cho người đời khinh thị, cười chê. Nhất là những ngày cuối năm này…

Và con người cũng thi thoảng phải biết giật mình. Giật mình một cách nghiêm túc, kỹ càng trước cái xấu, cái ác đang ngày ngày diễn ra quanh ta, diễn ra ngay ở trong ta. Giật mình nhìn lại, giật mình soi thấu, giật mình như một động thái lâu lâu biết tắm rửa linh hồn, biết lắng nghe âm thanh muôn nẻo của cuộc đời, biết thở hơi thở của người cần lao. Thiếu cái giật mình đó, hay cố tình không muốn, cứ loạng quạng xấn tới là tự đưa mình vào hết tội đồ này đến tội lỗi khác. Đau đớn thay, không ít người ngày hôm qua còn là người lính, thậm chí là người anh hùng, luôn gắn chặt số phận mình với số phận dân tộc mà hôm nay, chỉ vì thói cá nhân vị kỷ mà trở thành kẻ phản bội.

Gió lạnh bắt đầu tràn về. Một năm nữa lại sắp trôi qua, chắc chắn vẫn còn nhiều chông gai, bão tố, song với tất cả những gì tạo nên vị thế non sông chưa từng có hôm nay, hy vọng rằng, sang năm mới, trước ngọn lửa công lý, ngọn lửa ân tình, nắng sẽ hanh hao hơn, đôi mắt trẻ thơ sẽ trong trẻo hơn, miệng cười thôn nữ sẽ ngọt thơm hơn cái hương lúa làm đòng và như một quy luật không thể khác, cái xấu, cái ác sẽ dần dần lui vào bóng tối.