Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ 18

NDO -

Sáng 12/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 18, thẩm tra dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và các báo cáo của Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

0:00 / 0:00
0:00
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.

Đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chủ trì phiên họp.

Trình bày tờ trình dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Tư pháp cho biết, dự thảo Luật gồm: 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) xây dựng dựa trên 5 quan điểm chỉ đạo: thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; quy định các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô bảo đảm phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013; bám sát 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua; chi tiết, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; kế thừa, phát triển các quy định đang phát huy tác dụng tốt của Luật Thủ đô 2012 đã được thực tiễn, kiểm điểm, luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô.

Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ 18 ảnh 2

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Báo cáo ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và các báo cáo của Chính phủ về sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành, mục đích, quan điểm xây dựng và phạm vi sửa đổi Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bên cạnh đó đề nghị, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ nhưng cũng đồng thời là giao nhiệm vụ cho chính quyền Thành phố Hà Nội trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô xứng tầm với vị trí, vai trò, mục tiêu đã được xác định trong Nghị quyết số 15-NQ/TW.

Các cơ chế, chính sách được thiết kế trong dự thảo Luật phải rõ ràng, rành mạch về phạm vi, nội dung phân quyền; lĩnh vực phân quyền phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và có cơ chế kiểm soát quyền lực thông qua việc quy định cụ thể quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan; đồng thời, cần bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện nhiệm vụ của Thủ đô là trung tâm chính trị-hành chính của quốc gia, đồng thời là đô thị đặc biệt.

Thống nhất về cách thức thể hiện trong toàn bộ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), bảo đảm cụ thể, rõ nội dung, phạm vi, đối tượng phân quyền và cơ chế phân cấp, ủy quyền gắn với chế độ trách nhiệm; hạn chế những quy định không mang tính quy phạm; không quy định lại các nội dung, các vấn đề đã được quy định trong các luật khác.

Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ 18 ảnh 3

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy trình bày báo cáo.

Về việc sơ kết thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại các thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao quá trình chuẩn bị các báo cáo của Chính phủ và tán thành với nhiều nội dung trong các báo cáo.

Theo đó, các báo cáo đã làm rõ những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc sau 3 năm thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cũng như các kiến nghị, đề xuất nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình chính quyền đô thị tại các thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi và nhất trí với các nội dung trong dự thảo Luật. Nhiều ý kiến đánh giá hồ sơ dự án Luật được Chính phủ chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, với tinh thần cầu thị cao, gồm đầy đủ các tài liệu theo quy định tại khoản 1, Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu.

Đối với nội dung cụ thể của dự thảo Luật, các đại biểu tập trung thảo luận cho ý kiến về: quy định về áp dụng Luật Thủ đô; các nội dung liên quan đến liên kết vùng Thủ đô; tổ chức chính quyền tại Thủ đô (mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Thủ đô; số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân); các chính sách xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô và chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô...

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao tinh thần thảo luận nghiêm túc, khẩn trương, hiệu quả của các đại biểu; ghi nhận tinh thần trách nhiệm của cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị hồ sơ dự án Luật kỹ lưỡng, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến.

Nhấn mạnh dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là Luật đặc biệt và quan trọng, quy định những cơ chế đặc thù để đẩy mạnh việc xây dựng, quản lý, bảo vệ, phát triển Thủ đô xứng đáng với vai trò trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, sau phiên họp, Ủy ban Pháp luật sẽ khẩn trương hoàn thiện báo cáo thẩm tra; đồng thời đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu, hoàn chỉnh các báo cáo và dự án Luật để trình Quốc hội tại kỳ họp tới.