“13 năm trước lúc đang trong ca trực, người dân gọi mình đến xử lý việc mấy em 16-17 tuổi gây gổ đánh nhau. Thấy mấy em không viết bản tường trình sự việc, mình cứ tưởng mấy em chống đối. Hỏi ra mới biết, tụi nhỏ không biết viết chữ”, anh Thắng cho biết.
Sau khi tìm hiểu, anh Thắng biết được hầu hết các em ở khu phố đều có hoàn cảnh khó khăn cho nên không thể đến trường. Trăn trở về tương lai của các em, anh Thắng xin thành lập lớp học “0 đồng” ngay tại trụ sở khu phố Long Bửu. Ban ngày, anh Thắng làm công nhân tại một công ty ở Đồng Nai. Sau khi hết giờ làm, anh đến trụ sở khu phố “đứng lớp” từ 18 giờ đến 20 giờ 30 phút.
Sau khi lớp học kết thúc, anh lại làm bảo vệ trực ở khu phố vào ban đêm. Học sinh ở lớp đa phần là trẻ ngụ cư, thường theo cha mẹ kiếm sống cho nên phải bỏ học từ sớm, có em chưa từng được đến trường bởi phải đi bán vé số, nhặt ve chai... kiếm thêm thu nhập.
Những ngày đầu mở lớp, anh Thắng phải vận động từng nhà cho con đi học và xin hỗ trợ từ các nhà hảo tâm để các em có đầy đủ dụng cụ học tập. Nhìn con em được đến lớp và học chữ, nhiều cha mẹ không khỏi xúc động. Hiện có hai con (một bé 12 tuổi, một bé 15 tuổi) đều học lớp 4 ở lớp phổ cập, chị Bùi Ngọc Thúy (trú tại phường Long Bình) chia sẻ: “Không có điều kiện cho con đến trường cho nên tôi xin thầy Thắng cho hai con học ở đây, thấy hai con biết chữ, tiến bộ từng ngày, tôi mừng lắm”.
Mở lớp được hai năm, anh Thắng quyết định xin liên kết với Trường tiểu học Long Bình (phường Long Thạnh Mỹ, thành phố Thủ Đức). “Hoàn cảnh của tụi nhỏ khó khăn đủ bề cho nên đứa nào kiên trì học đến hết lớp 5 là đáng quý lắm. Thương mấy em học xong không được công nhận, mình đi hỏi xin để lớp trở thành lớp phổ cập trực thuộc Trường tiểu học Long Bình”, anh Thắng nhớ lại. Vào các đợt kiểm tra cuối năm, anh xin đề thi của trường và tổ chức cho các em thi tại lớp. Riêng kỳ thi cuối cấp sẽ được tiến hành tại trường, em nào vượt qua và có giấy khai sinh sẽ được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp. Đến nay, lớp anh đã có bảy em hoàn thành chương trình tiểu học.
Năm nay, lớp phổ cập có 90 em được chia theo trình độ từ lớp 1-5. Các em được anh Thắng và một số thầy cô “tay ngang” khác dạy xen kẽ hai môn Tiếng Việt và Toán. Em Huỳnh Ngọc Kiều Quyên (13 tuổi, phường Long Bình), đang theo học lớp 3 tại lớp phổ cập khu phố Long Bửu cho hay: “Thầy Thắng dạy em tập đọc, viết chữ đẹp, ghi bảng và làm toán. Với em thì thầy hơi khó, nhưng em biết là thầy quan tâm em cho nên mới nghiêm khắc như thế”.
Bởi không được học nghiệp vụ sư phạm cho nên anh Thắng “học lỏm” từ người quen đang công tác tại các trường tiểu học về cách truyền đạt kiến thức, phương pháp giúp các em tập trung... Khi được hỏi dự định sẽ theo lớp học đến bao giờ, anh Thắng cho biết: “Khó khăn cỡ nào mình cũng chưa từng nghĩ đến việc giải tán lớp. Không nhận thêm học sinh nữa thì 5 năm sau, mấy đứa năm nay đang học lớp 1 tốt nghiệp rồi mình đóng cửa. Nhưng mình không làm vậy được. Lớp còn một đứa mình cũng dạy, phải dạy mỗi ngày để tụi nhỏ có con chữ mà học nghề, để có những cơ hội tốt hơn”.
Niềm vui của anh Thắng đơn giản là khi học sinh ngoan hơn, tốt hơn từng ngày. Em nào quậy phá, lười học thì anh răn đe, phạt trực nhật rồi lại kiên nhẫn dạy bảo như con cháu trong nhà. Đều đặn như thế suốt 13 năm qua, “người thầy” ấy đã dẫn dắt, thắp sáng niềm tin, chắp cánh cho tương lai, ước mơ của biết bao lớp trẻ qua từng con chữ, từng bài toán.
Đơn cử, trường hợp em Lê Trọng Nghĩa (17 tuổi), hiện đang học lớp 9 Trường trung học cơ sở Hưng Bình, phường Long Thạnh Mỹ, là cựu học sinh của lớp phổ cập khu phố Long Bửu. Sau khi Nghĩa được cấp bằng tốt nghiệp tiểu học, nhận thấy em có mong ước học tiếp, anh Thắng đã xin tài trợ học bổng, lo sinh hoạt phí, sắp xếp chỗ ở cho em tại kho trụ sở khu phố. “Lớp phổ cập của thầy Thắng có ý nghĩa rất lớn với cuộc đời em. Nhờ thầy mà em biết chữ, được đi học tiếp. Mong ước của em là học hết trung học phổ thông, sau đó học nghề và dạy chữ cho các em có hoàn cảnh khó khăn”, Trọng Nghĩa xúc động chia sẻ.
Với anh Thắng, chỉ cần học sinh ham học, anh sẽ cố gắng lo chu toàn để các em biết chữ, có cơ hội học nghề và thoát khỏi cái nghèo đang đeo đẳng. Lớp học không chỉ là nơi anh trao đi kiến thức, tình thương, mà còn là nơi để anh nhận lại niềm vui, nguồn năng lượng tích cực khi thấy các em tiến bộ từng ngày.