Đồng Hỷ huy động các nguồn lực để giảm nghèo bền vững

Là một huyện miền núi, chủ yếu là sản xuất nông-lâm nghiệp, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều xã ở vùng sâu, vùng xa, nhưng huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) có kế hoạch, giải pháp, huy động tổng hợp các nguồn lực để giảm nghèo bền vững. Kết quả giảm nghèo hằng năm vượt chỉ tiêu cấp ủy, chính quyền đề ra, đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,5% số hộ, phấn đấu năm 2024 giảm hơn 2% trong tổng số hộ nghèo.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo huyện Đồng Hỷ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn.
Lãnh đạo huyện Đồng Hỷ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn.

Đồng chí Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đồng Hỷ cho biết: “Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, hằng năm Ủy ban nhân dân huyện tổ chức đánh giá, rà soát, ban hành kế hoạch, huy động nguồn lực giảm nghèo, gắn kết, lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương để hỗ trợ người dân trên địa bàn giảm nghèo bền vững”.

Những năm vừa qua, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn được hưởng đầy đủ, kịp thời các các chính sách an sinh xã hội, như hỗ trợ về nhà ở; hỗ trợ học sinh ăn trưa, miễn giảm học phí, chi phí học tập, cấp thẻ bảo hiểm y tế... để người dân giảm áp lực trong cuộc sống, huy động trẻ trong độ tuổi đến trường, giảm gánh nặng về chi phí khi ốm đau, bệnh tật.

Đặc biệt, huyện Đồng Hỷ chú trọng thực hiện các chính sách, giải pháp giảm nghèo, tạo sinh kế bền vững cho người dân bằng việc tổ chức nhiều ngày hội việc làm, phiên giao dịch việc làm, kết nối cung-cầu lao động nên từ năm 2022 đến nay đã có hơn 3.000 người làm việc tại các doanh nghiệp. Đồng thời tổ chức gần 20 lớp đào tạo nghề cho 500 lao động nông thôn, sau đào tạo có 80% có việc làm.

Xác định tín dụng chính sách là kênh dẫn vốn quan trọng, tạo nguồn lực cho hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo đầu tư phát triển sản xuất nên cấp ủy, chính quyền huyện thường xuyên củng cố Ban đại diện Ngân hàng chính sách xã hội, tổ tín dụng và vay vốn ở các thôn, xóm, bố trí địa điểm ngay tại xã để giao dịch thuận lợi. Từ năm 2022 đến nay có tổng số hơn 3.700 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo vay hơn 270 tỷ đồng để phát triển kinh tế, sử dụng vốn vay hiệu quả.

Đồng Hỷ huy động các nguồn lực để giảm nghèo bền vững ảnh 1

Gia đình anh Hoàng Văn Bình, dân tộc H’Mông ở xóm Khe Mong, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ được hỗ trợ bò sinh sản, tạo sinh kế thoát nghèo.

Theo đồng chí Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đồng Hỷ Lê Thị Thu Hà, địa phương xác định phải triển khai, tổ chức thực hiện thật tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Với nguồn vốn được bố trí từ năm 2022 đến nay là hơn 17 tỷ đồng, huyện đã triển khai các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ việc làm bền vững; cải thiện dinh dưỡng; đào tạo năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo trên địa bàn...

Qua kiểm tra, giám sát, đánh giá thường xuyên việc tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn, cho thấy nguồn lực đầu tư bước đầu phát huy hiệu quả, như việc đầu tư cho người dân chăn nuôi gia súc là phù hợp thực tiễn, phát huy tiềm năng địa phương; không phát hiện thất thoát, lãng phí; một vài trường hợp sai sót ban đầu trong việc tổ chức thực hiện được phát hiện, uốn nắn kịp thời.

Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đồng Hỷ Ngô Xuân Huy đánh giá: Với sự quyết liệt chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, các chương trình, dự án đã tác động trực tiếp làm giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đa chiều trên địa bàn qua các năm, chỉ tính riêng trong hai năm 2022 và 2023, trên địa bàn huyện có 1.552 hộ thoát nghèo mang tính bền vững, vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV đã đề ra. Điều này cho thấy, việc tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo là có hiệu quả, phù hợp thực tiễn.

Thời gian tới, huyện Đồng Hỷ tiếp tục tăng cường và nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Tích cực tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác giảm nghèo, phát huy tinh thần “tương thân, tương ái” đối với hộ nghèo và triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024; huy động các nguồn lực của các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân để giúp đỡ người nghèo.