Vai trò đầu tàu kinh tế toàn cầu

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cảnh báo, nền kinh tế toàn cầu đang tiến gần một cách nguy hiểm đến suy thoái do lạm phát, lãi suất tăng và gánh nặng nợ ngày càng cao ảnh hưởng các nước đang phát triển. Trong bối cảnh thế giới đối mặt nhiều thách thức, Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) được kỳ vọng sẽ làm đầu tàu phục hồi kinh tế toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Cảng Long Beach tại bang California, Mỹ, ngày 30/1/2019. (Ảnh: Reuters)
Cảng Long Beach tại bang California, Mỹ, ngày 30/1/2019. (Ảnh: Reuters)

Trong nghiên cứu công bố vào giữa tháng 9 vừa qua, WB cảnh báo, nếu các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đồng loạt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, thế giới có thể tiến tới cuộc suy thoái toàn cầu vào năm 2023, với dự báo tăng trưởng chỉ đạt 0,5%. Vấn đề lạm phát, lãi suất tăng và việc cắt dòng vốn đến các nước đang phát triển đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến người nghèo. Trong khi dân số thế giới tăng trưởng ước tính khoảng 1,1%/năm, nếu tăng trưởng kinh tế chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng dân số, điều đó có nghĩa là nghèo đói gia tăng.

Theo báo cáo cập nhật về đói nghèo và thịnh vượng chung của WB, thu nhập trung bình trên toàn cầu đã giảm 4% năm 2020, mức giảm đầu tiên kể từ khi WB bắt đầu tiến hành đánh giá mức thu nhập trung bình vào năm 1990. Nếu xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu, thu nhập trung bình sẽ giảm tiếp. Ðại dịch Covid-19 đã lấy đi những thành quả đạt được về xóa đói, giảm nghèo trên toàn cầu kể từ năm 1990, khi đẩy khoảng 70 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực vào năm 2020.

Thế giới đang phải đối mặt môi trường đầy thách thức từ các nền kinh tế phát triển và điều này cũng là mối đe dọa đối với các nước đang phát triển. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm nay và năm tới, đi kèm cảnh báo mức lãi suất và lạm phát cao sẽ khiến nền kinh tế số một thế giới rơi vào cuộc suy thoái.

Theo báo cáo của Fitch, GDP của Mỹ dự kiến tăng trưởng 0,5% năm 2023, thay cho dự báo tăng trưởng 1,5% mà cơ quan này đưa ra hồi tháng 6/2022.

Trong khi đó, tại châu Âu, sự không chắc chắn về việc nhập khẩu năng lượng của Nga đang đẩy Khu vực đồng euro (Eurozone) tiến gần hơn tới kịch bản suy giảm kinh tế vào năm 2023. Trong các dự báo đưa ra hồi tháng 9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nêu kịch bản xấu, theo đó, nền kinh tế Eurozone có thể suy giảm khoảng 1% năm 2023, trong khi kịch bản cơ sở dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực này có thể đạt 0,9%. ECB dự báo trong trường hợp triển vọng kinh tế u ám, lạm phát hằng năm của Eurozone có thể lên tới 8,4% năm nay và 6,9% năm 2023.

Trước hàng loạt khó khăn mà thế giới đang phải đối mặt, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi các nước G20 phát huy vai trò đầu tàu để đưa nền kinh tế toàn cầu vượt qua các cơn bão khủng hoảng.

Người đứng đầu LHQ nhấn mạnh, G20 cần định hướng lại để có thể phục hồi nền kinh tế cho cả thế giới. Ðể đạt được mục tiêu này, LHQ và các đối tác đã đề xuất chương trình kích thích các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) nhằm giải quyết tình trạng thị trường ngày càng tồi tệ và đẩy nhanh tiến độ hướng tới các SDG.

Dẫn dắt thế giới vượt qua khó khăn là kỳ vọng mà người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh đặt vào G20, song cũng là trách nhiệm của các nước giàu đối với các nước nghèo hơn. Các nước nghèo, dễ bị tổn thương cần được giãn nợ.

Theo đó, cần cân đối mức cho vay của các ngân hàng phát triển đa phương và các ngân hàng phát triển của nhà nước dành cho SDG; khuyến khích các chủ thể nợ công tham gia nỗ lực xóa nợ; tăng cường hỗ trợ thanh khoản cho các quốc gia dễ bị tổn thương thông qua việc tăng cường sử dụng Quyền rút vốn đặc biệt, cũng như điều chỉnh các dòng tài chính cho phù hợp các SDG và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Dù đối mặt nhiều thách thức và mỗi nước G20 đều có quan điểm riêng, nhưng các nước thành viên G20 cùng chung nhận thức rằng, cần tăng cường đoàn kết để tiếp tục duy trì khối này như một diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu.