Trong phát biểu tại Trường đại học Georgetown (Mỹ) cuối tuần trước, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nêu rõ: Các nhà hoạch định chính sách toàn cầu cần phối hợp hành động để ngăn chặn giai đoạn bất ổn hiện nay trở thành “điều bình thường mới” nguy hiểm. Theo IMF, mục tiêu quan trọng nhất là ổn định nền kinh tế thế giới bằng cách giải quyết những thách thức cấp bách nhất, trong đó có tình trạng lạm phát.
IMF nhận định rằng, không chỉ triển vọng u ám, mà nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu ngày một cao hơn, rõ rệt hơn. Chỉ trong chưa đầy ba năm qua, thế giới phải đương đầu hết cú sốc này đến thách thức khác. Nguồn cung toàn cầu gặp khó khăn trong khi nhu cầu lại tăng cao trong tiến trình phục hồi sau đại dịch, khiến lạm phát leo thang với tốc độ phi mã. Tình trạng tồi tệ hơn sau khi xung đột nổ ra tại Ukraine, đẩy giá lương thực và năng lượng lên cao kỷ lục, đe dọa dẫn đến khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng cảnh báo rằng, bức tranh kinh tế toàn cầu đang dần trở nên ảm đạm hơn và thương mại thế giới mất đà tăng trưởng do nhiều cú sốc đè nặng lên các nền kinh tế. Trong báo cáo cập nhật dự báo thương mại thế giới công bố hôm 5/10, WTO cho biết, tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2022 dự kiến tăng 3,5%, song sẽ mất đà từ cuối năm và giảm mạnh trong năm tới, có thể chỉ tăng 1%. WTO hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 còn 2,3%, giảm mạnh so dự báo trước đó là 3,2%.
Theo WTO, việc Mỹ siết chặt chính sách tiền tệ đang ảnh hưởng tiêu cực tới các lĩnh vực như nhà ở, sản xuất ô-tô và đầu tư. Trong khi đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc vẫn phải chật vật chống chọi các đợt bùng phát dịch Covid-19 và tình trạng sản xuất gián đoạn. Các nước đang phát triển cũng gặp khó khăn chồng chất, khi chi phí nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm, phân bón tăng cao, đe dọa làm tình trạng mất an ninh lương thực và nợ công thêm nghiêm trọng. Những thay đổi lớn trong chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế phát triển trong bối cảnh xung đột tại Ukraine vẫn diễn biến khó lường có thể khiến tình hình kinh tế và thương mại toàn cầu thay đổi phức tạp hơn, bất ổn hơn.
Phát biểu ý kiến với báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iwweala chỉ rõ: Thế giới đang đối mặt các cuộc khủng hoảng đa chiều và đan xen, trong khi nhiều nước lại áp dụng chính sách siết chặt tiền tệ, làm tăng áp lực lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các yếu tố gây bất ổn hiện nay như lạm phát cao, giá năng lượng tăng đột biến và xung đột tại Ukraine chưa hạ nhiệt, sẽ tạo áp lực lớn đối với chi tiêu gia đình và làm tăng chi phí sản xuất, nhất là tại châu Âu.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh, mục tiêu rốt ráo là ngăn chặn kịch bản bất ổn kinh tế trở thành “điều bình thường mới”, song cũng thừa nhận đây là nỗ lực rất khó khăn và để thành công các nước cần hành động cùng nhau. Trước nguy cơ bất ổn, rủi ro gia tăng đối với kinh tế toàn cầu, IMF cảnh báo những hành động quá quyết liệt của các ngân hàng trung ương nhằm giảm áp lực về giá và lạm phát có thể khiến suy thoái kinh tế kéo dài hơn.
Hội nghị thường niên của IMF và WB, khai mạc hôm nay (ngày 10/10) tại Washington (Mỹ) là hội nghị trực tiếp đầu tiên của hai thiết chế toàn cầu về tài chính và tiền tệ, kể từ năm 2019 khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tại hội nghị, IMF dự kiến công bố tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, dù trước đó đã điều chỉnh xuống các mức 3,2% và 2,9% cho hai năm 2022 và 2023.