Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội cho thấy, thành phố đang chịu áp lực về quy mô dân số đông và gia tăng cơ học nhanh; công tác quản lý quy hoạch, cơ sở hạ tầng còn thiếu, chưa đồng bộ; tốc độ đô thị hóa nhanh đã gia tăng áp lực và quá tải về hạ tầng kinh tế-xã hội.
Nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ngày càng nhiều, tính chất phức tạp, nhạy cảm, phát sinh nhiều vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ; trong khi những vướng mắc, bất cập về thể chế, chính sách, nhất là về quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng, đầu tư công, bồi thường giải phóng mặt bằng, quản lý đô thị... chậm được tháo gỡ.
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển bứt phá của Hà Nội trong thời gian tới. Để tiếp tục hoàn thiện dự án luật, cần nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ hơn nữa Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đặc biệt cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan quản trị đô thị, thể chế hóa được vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ đô, lưu ý giải quyết được các yêu cầu cơ bản về phân cấp, phân quyền phù hợp đặc điểm mô hình chính quyền đô thị, phù hợp tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan, đơn vị.
Cần bảo đảm nguyên tắc việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện; các nguồn lực cần được bảo đảm khi phân cấp, ủy quyền, gắn với sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ và sự đồng bộ, thông suốt trong quản lý của các cơ quan, đơn vị và toàn hệ thống.
Dự thảo luật phải nêu bật được yêu cầu phát triển Hà Nội theo hướng thông minh và xanh, là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, từ đó định hướng xây dựng chính quyền đô thị phải gắn liền với đẩy mạnh cải cách hành chính, chính quyền điện tử và chuyển đổi số, coi đây là một giải pháp căn bản để tổ chức chính quyền đô thị tinh gọn, hoạt động thông suốt, hiệu quả, kịp thời; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của chính quyền là thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền đô thị.
Cùng với sửa đổi Luật Thủ đô, trong quá trình sửa đổi, bổ sung pháp luật liên quan, các cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu có chính sách đặc thù về việc tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức của Hà Nội gắn với Quyết định số 899/QĐ-TTg (ngày 31/7/2023) phê duyệt chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: Khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, khoa học xã hội, y tế, thông tin và truyền thông, chuyển đổi số.