Cây nhãn lồng Phố Hiến - Thông điệp của Bác Hồ

Nhớ một dịp tưởng nhớ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu đi xa, tiếp tục chỉ đường giải phóng miền nam thống nhất đất nước, Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân Thép Mới dẫn tôi tới gặp ông Vũ Kỳ - người thư ký tin cậy của Bác Hồ kính yêu. Nghe ông Vũ Kỳ phân tích, Bác Hồ làm việc gì cũng có chủ đích nhằm để lại cho cán bộ, đảng viên và các thế hệ con cháu những lời khuyên, chỉ dẫn…
0:00 / 0:00
0:00
Quảng bá trái nhãn lồng Hưng Yên đến người tiêu dùng trên cả nước. Ảnh: HUY TƯỞNG
Quảng bá trái nhãn lồng Hưng Yên đến người tiêu dùng trên cả nước. Ảnh: HUY TƯỞNG

Ông Vũ Kỳ kể lại câu chuyện thật cảm động: Một hôm ban lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đưa mâm nhãn lồng Phố Hiến biếu Bác. Bác mỉm cười hóm hỉnh, hỏi các đồng chí Hưng Yên, đại ý: Các chú định tiến vua? Ừ, coi như Bác đã nhận. Bác đề nghị đem số nhãn ấy chia cho các cháu thiếu nhi ăn nhãn lấy hạt, nhờ các cụ lão gieo đại trà trong vùng…

Phố Hiến là phố cổ, hình thành trong thời phong kiến, “Thứ nhất Kinh Kỳ - Thứ nhì Phố Hiến”, cùng với thời phố Hội An trong Quảng Nam và phố cổ Phù Thạch ở Nghệ Tĩnh… Cây nhãn Phố Hiến được trồng cùng với thời kỳ xây dựng đình - chùa Hiến, có gốc to hai người ôm không xuể, trùm lên ngôi đình - chùa linh thiêng. Quả nhãn lồng Phố Hiến có hạt bé xíu, cùi dày, quả trơn bóng đẹp, ăn ngọt lịm. Gọi là nhãn lồng Phố Hiến vì ngay khi cây nhãn mới ra hoa kết trái, nhà chùa đan lồng bọc lại không để dơi, chuột, chim muông ăn bảo đảm tuyệt đối vô trùng, cung tiến vua chúa, các bậc quyền quý.

Các cụ phụ lão Phố Hiến lo âu khó thực hiện nổi lời Bác bèn sang tỉnh Hải Dương tìm gặp GS, bác sĩ nông học Lương Định Của, người có công chuyển cây vải thiều từ đất Tứ Lộc, Thanh Hà lên Lục Ngạn, Sơn Động, Bắc Giang…

Cuối năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến thăm Nhật Bản. Theo dõi màn hình nhỏ tivi, chúng tôi hết sức vui mừng thấy đông đảo bà con Việt kiều, người dân đất nước mặt trời mọc kể với Thủ tướng và đoàn tháp tùng, họ đã được thưởng thức quả nhãn lồng Phố Hiến và quả vải thiều. Nhân dân Nhật và bà con Việt kiều tự hào về vị “thần nông” Lương Định Của - Việt kiều có công lớn nhân tạo hai loại cây đặc sản quý. Cùng dõi theo những hoạt động của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn cấp cao Chính phủ, PGS, TS Hà Vĩnh Tân hiện công tác bên Australia, điện thoại về cho tôi, vui mừng báo bên đất nước Kangaru - Chuột túi này đã nhập hai loại quả ngon quý và họ vô cùng quý trọng nhà khoa học Lương Định Của.

*

Nhận được câu chuyện cảm động từ ông Vũ Kỳ, Phó Tổng biên tập Thép Mới dặn tôi báo ngay cho Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương Hà Xuân Trường. Ngày 20/6/1972, Đoàn của Ban Văn hóa Văn nghệ về thăm Viện lúa giống của GS Lương Định Của ở huyện Tứ Lộc, Hải Dương. Nhận ra nhà báo Trần Quỳnh từng cùng ông Của lặn lội trên nhiều cánh đồng lúa nước đồng bằng sông Hồng, ông Của xởi lởi cho hay, ông vừa đến tận tòa soạn Báo Nhân Dân gặp nhà báo Phan Quang, Hữu Thọ, Trần Minh Tân, Hoàng Dương Hiển, Vũ Công Thạo… các vị đã tận tình giúp ông quản lý và phát triển trung tâm lúa giống Tứ Lộc.

Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Hà Xuân Trường bày tỏ sự kính trọng nhà khoa học sớm nghe theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về miền bắc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở cuộc cải tạo nền nông nghiệp lúa nước đồng bằng sông Hồng, đón ngày đất nước thống nhất, hai miền Nam Bắc liền một dải, ông sẽ góp phần cải tiến cánh đồng lúa nước đồng bằng sông Cửu Long.

*

Dạo ấy, đón tiếp các cụ phụ lão Phố Hiến đến Hải Dương tìm hiểu trồng cây vải thiều, GS Lương Định Của phân tích để các cụ biết cây vải thiều có thể chiết cành trồng vài năm sau đã thu hoạch được quả. Còn cây nhãn Phố Hiến lưỡng tính, chỉ gieo trồng bằng hạt, bảy, tám năm sau mới đơm hoa kết trái. Phố Hiến đất hẹp, người đông, nhà nhà liền kề, khó bề trồng cây cổ thụ, cây ăn quả. Tỉnh Hưng Yên nằm bên sông Hồng cần dồn đất cho việc gieo cấy lúa, trồng các cây lương thực, thực phẩm không thể trồng nhãn.

GS Của gợi ý Hưng Yên nên chuyển số hạt giống và cây nhãn của Bác Hồ lên đất tỉnh Sơn La. Tỉnh miền núi này đất rộng, dân thưa, đồi núi thuận lợi cho cây nhãn lồng Phố Hiến phát triển. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bộ đội chuyển sang làm kinh tế ở các nông trại miền núi. Hưng Yên lại có phong trào cử cán bộ từ các huyện, tỉnh giúp các địa phương, thôn bản đồng bào dân tộc Sơn La, tạo lợi thế gieo trồng, chăm sóc cây nhãn Phố Hiến.

Từ những năm ấy, bác sĩ nông học Lương Định Của đã có tiên đoán việc Trung Quốc ngăn phần thượng nguồn sông Hồng thành nhiều khúc phát triển thủy điện. Nước bốc hơi, tích tụ độ ẩm cao, được gió mùa Đông Bắc dồn đẩy sang vùng Tây Bắc nước ta.

Mấy năm nay, có định hướng phân chia các vùng kinh tế trọng điểm. Vùng trung du miền núi phía Bắc chẳng những thuận lợi cho việc trồng một tỷ cây xanh như Quyết định số 524/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đề ra, càng thuận lợi cho việc trồng các loại cây ăn quả xuất khẩu, tạo thời cơ cho cây nhãn lồng Phố Hiến phát triển mạnh. Năm 2021, Sơn La đã có hơn 8.000 tấn nhãn xuất khẩu.

Chớ “vội vàng ăn nhãn tháng 5”, hãy để thu hoạch loại đặc sản quý hiếm này vào tháng 8 âm lịch - mâm cỗ Tết Trung thu mọi nhà.