Nóng

Nhâm Dần qua đi như một năm “nóng” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ai đời gần ba năm rồi nhưng đại dịch Covid-19 vẫn chưa buông tha cho loài người sau khi làm cho hàng trăm triệu người lây nhiễm, cướp đi sinh mạng của hơn 15 triệu người; thổi bay hàng nghìn tỷ USD mà các nước buộc phải tung ra để phòng, chống đại dịch và cứu trợ nạn nhân; phá tung các chuỗi sản xuất và cung ứng; đẩy kinh tế toàn cầu vào cơn can qua. Như nhiều đại dịch từng xảy ra trong lịch sử, đại dịch lần này cũng bùng phát tại một đại đô thị, TP Vũ Hán của Trung Quốc với dân số hơn 11 triệu người, rồi nhanh chóng lan ra hầu hết các nước, nhất là các đại đô thị với hàng chục triệu cư dân như New York (Mỹ), London (Anh), Paris (Pháp), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc)...
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: MIGUEL MORALES MADRIGAL
Biếm họa: MIGUEL MORALES MADRIGAL

Không biết bao giờ cái con vi khuẩn bé tí teo Corona virus với đủ loại biến thể của nó sẽ thôi hoành hành? Không biết sau đận này thiên hạ có tỉnh ngộ ra và chọn cách sống giãn cách, thoáng đãng hơn hay vẫn chen chúc trong các ổ dịch khổng lồ?

Nước ta cũng không tránh khỏi luồng hơi nóng của đại dịch phả vào khi nó đạt đỉnh điểm tại một số địa phương, nhất là ở những nơi quần tụ đông dân. May thay, nhờ những biện pháp quyết liệt và đúng hướng, hơi nóng của đại dịch đã giảm dần vào những tháng tiếp sau.

Luồng hơi nóng thứ hai phả khắp hành tinh trong năm Nhâm Dần bắt nguồn từ những đợt thiên tai mà hàng chục, hàng trăm năm, thậm chí chưa xảy ra bao giờ. Ai đời các nước châu Âu nằm ở vùng ôn đới đã phải gánh chịu những đợt nắng nóng lên tới trên dưới 40oC; các dòng sông băng trên dãy Alps vốn được coi là “nóc nhà châu Âu” cũng như trên nóc nhà thế giới là dãy Himalaya tan chảy tuôn trào; hàng nghìn ha rừng ở bang California (Mỹ) và miền nam Tây Ban Nha bốc cháy đùng đùng; động đất lớn xảy ra ở Indonesia; các dòng sông Dương Tử, sông Hằng trơ đáy lộ thiên với cơ man xác tôm cá phơi mình dưới ánh nắng chói chang; nhiều nước phải gánh chịu những trận bão dữ dội với sức tàn phá khủng khiếp và lụt lội nặng nề, điển hình là trận đại hồng thủy ở Pakistan nhấn chìm tới một phần ba diện tích đất nước, cướp đi sinh mạng tới 1.300 người.

Riêng ở nước ta, một lần nữa bà con các tỉnh miền trung lại phải vật lộn với cảnh bão chồng bão, lũ chồng lũ, đồng ruộng biến thành biển, đường sá biến thành sông, ngõ hẻm biến thành suối, đẩy hàng vạn người dân vào cảnh màn trời chiếu đất, cướp đi toàn bộ sản nghiệp mà họ tích cóp cả đời mới có. Chuyện trời đất đâu có thể điều khiển nhưng con người cũng không thể chối tội vì đã tàn phá đại ngàn, chặn sông phá núi, nay bị thiên nhiên đòi nợ.

Ngoài những thảm họa thiên nhiên, Nhâm Dần còn ghi nhận “kỷ lục” về những thảm họa do con người gây ra như “vỡ trận” ở sân vận động tại Indonesia, sập cầu treo ở Ấn Độ và nhất là trận giẫm đạp kinh hoàng tại Thủ đô Seoul của Hàn Quốc, cướp đi sinh mạng của hơn 150 người trong số hàng vạn người ăn mừng ngày hội Halloween vốn để tưởng nhớ những linh hồn đã khuất.

Bên cạnh hơi nóng hầm hập do dịch bệnh, thiên tai, xung đột gây ra, năm nay thiên hạ còn phải hứng chịu sức ép tới ngạt thở từ những bất ổn kinh tế-tài chính: kinh tế toàn cầu bị đẩy tới bên miệng hố suy thoái, lạm phát phi nhanh như con ngựa bất kham, nhiều đồng tiền mất giá chóng mặt, nợ nần tăng vọt, xăng dầu khan hiếm, lương thực thiếu thốn…

Góp phần với những thảm họa trên là cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn nóng hơn nhiều so thời “chiến tranh lạnh”, cho dù người ta cố né từ “chiến tranh” và đưa ra những khái niệm mơ hồ. Gì thì gì chiến tranh vẫn là chiến tranh, máu vẫn chảy, đầu vẫn rơi, thành phố, làng mạc vẫn bị tàn phá, người dân vô tội vẫn phải rời bỏ quê hương trốn chạy bom đạn.

