Vận hành tự động tuyến Metro số 1 trước khi khai thác

Lần đầu tiên tuyến Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) được vận hành hoàn toàn theo chế độ tự động (ATO). Việc thử nghiệm chạy tàu ở chế độ tự động nhằm hoàn thiện, tích hợp lần cuối các hệ thống như hệ thống tín hiệu, cửa chắn ke ga, thông tin… để sẵn sàng đưa vào khai thác vận hành chính thức tuyến metro này vào quý IV năm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều cầu bộ hành đang được hoàn thiện kết nối các ga của tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên trên trục giao thông đường Võ Nguyên Giáp (xa lộ Hà Nội cũ).
Nhiều cầu bộ hành đang được hoàn thiện kết nối các ga của tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên trên trục giao thông đường Võ Nguyên Giáp (xa lộ Hà Nội cũ).

Lần đầu tiên tuyến Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) được vận hành hoàn toàn theo chế độ tự động (ATO). Việc thử nghiệm chạy tàu ở chế độ tự động nhằm hoàn thiện, tích hợp lần cuối các hệ thống như hệ thống tín hiệu, cửa chắn ke ga, thông tin… để sẵn sàng đưa vào khai thác vận hành chính thức tuyến metro này vào quý IV năm nay.

Ngày 26/4, tham gia buổi chạy thử nghiệm, ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (MAUR) cho biết: Công tác thử nghiệm và đánh giá an toàn các đoàn tàu của tuyến Metro số 1 đã được tiến hành từ năm 2023 đến nay. Theo đó, quá trình thử nghiệm được thực hiện theo các tiêu chuẩn khắt khe của Nhật Bản và châu Âu để bảo đảm mức độ an toàn cao nhất cho dự án khi đưa vào khai thác. Trong những ngày qua, các đoàn tàu tuyến Metro số 1 của nhà thầu Hitachi đã được chạy hoàn toàn theo chế độ tự động ATO/ATP.

Ông Hiển lý giải thêm, ATO (Automatic Train Operation) là hệ thống vận hành tàu tự động, theo đó quá trình chạy hay dừng các đoàn tàu được hệ thống thực hiện hoàn toàn tự động, không cần đến sự can thiệp của nhân viên lái tàu. ATP (Automatic Train Protection) là hệ thống tự động bảo vệ đoàn tàu, hệ thống sẽ so sánh tốc độ tức thời thực tế đo được của đoàn tàu với tốc độ an toàn lớn nhất cho phép đã được cài đặt trên thiết bị để bảo đảm an toàn cho quá trình vận hành. Đồng thời, tốc độ cho phép trên đường cũng hiển thị cho nhân viên lái tàu biết để có thể xử lý trong trường hợp khẩn cấp.

Để có thể tiến hành thử nghiệm chạy tàu ở chế độ ATO/ATP thì trước đó, các thiết bị đã được thử nghiệm qua các bước như: Thử nghiệm tại nhà máy, thử nghiệm khi lắp đặt đơn lẻ, thử giao diện giữa các thiết bị với nhau và thử nghiệm tích hợp nhiều hệ thống đồng thời. Trên hành trình, tàu dừng khoảng 30 giây ở mỗi ga. Thời gian tàu đi hết toàn tuyến khoảng 30 phút và giữa các ga khoảng 3-4 phút.

Đến nay, tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành-Suối Tiên có tổng khối lượng thực hiện toàn dự án đạt 98,12%. Theo MAUR, song song với quá trình thử nghiệm, công tác đào tạo thực hành các nhân viên cũng đang bắt đầu được tiến hành. Hiện nay, khoảng 440 nhân viên của Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1) sau khi đã được tuyển dụng đủ, đang được đào tạo lý thuyết và thực hành. Sau khi hoàn thành đào tạo thực hành, nhân viên vận hành và bảo trì bảo đảm thành thạo, dự án sẽ chuyển sang giai đoạn vận hành thử trong thời gian khoảng hai tháng trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức.

Ngoài ra, MAUR cho hay, sau gần 5 tháng thi công, hiện chín cầu bộ hành kết nối nhà ga trên cao (từ ga Tân Cảng đến ga Đại học Quốc gia) của tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên nằm dọc theo trục đường Võ Nguyên Giáp (xa lộ Hà Nội cũ) đang được gấp rút thi công để kịp đưa vào vận hành cùng tuyến metro này. Các cây cầu bộ hành của tuyến Metro số 1 có vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho hành khách tiếp cận nhà ga thuận tiện và an toàn, đồng thời cũng là hướng thoát hiểm chính trong trường hợp xảy ra sự cố khẩn cấp.

Các cầu bộ hành được thiết kế với kết cấu dầm chữ U độc đáo, tổng chiều dài mỗi cầu từ 80-150m, chia thành các nhịp, phân đoạn nhỏ từ 30-35m, tĩnh không cầu là 5m. Kiến trúc cầu bộ hành được thiết kế tương đồng với kết cấu nhà ga chính với mái vòm thép và tấm lợp chống nóng, dọc hai bên thành cầu bố trí các bồn hoa, cây xanh trải dài, kết hợp thông gió tự nhiên tạo cảm giác thoải mái và xanh mát cho hành khách.

Tính đến hết tháng 4/2024, MAUR đã hoàn thành gác dầm tại 5/9 cầu bộ hành. Trong đó, hai cầu bộ hành tại ga Khu Công nghệ cao và ga Bình Thái đã hoàn thành toàn bộ các hạng mục: Kiến trúc, cơ điện, biển báo, biển hiệu,… nhà ga; ba cầu bộ hành đã hoàn tất gác dầm còn lại tại ga Rạch Chiếc, Phước Long, Tân Cảng và dự kiến ba cầu này sẽ hoàn thành toàn bộ các hạng mục trong tháng 5/2024.

Riêng bốn cầu còn lại kết nối các ga Thảo Điền, An Phú, Thủ Đức và Đại học Quốc gia, MAUR cho biết đang phối hợp nhà thầu, tư vấn xây dựng kế hoạch chi tiết đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, các đơn vị sẽ tập trung nhân sự, bố trí mũi thi công ở các khu vực đã có mặt bằng, triển khai cả ngày và đêm. Toàn bộ hệ thống cầu bộ hành được chủ đầu tư đặt mục tiêu hoàn thành khi tuyến Metro số 1 khai thác vào quý IV năm nay.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố có 34 tuyến xe buýt được kết nối vào tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên; trong đó, có 14 tuyến hiện hữu sẽ điều chỉnh kết nối vào và mở mới 20 tuyến. Các tuyến mới đề xuất gom khách cho Metro số 1 có các tuyến liên tỉnh đi qua Bình Dương, Đồng Nai và các tuyến kết nối với trường học, khu đô thị...

Đồng thời với dự án kết nối các tuyến xe buýt vào Metro số 1, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng còn triển khai xây dựng mới nhiều hạng mục công trình như các bãi đậu xe cá nhân, đường bộ hành, các điểm dừng cho các tuyến xe buýt gom tại các vị trí lân cận các nhà ga của tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên. Lãnh đạo Trung tâm cho hay: Phấn đấu đến tháng 7/2024, trung tâm tổ chức kết nối xe buýt vào tuyến Metro số 1 bảo đảm phục vụ công tác vận hành tuyến, qua đó phục vụ người dân đi lại thuận tiện, nhanh chóng.