Đây cũng là những bài học kinh nghiệm để thành phố tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác dân vận trong giai đoạn tới.
Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác dân vận trong các đơn vị và nhanh chóng triển khai những giải pháp bảo đảm nguyên tắc làm việc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, mọi công việc được bàn bạc dân chủ, giải quyết đúng thẩm quyền.
“Ủy ban nhân dân quận hằng tuần báo cáo tình hình kinh tế-xã hội với Thường trực Quận ủy, định kỳ báo cáo Hội đồng nhân dân quận; nếu các đề xuất được thống nhất thì Ủy ban nhân dân quận chỉ đạo triển khai thực hiện, phân công cụ thể cho thành viên, thủ trưởng các ngành”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết. Nhờ đó, từ đầu năm 2023 đến nay, tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đúng, trước hạn của quận luôn đạt 100%; góp ý của người dân về chất lượng giải quyết tại bộ phận “một cửa” đều cho kết quả “hài lòng”, “rất hài lòng”. Hiện tại 18 phường lập được 250 tổ “xung kích số” với nòng cốt là lực lượng thành thạo công nghệ thông tin thực hiện thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công.
Tại huyện Thanh Trì, công tác kiểm tra công vụ, cải cách hành chính được đẩy mạnh, chú trọng giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân. Từ năm 2013 đến nay, Huyện ủy đã tổ chức 24 cuộc lồng ghép kiểm tra công tác dân vận cùng công tác xây dựng Đảng đối với 134 tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, giám sát 11 cuộc đối với 96 tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên; Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của huyện đã kiểm tra 14 cuộc đối với 144 đơn vị. Đổi mới công tác dân vận của các cơ quan hành chính nhà nước, hoạt động của bộ phận “một cửa” tiếp tục được tăng cường, tỷ lệ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn đạt hơn 99,78%.
Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Vũ Hà, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW; 5 năm thực hiện Kết luận số 43-KL/TW, thành phố đã tạo sự thống nhất, đồng thuận, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Các cấp chính quyền từ thành phố tới cơ sở tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản lãnh đạo của Trung ương, Thành ủy về công tác dân vận, nhất là Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 1/10/2021 của Thành ủy “Về đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước”, đạt nhiều kết quả nổi bật.
Trong đó, Hội đồng nhân dân các cấp thành phố có nhiều đổi mới trong tổ chức và hoạt động, thể hiện được vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân Thủ đô. Ủy ban nhân dân thành phố đã đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, cải cách thủ tục hành chính và triển khai quyết liệt, bài bản thí điểm mô hình chính quyền đô thị, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp tập trung thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Từ năm 2013 đến nay, cấp thành phố đã tổ chức 2.514 cuộc giám sát, 144 hội nghị phản biện xã hội; cấp quận, huyện, thị xã đã tổ chức 21.100 cuộc giám sát, 1.499 hội nghị phản biện xã hội; cấp xã, phường, thị trấn tổ chức 68.463 cuộc giám sát, 11.742 hội nghị phản biện xã hội.
Đáng chú ý, các phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào “Dân vận khéo”, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận đã tạo được sự lan tỏa sâu rộng. Từ năm 2013 đến nay, có 95.964 mô hình “Dân vận khéo” các cấp được đăng ký triển khai. Qua đó, nhiều mô hình nhân rộng; nhiều việc mới, việc khó, phát sinh ở cơ sở đã được giải quyết, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.
Tại hội nghị tổng kết Nghị quyết số 25-NQ/TW được tổ chức mới đây, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị từ những kết quả đã đạt được, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận, từ đó khơi lên khát vọng cống hiến của các tầng lớp nhân dân để xây dựng Thủ đô “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”.
Đồng chí cũng đề nghị các quận, huyện rà soát các hương ước, quy ước của các làng xã đã có từ hàng trăm năm để gìn giữ và phát huy vai trò tự quản của các thôn làng, tổ dân phố, khu dân cư. Cùng với đó, Ban Dân vận Thành ủy cần nghiên cứu, xây dựng các đề án, kế hoạch cụ thể để ứng dụng khoa học công nghệ, mạng xã hội vào việc triển khai công tác dân vận trong tình hình mới.
Mục tiêu là để người dân nắm bắt được các thông tin chính thống một cách nhanh nhất, phổ biến nhất; qua đó, nắm bắt kịp thời tâm tư, diễn biến và nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. “Chỉ khi có sự tự nguyện của nhân dân thì công tác dân vận mới trọn vẹn hơn”, đồng chí cho biết thêm và mong muốn, thời gian tới hệ thống dân vận thành phố sẽ có thêm nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, qua đó đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển chung của Thủ đô.