Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn

Trong bối cảnh liên kết vùng, Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là hạt nhân cung cấp dịch vụ đô thị chất lượng cao, dịch vụ hỗ trợ công nghiệp hiện đại mà còn là mắt xích quan trọng góp phần phát triển kinh tế bền vững của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Do đó, sự phát triển công nghiệp của thành phố có tác động lớn, mang tính dẫn dắt đến phát triển công nghiệp chung của toàn vùng.
Các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao được trưng bày tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao được trưng bày tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, tỉnh Long An là đô thị vệ tinh phía tây của Thành phố Hồ Chí Minh với các ngành có thế mạnh về công nghiệp chế biến, công nghiệp nhẹ như dệt may, da giày và công nghiệp hỗ trợ. Bình Phước có thế mạnh về cây công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khai khoáng, sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tây Ninh là trung tâm kinh tế cửa khẩu với thế mạnh về cây công nghiệp, dịch vụ du lịch, thương mại xuyên biên giới, công nghiệp gỗ, nội thất. Bình Dương là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo như điện tử, chế tạo máy, hóa dược phẩm... Còn tỉnh Đồng Nai là trung tâm kinh tế lấy hàng không làm trọng tâm, với các ngành có thế mạnh sản xuất máy móc, thiết bị điện, hóa chất, trung tâm logistics hàng không. Bà Rịa-Vũng Tàu là cửa ngõ đường biển của phía nam, công nghiệp khai thác dầu khí và hóa chất, công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, cảng biển, du lịch. Với từng thế mạnh của mỗi địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, là tiền đề quan trọng hỗ trợ cho Thành phố Hồ Chí Minh hiện thực hóa mục tiêu tầm nhìn đến năm 2050 trở thành đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững, trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á.

Để trở thành đô thị toàn cầu, trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á, theo các chuyên gia, Thành phố Hồ Chí Minh cần đặt ra các quan điểm về phát triển công nghiệp có chọn lọc, tập trung vào các ngành công nghệ cao có hàm lượng giá trị gia tăng cao kết hợp với phát triển bền vững. Thành phố cần chú trọng phát triển công nghiệp dựa trên các nền tảng đổi mới, năng động, sáng tạo, công nghệ cao để tận dụng những thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0, hướng đến sản xuất thông minh, giúp tăng năng suất lao động; nâng cao giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hướng công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành trọng tâm phát triển, dẫn dắt toàn khu vực Đông Nam Bộ. Ông Bùi Đào Thái Trường, Tổng Giám đốc Roland Berger Việt Nam cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh cần phát triển các ngành công nghiệp dẫn dắt sự tăng trưởng ngành công nghiệp của toàn vùng Đông Nam Bộ, hướng tới phân khúc giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị, đẩy mạnh phát triển các công đoạn như R&D (nghiên cứu và phát triển), thiết kế sản phẩm. Công nghiệp mà thành phố phát triển phải gắn liền với phát triển vùng, công nghiệp xanh, bảo vệ môi trường, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi công nghiệp sang hướng phát triển công nghiệp xanh và bền vững; ưu tiên quỹ đất để phát triển các ngành công nghiệp mà địa phương này có thế mạnh…

Để đổi mới mô hình tăng trưởng, thành phố sẽ phát triển có chọn lọc các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao gồm bốn nhóm ngành chủ lực và bốn nhóm ngành tiềm năng. Bốn nhóm ngành chủ lực là ngành công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, vi mạch điện tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chíp, pin công nghệ mới, vật liệu mới; ngành hóa chất; ngành cơ khí chính xác, tự động hóa, robotics; ngành chế biến thực phẩm và đồ uống. Bốn nhóm ngành công nghiệp tiềm năng gồm: ngành công nghiệp sinh hóa, dược phẩm, công nghiệp bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao. Ngoài ra, thành phố sẽ mở rộng các ngành công nghiệp mới và tạo lập hệ sinh thái các ngành dịch vụ hỗ trợ công nghiệp tiềm năng. Mục tiêu của Thành phố Hồ Chí Minh đưa công nghiệp của thành phố trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của cả nước, hạt nhân đổi mới sáng tạo cấp quốc gia trong thời gian tới. Ông Rich McClellan, Giám đốc quốc gia Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu tại Việt Nam gợi ý Thành phố Hồ Chí Minh phát triển bốn ngành chiến lược cần được ưu tiên: điện tử và sản xuất công nghệ cao; kinh tế số và dịch vụ công nghệ thông tin; năng lượng tái tạo và công nghệ xanh; tài chính xanh.

Theo lý giải của ông Rich McClellan, điện tử và sản xuất công nghệ cao là ngành tận dụng cơ sở hạ tầng công nghiệp và lực lượng lao động lành nghề của Thành phố Hồ Chí Minh, đưa thành phố trở thành trung tâm của khu vực. Kinh tế số và dịch vụ công nghệ thông tin tận dụng hệ sinh thái công nghệ đang phát triển sôi động của thành phố và lực lượng dân số trẻ am hiểu công nghệ, lĩnh vực này dự báo sẽ tăng trưởng nhanh chóng trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu. Trong khi năng lượng tái tạo và công nghệ xanh phù hợp với xu hướng phát triển bền vững toàn cầu, lĩnh vực này mang đến cho thành phố cơ hội dẫn đầu trong phát triển kinh tế xanh. Đối với tài chính xanh, lĩnh vực này hỗ trợ thành phố đạt được khát vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế và phát triển tài chính xanh nhằm cung cấp nguồn vốn thiết yếu cho phát triển bền vững.

Cũng theo ông Rich McClellan, để thúc đẩy sự phát triển của các ngành chiến lược nêu trên, thành phố cần kết hợp các chính sách chung và chính sách riêng cho từng ngành. Các chính sách chung tập trung vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, tinh gọn các quy định thủ tục quản lý và đầu tư vào phát triển lực lượng lao động. Các chính sách riêng cho từng ngành bao gồm tạo ra các cụm công nghiệp công nghệ cao, ươm tạo các công ty khởi nghiệp công nghệ, đặt ra các mục tiêu năng lượng tái tạo tham vọng và phát triển hệ thống phân loại xanh để định hướng cho các khoản đầu tư bền vững. Bằng cách tập trung vào các lĩnh vực như điện tử và sản xuất công nghệ cao, kinh tế số và dịch vụ công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo và công nghệ xanh, tài chính xanh… Thành phố Hồ Chí Minh có thể tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh của mình trong khi vẫn đáp ứng các yêu cầu từ thị trường toàn cầu đang phát triển nhanh chóng ■