Ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay để ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp. Mặc dù vậy, việc mở rộng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cũng đang gặp nhiều khó khăn do nhận thức của bà con nông dân còn hạn chế, nhiều chính sách hỗ trợ chưa đi vào thực tế, kinh phí đầu tư ban đầu lớn...
Bài 2: Hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
Theo Cục Thủy lợi, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước hiện nay giúp tăng tính cạnh tranh của sản phẩm từ 3 đến 60%; tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp từ 10 đến 30% và tăng thu nhập của nông dân từ 10 đến 50%.
Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trong nông nghiệp
Tiết kiệm nước cho cây trồng
Phó Cục trưởng Thủy lợi Lương Văn Anh cho biết: “Hằng năm, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn xảy ra trên cả nước, nhưng thường xuyên hơn ở các khu vực miền trung, Tây Nguyên và Ðồng bằng sông Cửu Long. Tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đến sản xuất nông nghiệp càng nghiêm trọng trong thời gian bị ảnh hưởng của El Nino như các năm 2014-2016, 2019-2020, hay mùa khô năm nay 2023-2024. Vì vậy, tưới tiết kiệm nước gắn với sử dụng hệ thống đường ống áp lực đã và đang mang đến sự đổi mới trong tư duy của nhân dân ở những vùng có tiềm năng nhưng không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhất là những vùng đất dốc, đồi núi, đất cát ven biển và hoang hóa.
Trong đó, có những mô hình tưới tiết kiệm nước cho cà-phê, hồ tiêu và cây ăn quả trên đất dốc ở Tây Nguyên, Ðông Nam Bộ mang lại hiệu quả; mô hình tưới tiết kiệm nước cho 300 ha chuối trên đất đồi huyện Bảo Thắng (Lào Cai); mô hình tưới cho hơn 50 ha rau, củ, quả trên vùng đất cát hoang hóa ven biển huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh); hàng trăm mô hình tưới tiết kiệm nước cho rau quy mô hộ gia đình trên vùng đất cát huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Qua thống kê, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước hiện nay đang mang lại hiệu quả rõ rệt.
Cụ thể, đối với cây trồng cạn tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 10 đến 80%, trong đó cây xoài từ 30 đến 50%, cam, bưởi từ 40 đến 50%, thanh long 60%, rau các loại từ 35 đến 73%. Bên cạnh đó, ứng dụng mô hình này cũng có thể làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp/ha tới 50%; tăng mức độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 10 đến 70% và có thể giúp giảm tỷ lệ đất hoang hóa từ 5 đến 100%”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết: “Trên địa bàn tỉnh có khoảng 85.000 ha vườn cây ăn quả, trong đó trồng hơn 22.000 ha cây sầu riêng. Theo ước tính, đến nay hơn 96% diện tích trồng sầu riêng đã áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm nước, tưới phun mưa. Việc tưới nước tiết kiệm giúp nông dân sử dụng ít nước, giảm công lao động, nguyên vật liệu, tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm...
Ngoài ra, công nghệ này còn góp phần phát triển kinh tế vườn, đưa khoa học kỹ thuật tiếp cận với bà con nông dân. Cùng với áp dụng tưới tiết kiệm nước cho cây sầu riêng, nông dân trên địa bàn tỉnh cũng triển khai công nghệ này cho các loại cây trồng khác như: Mít, xoài, thanh long và rau màu”.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phước Bình, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) Phạm Phùng Bảo Châu chia sẻ: “Thời gian trước, người dân địa phương sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu. Việc đầu tư hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã tạo chuyển biến lớn trong sản xuất của nhân dân, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên cùng đơn vị diện tích, nhất là trong mùa nắng hạn.
Ðến nay, toàn xã Phước Bình, có gần 110 ha cây trồng với 58 hộ ứng dụng mô hình tưới nước tiết kiệm mang lại hiệu quả cao. Xã đang phối hợp cơ quan chức năng tuyên truyền và rà soát các hộ có nhu cầu để hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật lắp đặt công nghệ tưới tiên tiến, giúp nông dân phát triển kinh tế vươn lên giảm nghèo bền vững trong thời gian tới”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, thời gian qua việc ứng dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn ngày càng được quan tâm giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Ðến nay, toàn tỉnh có 48.662,7 ha diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước với các hình thức như tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân...
