Ưu tiên phát triển năng lượng xanh, sạch

Thời gian qua, thành phố Hà Nội tập trung phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.
0:00 / 0:00
0:00

Tại Hà Nội, việc tìm các nguồn năng lượng xanh thay thế năng lượng hóa thạch, năng lượng truyền thống đang được thực hiện tích cực. Năm 2023, thành phố đặt mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo tăng thêm khoảng 37MW từ điện rác sau khi đưa dự án Nhà máy điện rác Seraphin vào vận hành. Khuyến khích phát triển mô hình điện mặt trời mái nhà, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách khi đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo trụ sở cơ quan, trạm y tế, trường học…

Cùng với đó, thành phố tiếp tục khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mặt nước, nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ và cơ chế nhằm tạo đột phá cho phát triển điện mặt trời phù hợp điều kiện đặc thù của Thủ đô và đẩy nhanh các dự án phát triển nguồn điện từ xử lý chất thải.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Ðình Thắng, đến năm 2021, thành phố đã lắp đặt được 2.102 hệ thống điện mặt trời mái nhà, công suất 33,82MW, sản lượng điện phát lên lưới năm 2022 đạt 18,81 triệu kWh góp phần bảo đảm nguồn cung cấp điện và giảm công suất phụ tải đỉnh vào giờ cao điểm cho lưới điện thành phố.

Ðối với việc phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, thời gian qua, các sở, ngành của thành phố đã phối hợp hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn đưa Nhà máy điện rác Nam Sơn, công suất 1,93MW đã đi vào vận hành; dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, công suất 75MW (đã vận hành hai phần ba tổ máy phát công suất 60MW); đã khởi công xây dựng dự án Nhà máy điện rác Seraphin ngày 30/3/2022 và phấn đấu hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Hiện tại, nhiều hộ dân ở Hà Nội đã sử dụng thiết bị năng lượng mặt trời phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Ðiện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) đã liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ các hộ dân lắp đặt hệ thống điện áp mái.

Trong lĩnh vực vận tải, thành phố đang có bước chuyển tích cực từ sử dụng động cơ đốt trong sang sử dụng động cơ điện. Số lượng người dân, doanh nghiệp sử dụng xe máy, xe đạp điện, xe buýt điện ngày một tăng nhanh. Ðơn cử như Công ty trách nhiệm hữu hạn Du lịch, Dịch vụ xây dựng Bảo Yến đã tiên phong trong việc khai thác phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch (khí hóa lỏng CNG) cho xe buýt.

Xe buýt sử dụng CNG được đánh giá giúp tiết kiệm khoảng 30% nhiên liệu; giảm 20% lượng khí thải các-bon-níc, 30% ni-tơ ô-xít và 70% sun-phua ô-xít so với xe chạy bằng dầu đi-ê-den. Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ sinh thái Vinbus (Tập đoàn Vingroup) đã mở 10 tuyến xe buýt điện, được người dân đón nhận. Anh Vũ Ðăng Khoa, ở khu đô thị Smart City, quận Nam Từ Liêm cho biết: Tôi làm việc ở khu vực Hồ Tây, hằng ngày đi làm bằng tuyến buýt E09 rất tiện. Xe sạch sẽ, thoáng mát, chạy êm, cho nên từ khi có tuyến buýt này, tôi không sử dụng xe cá nhân đi làm.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố đang tập trung chuyển đổi, đầu tư năng lượng xanh, sạch. Cùng với việc phát triển điện mặt trời, điện rác, thành phố đã chỉ đạo các tuyến xe buýt khi đấu thầu phải chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, theo đúng lộ trình chuyển đổi tỷ lệ phương tiện giao thông sử dụng điện, năng lượng sạch đến năm 2030; 100% số xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Cùng với đó, thành phố cũng cải tạo toàn bộ hệ thống điện ở khu đô thị, công cộng, trạm xăng theo hướng sử dụng năng lượng sạch.

Mặc dù có nhiều cố gắng, song hiện nay thành phố Hà Nội đang gặp không ít khó khăn trong kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia phát triển hạ tầng lưới điện. Tại buổi giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” của Ðoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội mới đây, Sở Công thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố Hà Nội nghiên cứu, áp dụng cơ chế đặc thù phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương để khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn.

Qua đó tận dụng tiềm năng khai thác nguồn điện mặt trời mái nhà sẵn có từ hạ tầng đô thị của Thủ đô Hà Nội (hệ thống các tòa nhà, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, bệnh viện, trường học…), góp phần đáp ứng nhu cầu cung cấp điện bảo đảm an ninh năng lượng, giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, thành phố cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quan tâm quy hoạch, bố trí quỹ đất, đầu tư hạ tầng bởi muốn có năng lượng sạch phải có hạ tầng tương ứng.