Vai trò cân bằng thị trường dầu mỏ

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã phải lùi một ngày tổ chức hội nghị cấp bộ trưởng, để đàm phán thêm về chính sách sản lượng. Các nhà sản xuất dầu mỏ buộc phải “cân não” việc cắt giảm nguồn cung ở mức nào mà không đụng chạm lợi ích của các thành viên, trong bối cảnh sự phục hồi của thị trường “vàng đen” còn mong manh và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Vai trò cân bằng thị trường dầu mỏ

Hội nghị Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng (JMMC) của OPEC+ lần thứ 31 và Hội nghị Bộ trưởng OPEC+ lần thứ 18 diễn ra theo hình thức trực tuyến nhằm đánh giá những chuyển biến trên thị trường dầu mỏ để đưa ra quyết sách và hành động phù hợp. Tại hội nghị lần này, OPEC+ đưa ra quyết định chính sách dầu mỏ từ tháng 8 và xem xét gia hạn thỏa thuận về hạn chế nguồn cung cho tới sau tháng 4/2022. 

Theo các nguồn tin, một kế hoạch về nới lỏng ngay lập tức việc cắt giảm và kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2022 đã được các nhà sản xuất dầu hàng đầu OPEC+ là Nga và Saudi Arabia (A-rập Xê-út) nhất trí sơ bộ trước thềm hội nghị, theo đó sẽ nâng sản lượng lên 400.000 thùng/ngày từ tháng 8 đến 12/2021 nhằm đáp ứng nhu cầu toàn cầu đang tăng lên. Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải sự phản đối của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), một lý do khiến OPEC+ đã phải lùi một ngày cuộc họp dự kiến diễn ra ngày 1/7 vừa qua để thương thảo thêm. Nga và Saudi Arabia đề xuất kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2022 để tránh dư thừa nguồn cung, song UAE, quốc gia có mục tiêu tăng trưởng sản lượng dầu đầy tham vọng, đã phản đối đề xuất này. UAE yêu cầu OPEC+ thay đổi mức sản lượng ban đầu để tính các mức cắt giảm.     

Với vai trò dẫn dắt thị trường dầu mỏ, OPEC+ hiện cắt giảm khoảng 5,8 triệu thùng/ngày để ổn định giá dầu. Báo cáo nội bộ của OPEC cho biết, thị trường dầu mỏ được dự đoán sẽ thiếu hụt trong ngắn hạn, song có thể dư cung trở lại một khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng của nhóm kết thúc. Nhu cầu dầu mỏ được dự đoán sẽ tăng sáu triệu thùng/ngày trong năm 2021. Bởi thế, các kế hoạch nới lỏng cũng như thời gian cắt giảm sản lượng của OPEC+ cần được đưa ra một cách thận trọng nhằm duy trì giá dầu ở mức hợp lý và có thể chấp nhận được với các nền kinh tế vốn phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ. 

OPEC+ đã linh hoạt hơn trong việc đưa ra chính sách kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Vai trò cân bằng thị trường của OPEC+ tiếp tục được phát huy khi nhóm này có thể nhanh chóng điều chỉnh sản lượng nếu nhận thấy có yếu tố nào đó tác động mạnh đến thị trường “vàng đen”.