Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 5

NDO -

NDĐT - Sáng 13-4, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiến hành khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 5. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự và phát biểu chỉ đạo. Phiên họp dự kiến diễn ra trong hai ngày, 13 đến 14-4.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 5

Trong ngày làm việc đầu tiên, Ủy ban Pháp luật cho ý kiến về Tờ trình dự thảo đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị đưa 21 dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Dự kiến trong năm 2017 Chính phủ sẽ tiếp tục đề xuất bổ sung vào chương trình một số dự án luật, pháp lệnh theo đề nghị của các bộ, cơ quan ngang bộ sau khi đã thực hiện đầy đủ các thủ tục lập đề nghị theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Đối với 21 dự án trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, Chính phủ báo cáo cụ thể. Theo đó, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, với Chương trình thông qua: Chính phủ đề nghị đưa chín dự án luật, gồm: bảy dự án luật thuộc chương trình năm 2017 theo nghị quyết số 22/2016/QH14 của Quốc hội chuyển sang; một dự án mới được đề xuất bổ sung từ chương trình năm 2017 chuyển sang và một dự án luật đề xuất mới trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình một kỳ họp. Đối với Chương trình cho ý kiến: Chính phủ đề nghị đưa tám dự án luật, gồm: một dự án là Luật Công an xã được rút ra khỏi chương trình năm 2016, nay được đề nghị đưa vào Chương trình năm 2018 và bảy dự án đề xuất mới.

Còn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, với Chương trình thông qua: Chính phủ đề nghị đưa chín dự án luật, gồm: tám dự án luật được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và một dự án luật đề xuất mới trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình một kỳ họp. Đối với Chương trình cho ý kiến: Chính phủ đề nghị đưa ba dự án luật.

Về điều chỉnh Chương trình năm 2017, Chính phủ đề nghị điều chỉnh Chương trình đối với 11 dự án.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, các cơ quan có thẩm quyền trình, soạn thảo dự án cần tập trung nghiên cứu xây dựng dự thảo văn bản để bảo đảm chất lượng, tiến độ trình của dự án luật, pháp lệnh; kiên quyết không đưa vào Chương trình những dự án chưa chuẩn bị kỹ, chưa có đầy đủ hồ sơ theo quy định; việc xây dựng dự kiến các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng cần bảo đảm các luật đưa vào chương trình phải tuân thủ tính thống nhất, đồng bộ với những luật đã ban hành và trong toàn hệ thống pháp luật của đất nước. Trong việc lập Chương trình các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh nên tham vấn ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phụ trách lĩnh vực; chuẩn bị hồ sơ đề xuất đưa dự án vào Chương trình bảo đảm đầy đủ tài liệu theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong việc soạn thảo, thẩm tra, cho ý kiến về các dự án đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đưa vào Chương trình, các cơ quan có thẩm quyền xác định rõ trách nhiệm, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc việc soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, cho ý kiến các dự án luật, pháp lệnh theo đúng quy định; chuẩn bị kỹ các dự án luật, pháp lệnh bảo đảm đúng chất lượng và tiến độ; trong quá trình triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.