Trong đó, áp dụng cho cây cà-phê là 13.481 ha, hồ tiêu 2.518 ha; rau, đậu đỗ, hoa các loại 5.878 ha, cây ăn quả 12.634 ha, mía 4.284 ha... Còn tại tỉnh Lâm Ðồng, đến hết năm 2023 diện tích đất nông nghiệp được tưới nước đạt 140.800 ha, trong đó diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 50.500 ha. Toàn tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025, diện tích được tưới đạt 145.000 ha và diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 55.000 ha.
Thay đổi tư duy sản xuất
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cũng đang gặp nhiều khó khăn khi diện tích áp dụng còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các vùng, địa phương. Nhận thức của một bộ phận lãnh đạo ở các cấp, của người dân về tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn vẫn còn hạn chế, chưa đầy đủ. Người nông dân thiếu thông tin về hiệu quả của các phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm, nhất là ở các vùng hay xảy ra thiên tai, vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế kém phát triển.
Nhiều chính sách hỗ trợ đã được ban hành nhưng thiếu động lực hoặc chưa đi vào cuộc sống; nguồn vốn đầu tư ban đầu cho các hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước lớn. Mặt khác, ứng dụng công nghệ này yêu cầu đầu tư đồng bộ, bài bản trong khi hiệu quả kinh tế thu lại chưa hấp dẫn người dân và các doanh nghiệp. Ðại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, đến nay diện tích cây trồng cạn ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn là hơn 420 ha. Việc ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước hiện nay vẫn chưa được áp dụng phổ biến do chi phí đầu tư ban đầu lớn. Mặt khác, giá cả, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không ổn định dẫn đến các tổ chức, cá nhân chưa thật sự yên tâm, mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ này vào sản xuất.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết: “Chi phí đầu tư hệ thống ống dẫn tưới phun mưa và thiết kế đường dây dẫn ống phun sương tốn chi phí cao. Trung bình mỗi héc-ta, người dân đầu tư khoảng 60 triệu đồng cho tưới nhỏ giọt và khoảng 40 triệu đồng cho tưới phun sương. Trong khi đó, nhiều nông dân còn khó khăn, chưa quen với cách tưới theo kiểu hiện đại này”.
“Hiện nay, trên địa bàn có gần 2.000 ha ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, trong đó hơn 800 ha cây lâu năm và gần 1.200 ha cây hằng năm. Mô hình tưới nước tiết kiệm được xem là giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và sản xuất hiệu quả hiện nay. Ðể ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, tỉnh đang tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển hệ thống thủy lợi đa mục tiêu, cơ cấu mùa vụ và tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất. Tỉnh cũng đã và đang triển khai những chính sách hỗ trợ, huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án, hoàn thiện quy trình tưới nước tiết kiệm trên cây nho, táo, rau màu, hành, tỏi, măng tây xanh, dưa lưới, cỏ chăn nuôi... để chuyển giao vào sản xuất”.
Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận
Phó Cục trưởng Thủy lợi Lương Văn Anh cho rằng: “Ðể mở rộng diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng, trong thời gian tới, cần sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Thực tiễn cho thấy, ở những địa phương lãnh đạo thật sự vào cuộc thì ở đó ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước được triển khai bài bản và có hiệu quả rõ rệt. Ðồng thời, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ cũng như đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân về công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng.
Mặt khác, phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phải dựa trên điều kiện, nguồn lực và lợi thế từng địa phương, từng vùng, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đối tượng áp dụng; phát huy vai trò tiên phong, hạt nhân của các doanh nghiệp để tập hợp, liên kết, dẫn dắt nhân dân ứng dụng, nhân rộng mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước”.
Các địa phương cần rà soát, đổi mới trong tổ chức triển khai thực hiện các dự án, mô hình mẫu, mô hình trình diễn có gắn với tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nâng cao chất lượng, mang lại hiệu quả thiết thực trong thực tiễn; tiếp tục nghiên cứu quy trình công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các cây trồng cạn chủ lực, có lợi thế, thị trường tiêu thụ theo vùng, miền.
Cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, ứng dụng công nghệ vật liệu, kết cấu mới phù hợp để thu trữ nước tại chỗ, phân tán, quy mô nhỏ kết hợp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng trên vùng đất dốc, chưa có hoặc xa công trình thủy lợi ở miền núi phía bắc, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, vùng thiếu nước và xâm nhập mặn ở Ðồng bằng sông Cửu Long; tăng cường hợp tác quốc tế về công nghệ, kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước thông qua các hoạt động nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ...
(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 29/5/2024.