Nguy cơ “bão kinh tế toàn cầu”

Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa cảnh báo, nền kinh tế toàn cầu đang tiến gần “một cách nguy hiểm” đến suy thoái do lạm phát, lãi suất tăng và gánh nặng nợ ngày càng tăng ảnh hưởng tới các nước đang phát triển. Thậm chí, những đánh giá tiêu cực hơn còn cho rằng thế giới đối mặt một “cơn bão kinh tế” trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: CHENXIA
Biếm họa: CHENXIA

Chủ tịch WB David Malpass thông báo, WB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 từ 3% xuống 1,9%, mức gần nguy hiểm với suy thoái kinh tế thế giới. WB cảnh báo, nếu các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đồng loạt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, thế giới có thể tiến tới cuộc suy thoái toàn cầu vào năm 2023, với dự báo tăng trưởng chỉ đạt 0,5%.

Cùng chung lo ngại với WB, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nhận định, xu thế tăng lãi suất do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dẫn đầu gây nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới. Ông Borrell cho rằng, các ngân hàng trung ương buộc phải hành động theo các đợt tăng lãi suất nhiều lần của FED để ngăn đồng tiền của họ mất giá so đồng USD. FED đang tranh luận về việc có nên đưa ra mức tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ tư liên tiếp vào cuộc họp vào tháng 11 tới hay không, một động thái khả năng sẽ nâng lãi suất cơ bản lên 3,75 - 4%. Nhằm đối phó lạm phát đang ở mức 10%, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất huy động thêm 1,25 điểm phần trăm tại hai cuộc họp chính sách gần đây và dự kiến tăng thêm 0,75 điểm phần trăm vào ngày 27/10 tới.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023, đồng thời cảnh báo tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn vào năm tới. IMF dự báo một phần ba số nền kinh tế trên thế giới có thể sẽ suy giảm vào năm nay và năm 2023. Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas nhận định, ba nền kinh tế lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tiếp tục đình trệ. Theo IMF, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 sẽ giảm xuống 2,7%. Nguyên nhân là lãi suất tăng làm chậm đà tăng trưởng nền kinh tế Mỹ, trong khi châu Âu chật vật với giá khí đốt tăng, còn Trung Quốc tiếp tục áp đặt các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 và ngành bất động sản của nước này suy yếu.

Cụ thể, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm nay sẽ là 1,6% và năm 2023 là 1%. Suy giảm kinh tế của các nước thuộc Eurozone dự báo sẽ mạnh thêm vào năm tới, trong đó Đức và Italy được dự báo sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023. Trong khi đó, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 và 2023 do các biện pháp phòng chống Covid-19 của nước này và cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản ảnh hưởng tới tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á trong bối cảnh lãi suất tăng, buộc nhiều ngân hàng trung ương phải siết chặt chính sách tiền tệ và xuất khẩu giảm do tình hình kinh tế tại các đối tác thương mại chính của khu vực này, trong đó có Mỹ. IMF nhận định các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 4,4% trong năm nay và 4,9% năm 2023. Theo IMF, tỷ lệ lạm phát trên toàn cầu sẽ lên tới 9,5% trong năm nay trước khi giảm xuống 4,1% vào năm 2024.

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định, đồng USD mạnh, chi phí vay tăng cao và làn sóng rút vốn mới là ba khó khăn kinh tế mà các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển đang phải gánh chịu. Hiện, hơn 60% các nước thu nhập thấp đang lâm vào hoặc có nguy cơ cao về nợ nần. IMF cho rằng những nước có mức nợ cao là những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, do đó cần có sự hỗ trợ cho các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển dễ bị tổn thương. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng kêu gọi các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) làm “đầu tàu” phục hồi kinh tế toàn cầu và LHQ khuyến nghị cần sớm giãn nợ cho các nước nghèo, dễ bị tổn thương.