Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Thể, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Phạm Tất Thắng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương chủ trì tọa đàm. Cùng dự có lãnh đạo Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Thường trực Đảng ủy Khối; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện lãnh đạo một số đảng bộ trực thuộc.
Khái quát một số luận điểm cơ bản trong phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và quan điểm của Đảng ta, đồng chí Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, công tác dân vận của Đảng càng được khẳng định rõ nét cả về lý luận và thực tiễn.
Việc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”..., đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động về công tác dân vận của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị, nhất là của các cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhất là vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh...
Quang cảnh buổi Tọa đàm khoa học. |
Đồng chí Nguyễn Văn Thể nêu rõ, nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay, Đảng ủy Khối đã thường xuyên quán triệt, vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Trung ương phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của Đảng bộ Khối, lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống dân vận, phát huy tinh thần sáng tạo, chủ động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong Khối các cơ quan Trung ương thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị.
Đồng chí Nguyễn Văn Thể, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương phát biểu khai mạc Tọa đàm. |
Thấm nhuần lời dạy của Bác về công tác dân vận, cán bộ, đảng viên cần kiên quyết, kiên trì tham gia ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tiếp tục đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên, hình thành nét đẹp văn hóa trong Đảng.
Việc vận dụng phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào công tác dân vận là việc rất quan trọng và rất cần thiết, nhất là đối với các tổ chức đảng trong các cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội ở Trung ương. Kết quả hoạt động của Đảng bộ và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Khối các cơ quan Trung ương không chỉ tác động đến Đảng bộ mà còn tác động đến hoạt động của toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Vũ Trọng Lâm phát biểu đề dẫn. |
Theo đồng chí Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, công tác dân vận không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà là một khoa học, “nghệ thuật” theo phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, để đưa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến được với dân, làm cho dân hiểu, dân nhớ, dân tin, từ đó hăng hái, tự nguyện, tự giác tham gia. Làm tốt công tác dân vận ở các cơ quan Trung ương chính là đóng góp thiết thực của cán bộ, đảng viên vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Tại Tọa đàm, đồng chí Phạm Tất Thắng chia sẻ những đặc điểm đặc thù trong công tác đảng nói chung, trong công tác dân vận của Đảng bộ Khối nói riêng. Việc vận dụng phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào công tác dân vận ở các cơ quan, đơn vị trong Đảng bộ Khối thể hiện sự nghiêm túc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban chấp hành các đoàn thể, của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động, đặc biệt là vai trò trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác dân vận.
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng chia sẻ kinh nghiệm công tác dân vận của Đảng. |
Để công tác dân vận trong Đảng bộ Khối đạt nhiều kết quả hơn nữa, các cấp ủy trực thuộc cần tiếp tục phối hợp hiệu quả với đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo các cơ quan Trung ương, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới; nêu cao vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên; phát huy quyền và lợi ích chính đáng của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người lao động trong các cơ quan để nỗ lực tham mưu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
26 tham luận gửi đến và trình bày tại Tọa đàm là những ý kiến có chất lượng của các đại biểu, nhà khoa học trong và ngoài Đảng bộ Khối, với tinh thần trách nhiệm cao, phát huy dân chủ, tâm huyết đối với công tác dân vận của Đảng. Các tham luận góp phần làm rõ hơn những vấn đề về lý luận tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh về công tác dân vận; đồng thời, đánh giá sát, đúng thực trạng công tác dân vận trong Khối các cơ quan Trung ương hiện nay. Các đại biểu chia sẻ bài học kinh nghiệm; mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của đảng bộ cơ quan, đơn vị; giới thiệu những mô hình “Dân vận khéo”, từ đó góp phần lan tỏa, nhân rộng sự đổi mới về phương thức, nội dung, cách làm sáng tạo công tác dân vận trong Khối các cơ quan Trung ương.
Kết luận Tọa đàm, đồng chí Lại Xuân Lâm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đề nghị, Ban tổ chức tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và ý kiến của các đảng ủy trực thuộc; phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật biên tập thành cuốn sách về nghiệp vụ công tác dân vận làm tài liệu tham khảo và vận dụng vào điều kiện thực tế của mỗi cơ quan, đơn vị trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.