Giảm nghèo bền vững từ nguồn vốn chính sách

Nhiều hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn thành phố Cần Thơ đang được tiếp cận nguồn vốn chính sách đầu tư sản xuất, kinh doanh để tạo việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo. Nguồn vốn chính sách đóng vai trò quan trọng giúp Cần Thơ hoàn thành sớm mục tiêu giảm nghèo bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Tổ hợp tác đan lát xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai được hỗ trợ vay vốn chính sách để phát triển sản xuất, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho xã viên.
Tổ hợp tác đan lát xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai được hỗ trợ vay vốn chính sách để phát triển sản xuất, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho xã viên.

Ông Lê Văn Tuấn ở khu vực 4, phường An Bình, quận Ninh Kiều thuê đất trồng hoa Tết và hoa vạn thọ bán hằng tháng. Để hỗ trợ gia đình ông phát triển sản xuất, chính quyền địa phương cùng Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội quận Ninh Kiều tạo điều kiện cho ông 3 lần vay vốn tín dụng chính sách trong thời gian hơn 10 năm. Từ số vốn 20 triệu đồng ban đầu sử dụng có hiệu quả, hiện ông Tuấn đang vay vốn từ chương trình giải quyết việc làm với số tiền 70 triệu đồng. Nhờ vốn vay với lãi suất thấp, thời hạn vay kéo dài, ông đầu tư trồng hoa Tết, mai vàng và bon sai bán quanh năm. Đến nay, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo, cuộc sống ổn định. Ông Tuấn phấn khởi chia sẻ: “Có vốn vay lãi suất ưu đãi, tôi đầu tư mở rộng quy mô trồng hoa kiểng bán quanh năm, thu nhập ổn định. Từ đó có tích lũy và cuộc sống ngày càng khấm khá hơn, có điều kiện lo cho con ăn học”.

Còn ông Nguyễn Tùng Hiếu ở khu vực Bình Thuận, phường Trường Lạc, quận Ô Môn trước đây thuộc diện nghèo do không có ruộng đất phải làm mướn, mua bán tạp hóa để trang trải cuộc sống và lo 4 người con ăn học. Ông Hiếu được hỗ trợ vay 60 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách, đầu tư mua thêm nhiều loại hàng hóa đáp ứng nhu cầu khách hàng với giá cả hợp lý cho nên thu hút đông khách. Đến nay, gia đình ông đã thoát nghèo và tiếp tục được vay vốn mở rộng kinh doanh để thoát nghèo bền vững.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ đã cho 298 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay vốn, với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng. Hiện dư nợ tín dụng đối với 3 đối tượng này hơn 763 tỷ đồng, với hơn 23.000 lượt hộ được vay vốn. Nguồn vốn vay giúp nhiều hộ phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tính chung trong 10 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 306 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay để đầu tư phát triển sản xuất, tạo sinh kế, có việc làm, cải thiện đời sống với số tiền hơn 8.222 tỷ đồng. Đặc biệt, từ nguồn vốn này, Cần Thơ hoàn thành sớm chỉ tiêu giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo từ mức 3,95% đầu năm 2014 đến nay chỉ còn 0,21% (tương đương 764 hộ nghèo); 31/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ Huỳnh Hoàng Phong cho biết: Để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận được nguồn vốn vay dễ dàng, thuận tiện, ngân hàng bố trí mỗi phường, xã một điểm giao dịch, thực hiện các nghiệp vụ giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm... phục vụ người dân ngay tại địa bàn vào một ngày cố định trong tháng. Chính sự thuận lợi về phương thức, địa điểm vay vốn, lãi suất ưu đãi khiến hoạt động tín dụng chính sách xã hội trở thành điểm tựa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng chính sách vươn lên trong cuộc sống.

Tuy nhiên, nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế, nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác cho người nghèo, các đối tượng chính sách vay còn thấp (nguồn vốn ủy thác của thành phố Cần Thơ là 615 tỷ đồng, so với bình quân cả nước là 746 tỷ đồng). Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách toàn thành phố còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tỷ lệ nợ quá hạn còn cao hơn mức bình quân chung cả nước. Việc chỉ đạo điều hành phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, các hoạt động chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề với hoạt động tín dụng chính sách chưa thật sự gắn kết, hiệu quả và đồng bộ…

Để tăng hiệu quả nguồn vốn chính sách, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Việt Trường cho biết: Thời gian tới, Cần Thơ tập trung huy động các nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; tích hợp các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2025-2030. Theo đó, sẽ đẩy mạnh cho vay đối với một số Chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội, như: Chương trình mỗi xã một sản phẩm; cho vay duy trì, phát triển các làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái; mở rộng đối tượng được vay vốn từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ tăng cường phối hợp chính quyền địa phương và các sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch tín dụng hằng năm và giai đoạn để bố trí vốn, bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng; nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ theo hướng hiện đại, tiện lợi, dễ sử dụng, chi phí phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của khách hàng. Cần Thơ phấn đấu 100% số người nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện, có nhu cầu đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp ■