Không tin, không nghe, không làm theo kẻ xấu lợi dụng kích động, chống phá Đảng, chính quyền, gây mất ổn định ở địa phương”, đó là chia sẻ của Già làng Phi SRỗn Ha Song, 94 tuổi, ở thôn Tu La, xã Đạ Mrông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.
Già làng Phi SRỗn Ha Song là người có uy tín, theo đạo Tin lành ở thôn Tu La, đại diện hơn 70 già làng, các vị chức sắc tôn giáo, người có uy tín trên địa bàn 11 xã thuộc ba huyện: Đam Rông, Lâm Hà, Di Linh của tỉnh Lâm Đồng, nằm trong vùng dự án do Đoàn Kinh tế-Quốc phòng Lâm Đồng đảm nhiệm, thường xuyên được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 gặp gỡ, động viên.
Các huyện Đam Rông, Lâm Hà, Di Linh là những huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lâm Đồng, có mật độ dân số thấp, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế-xã hội chậm phát triển, nằm trong vùng dự án, phần lớn người dân là đồng bào dân tộc, nhiều tập quán lạc hậu còn tồn tại, tỷ lệ hộ nghèo cao; trong đó huyện Đam Rông là một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định.
Nắm vững đặc điểm, tình hình địa bàn và chức năng, nhiệm vụ được giao, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng Lâm Đồng đã nỗ lực, nêu cao trách nhiệm chính trị, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong đó, Đoàn đã chủ động phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân; bám sát quy hoạch tổng thể Khu Kinh tế-Quốc phòng bắc Lâm Đồng của Chính phủ, tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, quy hoạch chi tiết phát triển kinh tế-xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng-an ninh trong vùng dự án; tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, như: Giao thông, thủy lợi, hệ thống lưới điện, trường học, trạm y tế và các công trình thiết yếu khác phục vụ cho di dân, giãn dân, phát triển sản xuất.
Đoàn thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên địa bàn trọng yếu và công trình quan trọng, cấp thiết. Đến nay, Đoàn đã hoàn thành hàng trăm công trình, trong đó có gần 30 km đường giao thông; bê-tông hóa hơn 2.000m kênh mương, xây dựng một công trình cấp nước sinh hoạt cho 1.000 hộ dân; đầu tư xây dựng năm công trình điện, với hơn 50.000m đường dây trung và hạ thế, 14 trạm biến áp phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho hơn 2.000 hộ dân.
Các công trình hạ tầng sau khi Đoàn xây dựng xong bàn giao cho địa phương quản lý, khai thác. Hiện nay, nhiều nơi trong vùng dự án, người dân đã được sử dụng điện, nước sinh hoạt, được tiếp xúc, kết nối và nâng cao khả năng áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tạo chuyển biến rõ nét trong cải thiện đời sống người dân.
Với lợi thế thu hút được nhiều trí thức trẻ tình nguyện về Đoàn công tác, Đoàn đã triển khai và nhân rộng nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả kinh tế cao, ứng dụng trực tiếp giúp nhân dân phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao đời sống, như: Ủ phân vi sinh từ rơm, rạ, vỏ cà-phê; ươm, ghép chồi thành công cây cà-phê, cây cà ri, cây keo giống mới cao sản; mô hình VAC; mô hình trồng nghệ, nuôi gà thả vườn, hướng dẫn người dân cách phòng, chống các loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi…
Bên cạnh đó, Đoàn còn vận động kinh phí hỗ trợ cho nhân dân 11 xã phát triển sản xuất, với 65 con bò lai sind sinh sản, 100 con bò giống Red Angus, 4.000 con gà giống Lương Phượng, hơn 50 tấn phân bón NPK và hàng trăm tấn hạt giống lúa, ngô, rau, quả…, tổng trị giá hơn năm tỷ đồng. Qua đó đã có hơn 2.000 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.
Thực hiện chủ trương “Lực lượng vũ trang Quân khu 7 chung sức xây dựng nông thôn mới” và Cuộc vận động “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn đã phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo xây dựng, củng cố cơ sở chính trị trên địa bàn vững mạnh, rộng khắp.
Đoàn cùng cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương ký kết quy chế phối hợp công tác, gắn thực hiện nhiệm vụ kinh tế-quốc phòng với xây dựng địa bàn; chủ động tham mưu giúp địa phương xây dựng, kiện toàn cấp ủy, chính quyền các cấp; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức quần chúng; tổ chức tập huấn kiến thức nghiệp vụ quản lý địa bàn, quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ các xã.
Cùng với đó, Đoàn còn phối hợp xây dựng 85 căn nhà “Tình nghĩa Quân-Dân”; mở 12 lớp học xóa mù chữ cho đồng bào các huyện: Đam Rông, Di Linh, Lâm Hà; triển khai quân y khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân; ủng hộ quỹ: chất độc da cam, đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo; thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, già làng, trưởng bản, trưởng thôn, gia đình neo đơn, khó khăn; tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao,... trong các dịp lễ, Tết, để lại tình cảm và ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Đặc biệt, khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn tại các địa phương trong vùng dự án, cán bộ, chiến sĩ của Đoàn có mặt kịp thời tham gia cứu hộ, cứu nạn, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, nhanh chóng ổn định cuộc sống của người dân.