Dân vận khéo-kết quả tốt

Thiết thực, hiệu quả, hợp lòng dân, hướng mạnh về cơ sở được coi là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Ninh Bình thời gian qua. Trong đó, tỉnh quan tâm phát động mạnh mẽ phong trào thi đua “Dân vận khéo”, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp.
0:00 / 0:00
0:00
Ngõ 261, đường Trần Hưng Đạo, phường Ninh Khánh luôn phong quang, sạch, đẹp.
Ngõ 261, đường Trần Hưng Đạo, phường Ninh Khánh luôn phong quang, sạch, đẹp.

Đến thăm phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình), điều dễ nhận thấy là sự “chỉn chu” trong từng ngõ phố. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Trưởng Khối Dân vận phường Ninh Khánh Lê Đức Ninh, cho biết: Ninh Khánh vốn xuất phát từ xã nông nghiệp, phát triển thành phường, do đó để thay đổi nếp sống, bảo đảm theo các tiêu chí văn minh đô thị, phường tập trung vận động xây dựng, thực hiện mô hình dân vận khéo “Sáng-Sạch-Bình an” trên địa bàn.

Đảng ủy phường ra nghị quyết, quán triệt sâu đến cơ sở; Ủy ban nhân dân phường thành lập tổ công tác khảo sát thực trạng, trên cơ sở đó chỉ đạo thực hiện. Do làm tốt công tác dân vận, nhân dân nhận thấy sự thiết thực, 100% số hộ dân trên địa bàn phường đều đăng ký, nhiệt tình hưởng ứng thực hiện. Sau ba năm, đã có gần 1.800 bóng điện chiếu sáng công cộng được lắp đặt, với kinh phí đầu tư hơn hai tỷ đồng, người dân đóng góp tới 50%, bảo đảm mọi tuyến đường, ngõ phố đều được chiếu sáng.

Bên cạnh đó, phong trào toàn dân tham gia dọn vệ sinh vào sáng thứ bảy hằng tuần; tổ tự quản về vệ sinh môi trường cũng hình thành và được nhân rộng, hằng ngày tuyên truyền, vận động nhân dân quét, dọn vỉa hè, lòng đường, thu dọn, tập kết rác thải đúng giờ, đúng nơi quy định. Đến nay, phường Ninh Khánh thật sự là điểm sáng về tiêu chí “sạch” của thành phố và của tỉnh.

Đối với nội dung “bình an”, trước khi phát động mô hình, phường đã xã hội hóa lắp đặt được 200 camera giám sát an ninh trên các tuyến đường chính. Tại các ngõ nhỏ, phường chỉ đạo các tổ dân phố tăng cường tuyên truyền, vận động; thời gian đầu có 50 hộ dân lắp camera. Nhận thấy hiệu quả rõ nét, nhiều hộ dân đã làm theo; đến nay có thêm hơn 230 hộ lắp đặt camera quay ra đường. Được biết, phường Ninh Khánh đang phấn đấu vận động nhân dân, để đến giữa năm 2025, 100% số hộ dân trên địa bàn lắp đặt camera giám sát an ninh.

Ở xã Hồi Ninh, huyện nông thôn mới Kim Sơn trước đây, đường giao thông khá nhỏ hẹp, chỉ rộng chưa tới 1,8m. Nhưng đến nay đường đã đổ bê-tông khang trang, trải dài, mặt đường mở ra hơn 5m. Có được diện mạo ấy là nhờ những người dân tiêu biểu như gia đình ông Trần Văn Đấu ở xóm 5, xã Hồi Ninh đã hiến 3m2 đất để mở rộng đường liên thôn và vận động các gia đình cùng xóm có diện tích đất bị ảnh hưởng tự nguyện tháo dỡ công trình, hiến đất làm đường. Ông Đấu chia sẻ: Trong xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền huyện Kim Sơn, xã Hội Ninh luôn công khai, minh bạch từ chủ trương, kế hoạch, biện pháp thực hiện; đặc biệt phát huy tốt việc dân được biết, được bàn, được làm, được đóng góp và được hưởng thụ thành quả. Do đó, bản thân tôi và người dân quê tôi ai cũng vui mừng phấn khởi, ủng hộ.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn Trần Anh Khiêm cho biết: Bằng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, công tác dân vận “đi trước, đi cùng” trong suốt quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, tạo nên sức lan tỏa sâu rộng; nhân dân tích cực hưởng ứng hiến đất, đóng góp tiền, ngày công chỉnh trang cơ sở hạ tầng, đường làng, ngõ xóm, thiết chế văn hóa... Nhờ đó, Kim Sơn đã xây dựng thành công huyện nông thôn mới; vùng quê nghèo khó ngày nào đang có sự khởi sắc; trong tổng số kinh phí đầu tư cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, vốn tham gia của cộng đồng dân cư chiếm tới 30%, với gần 800 công trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng nông thôn mới. Từ những kết quả nổi bật, toàn diện trong việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, có tới 99,53% số người dân trên địa bàn huyện hài lòng. Đây là động lực mạnh mẽ để Kim Sơn tiếp tục những bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn hội nhập và phát triển bền vững.

Theo Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Ninh Bình Phạm Thị Bích Thảo, có thể khẳng định, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã thật sự đi vào đời sống xã hội, có sức lan tỏa sâu rộng, trở thành phong trào thi đua của cả hệ thống chính trị và được các tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Qua “Dân vận khéo”, những việc mới, việc khó như giải phóng mặt bằng, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đô thị văn minh, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường… được thực hiện hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng được 1.635 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực; trong đó, có 451 mô hình thuộc lĩnh vực kinh tế, 878 mô hình thuộc lĩnh vực văn hóa-xã hội, 166 mô hình thuộc lĩnh vực an ninh-quốc phòng, 140 mô hình thuộc lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị. Các mô hình khi áp dụng vào cuộc sống đã có hiệu ứng xã hội tích cực, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giữ vững quốc phòng-an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ■