Dẫn tôi men theo những con đường nhỏ vào sâu bên trong các vùng còn nhiều khó khăn, Phó Bí thư Huyện đoàn Hòa Bình Dương Công Danh chia sẻ: Ở trong này, nhiều hộ nghèo, nhiều cặp vợ chồng chỉ đi làm thuê, làm mướn cho các đầm tôm, làm phụ hồ..., thu nhập hằng ngày chỉ trên dưới trăm nghìn, mà cũng lúc có lúc không.
Vì vậy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thế luôn tích cực chung tay hỗ trợ bà con thoát nghèo. Riêng đoàn viên thanh niên địa phương có những cách làm, hoạt động thiết thực, cụ thể, phần nào hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, đưa địa phương trở thành huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đô thị văn minh.
Quả thật, có đi thực tế mới cảm nhận rõ sự khó khăn, vất vả của người dân nơi đây. Những căn nhà lụp xụp, được dựng tạm bằng tre, lá dừa, tấm bạt cao-su, trong nhà chả có của cải gì đáng giá. Những gương mặt gầy tóp, đen sạm vì nắng gió. Có nhà vợ chồng, con cái đi làm thuê. Có nhà quanh năm suốt tháng, mấy miệng ăn bám riết mảnh vườn nhỏ. Sinh kế không nhiều, không được học hành đầy đủ, không có nghề “dắt lưng” cho nên cái nghèo cứ bám riết nhiều gia đình, từ đời ông, đời cha cho đến đời con, đời cháu.
Để giúp đỡ người dân, đoàn viên thanh niên huyện Hòa Bình chung tay cùng chính quyền địa phương với những cách làm giản dị, thiết thực. Đầu năm, Huyện đoàn phối hợp Tỉnh đoàn Bạc Liêu, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Bạc Liêu tổ chức chương trình “Xuân yêu thương", trao các suất quà tặng thiếu nhi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Chính quyền địa phương, đoàn viên thanh niên huyện Hòa Bình thay mặt nhà hảo tâm trao tiền hỗ trợ người dân làm nhà. |
Bao năm qua, gia đình anh Thạch Hoàng Phương, chị Trần Thị Tiền ở nhờ nhà anh trai, vốn rất chật hẹp, cũ nát. Vừa qua, Huyện đoàn vận động doanh nghiệp tài trợ 60 triệu đồng để anh Phương, chị Tiền cất nhà. Phần đất là là mảnh vườn nhỏ, do anh trai anh Phương nhường cho. Khoản tiền được hỗ trợ với vợ chồng anh Phương, chị Tiền là cả gia tài.
Hỗ trợ là một phần, theo cán bộ địa phương việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức vươn lên thoát nghèo, khởi nghiệp cũng rất quan trọng. “Cán bộ xã, đoàn thanh niên thường xuyên gặp gỡ, động viên gia đình vươn lên, nhất là dặn dò dù khó khăn mấy cũng phải cho các cháu đi học đầy đủ. Các anh nhắc đi nhắc lại, vợ chồng đang khó khăn, chỉ nên xây một căn nhà nhỏ, đủ ở, không vay mượn xây nhà to, khang trang rồi nợ nần không trả được”, chị Trần Thị Tiền chia sẻ.
Để giúp người dân thoát nghèo, Huyện đoàn Hòa Bình chủ động phối hợp các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp vận động những hộ khó khăn tham gia các lớp dạy nghề ngắn hạn, học viên sẽ được cấp con giống, thức ăn chăn nuôi. “Chúng tôi chú trọng trong việc khơi dậy tinh thần vươn lên, ham học hỏi, phát triển kinh tế của đoàn viên thanh niên. Đây là lực lượng trẻ, dễ tiếp thu những tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào nông nghiệp”, đồng chí Dương Công Danh chia sẻ.
Đoàn viên thanh niên góp sức giúp đỡ người dân. |
Theo lãnh đạo Huyện đoàn Hòa Bình, mô hình “Tiếng loa thanh niên” trong truyền thông giảm nghèo và đã từng bước cho thấy hiệu quả. Hằng năm, đoàn viên, thanh niên huyện còn tích cực tham gia các chiến dịch thanh niên tình nguyện, tuyên truyền các thông thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ người dân giảm nghèo, phát triển kinh tế thông qua bài viết trên mạng xã hội hoặc phát tờ rơi...
Tổ chức đoàn các cấp thường xuyên chia sẻ thông tin nhân rộng các tấm gương điển hình ở các lĩnh vực về giảm nghèo thông qua loa, đài, mạng xã hội... để người dân được biết.
“Quan trọng nhất là cán bộ, đoàn viên, thanh niên phải thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe nguyện vọng của người dân, xem họ đang gặp khó khăn ở bước nào, khâu nào để từ đó tìm phương án hỗ trợ hiệu quả. Các hộ nghèo thường có phần tự ti, mặc cảm và không ít người có tư tưởng mặc kệ, buông xuôi, đổ tại số phận. Việc thường xuyên đến thăm hỏi, động viên để tiếp thêm động lực cho họ thoát nghèo là việc làm thường xuyên, hằng ngày”, Phó Bí thư Huyện đoàn Hòa Bình Dương Công Danh cho biết.