Nâng cao hiệu lực, hiệu quả mô hình chính quyền đô thị

NDO - Ngày 30/8, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
0:00 / 0:00
0:00
Sơ kết 3 năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng.
Sơ kết 3 năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng.

Các đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố; Lê Trung Chinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng; Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Nội vụ; Trần Duy Đông, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đồng chủ trì hội nghị.

Tham dự Hội nghị có gần 200 đại biểu đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan chức năng, các địa phương thành phố Đà Nẵng.

Qua 3 năm triển khai thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị, Đà Nẵng đã triển khai bố trí, sắp xếp tổ chức, bộ máy cán bộ, bổ nhiệm các chức danh từ thành phố đến quận, phường bảo đảm thực hiện đúng quy trình, thủ tục về công tác cán bộ theo phân cấp quản lý; tiến hành sắp xếp, bố trí các chức danh, phù hợp trình độ chuyên môn, nguyện vọng, chuẩn hóa đội ngũ công chức phường theo hướng chuyên nghiệp; tạo sự chủ động, linh hoạt, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Việc phân cấp, ủy quyền bước đầu đã mang lại nhiều kết quả tích cực; tạo sự linh hoạt trong triển khai, nâng cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, tổ chức bộ máy tinh gọn, bao quát chức năng nhiệm vụ, từ đó rút ngắn quy trình, bớt khâu trung gian, giảm bớt thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp.

Công tác quản lý tài chính, ngân sách được thực hiện bảo đảm theo quy định và đạt được một số kết quả tích cực; các khoản thu trên địa bàn quận, phường được chuyển về ngân sách thành phố quản lý, góp phần tập trung nguồn lực lớn cho ngân sách thành phố, chủ động cân đổi triển khai thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách; các khoản chỉ tiêu được thực hiện bảo đảm đúng định mức, chế độ; tiết kiệm trong sử dụng ngân sách.

Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của Đà Nẵng đạt kết quả tốt, GRDP giai đoạn 2021-2023 ước tăng 7,3%/năm; tiến độ các công trình động lực, trọng điểm được đẩy nhanh. Các chương trình an sinh xã hội được duy trì thực hiện tốt, nhất là tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19; ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, điều hành hoạt động của các cơ quan hành chính tạo sự hài lòng cao nhất của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình thực hiện thí điểm đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, như khó khăn trong việc chủ động bảo đảm kịp thời nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng về quốc phòng, an ninh, phòng, chống và khắc phục thiên tai, dịch bệnh và nhiệm vụ phát sinh đột xuất khác. Số lượng đại biểu chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố chưa phù hợp, ảnh hưởng hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.

Các chức danh cán bộ phường chưa có quy định liên thông ít nhiều ảnh hưởng tư tưởng, hiệu quả quản lý công tác cán bộ tại địa phương và việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức phường, xã theo hướng chuyên nghiệp. Một số nội dung liên quan thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân quận trước đây chưa được quy định cụ thể theo Nghị quyết số 119/2020 QH14 và Nghị định số 34-2021 của Chính phủ gây lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, ban, ngành, đoàn thể, nhất là người đứng đầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Nghị quyết 119 của Quốc hội.

Việc thực hiện thí điểm chính quyền đô thị cần gắn với phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2030 theo Kết luận số 48 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35 của Quốc hội, Nghị quyết số 117 của chính phủ; đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 33 của chính phủ, nhất là các nội dung liên quan đến quy định công chức phường, xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Trong quá trình thực hiện, cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Vì vậy cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án phân cấp, ủy quyền quản lý Nhà nước theo mô hình chính quyền đô thị; tăng tính chủ động, trách nhiệm trong thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; kịp thời đề xuất các giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc.

Ban Thường vụ các Quận ủy, Đảng ủy phường, Ủy ban Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành, quy chế dân chủ, mối quan hệ phối hợp cấp ủy, Mặt trận và cùng cấp trong điều kiện thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị, kịp thời tiếp nhận, xử lý những kiến nghị, phản ánh của người dân ngay từ cơ sở.

Đồng chí Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119 là cấp thiết để tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và các quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch thành phố được Thủ tướng Chính phủ thông qua trong thời gian đến; đây sẽ là cơ sở, nền tảng, điều kiện góp phần hoàn thành và thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền đô thị.