Chưa hết, khác với thời “chiến tranh lạnh” khi cuộc đọ sức xoay quanh chủ đề chính trị, chiến lược thì nay sự đối đầu toàn diện hơn, bao trùm mọi lĩnh vực: kinh tế, công nghệ, thương mại, tiền tệ, năng lượng, lương thực… Xem như vậy thì trong cuộc đối đầu hiện nay chẳng có kẻ thắng người thua mà tất cả đều thua! Do sức nóng của cuộc tranh hùng quyết liệt, lòng người phân ly, quan hệ quốc tế rối ren, toàn cầu hóa bị phân mảnh, nhiều thể chế đa phương bị phân hóa, thậm chí tê liệt, tiêu tan, thay vào đó không ít thể chế mới ra đời, tạo nên thế cài răng lược rối rắm.

Nói cho cùng, tất cả những thảm họa trên đều trút hơi nóng xuống đầu người dân không phân biệt mầu da, quốc tịch, tạo ra nhiều thảm họa xã hội đầy kịch tính. Hàng triệu người mất công ăn việc làm, rơi vào cảnh nghèo cùng cực, cái hố phân hóa giàu nghèo đã rộng và sâu, nay càng rộng và sâu hơn; triệu triệu con người buộc phải tha phương cầu thực, tạo nên dòng thác tị nạn chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Không ít quốc gia rơi vào trạng thái bất ổn chính trị xã hội. Riêng nước Anh vừa vĩnh biệt đưa Nữ hoàng Elizabeth đã rơi vào trạng thái khủng hoảng chính trị tồi tệ khi Thủ tướng Liz Truss buộc phải từ chức sau có 45 ngày tại vị, lập nên kỷ lục cầm quyền ngắn nhất trong lịch sử nước Anh. Thay bà, ông Rishi Sunak trở thành người đứng đầu Chính phủ Anh trẻ nhất trong 200 năm qua, đồng thời là người đầu tiên không thuộc gốc Anh trở thành chủ nhân ngôi nhà số 10 phố Downing.

Trong khi đó, nước Nhật và cả thế giới bị “sốc” nặng khi được tin ông Abe Shinzo - vị Thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản bị ám sát khi đang diễn thuyết trong một cuộc vận động tranh cử. Cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra ở Mỹ đã khiến đảng Dân chủ mất lợi thế đa số ở Hạ viện, may mà ở Thượng viện sự cân bằng quyền lực mong manh giữa hai Đảng “con lừa” (Dân chủ) và “con voi” (Cộng hòa)… vẫn được duy trì.

Có thể ai đó sẽ không bằng lòng khi năm hết Tết đến lại nói toàn chuyện xúi quẩy, nhưng biết làm sao được khi những điều kể trên đều là sự thật diễn ra trước mắt bàn dân thiên hạ và cả thế gian đều phải hứng chịu. Chỉ có điều an ủi là thiên hạ ít nhiều đã tỉnh ngộ, kinh tế xanh, cách sống xanh đang trở thành xu thế; trí tuệ con người thúc đẩy sự bùng nổ của kinh tế số đem lại lợi ích lớn lao cho cả loài người, mở ra cách sinh sống, làm ăn, giao dịch… với nhiều tiện ích hơn; cho dù các “ông lớn” có hục hoặc chèn ép, đe dọa lẫn nhau, song dân lành trên cả hành tinh vẫn một lòng mong mỏi cuộc sống an bình, ấm no, hạnh phúc.

May mà tới những tháng cuối năm, đâu đó khí trời có dịu đi chút ít. Đại dịch không còn hoành hành quá dữ dội, chẳng thế mà hàng triệu người không cần đeo khẩu trang đổ đến Qatar thưởng ngoạn ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Sự oi bức trong bầu không khí chính trị-an ninh cũng đỡ ngột ngạt ít nhiều. Chẳng thế mà cùng một lúc tại ba nước thành viên ASEAN dồn dập diễn ra các cuộc gặp cấp cao với sự tham gia của tất cả các “ông lớn”; đó là các cuộc họp ASEAN và ASEAN + ở Phnom Penh, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali (Indonesia) và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Bangkok (Thailand) đưa tới một số thỏa thuận có ý nghĩa; dưới chân các kim tự tháp ở Ai Cập, sau những cuộc bàn thảo ngày dài, đêm thâu, Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 27) đã thỏa thuận được về khâu “tiền đâu” trong thời buổi thóc cao gạo kém.

Thêm nữa, tại Bali đã diễn ra cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kéo dài tới ba giờ đồng hồ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi tới nhận thức chung theo tinh thần “cộng đồng tồn dị”: bất đồng, cạnh tranh vẫn còn đó song hai bên đồng thuận “quản lý” tranh chấp để tránh một cuộc đụng đầu, chiến tranh giữa hai nước… Như Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đánh giá “Cuộc gặp này đã đạt được các mục tiêu mong đợi là kết nối sâu sắc, ý định rõ ràng, vạch ra các giới hạn đỏ, ngăn chặn xung đột, chỉ ra phương hướng và thảo luận về hợp tác”.

Hy vọng rằng những tia nắng le lói sẽ đồng hành cùng chúng ta đi vào Quý Mão làm cho cuộc sống của nhân loại dễ thở hơn.