Theo kết quả rà soát hộ nghèo năm 2023 của tỉnh Khánh Hòa, huyện Khánh Vĩnh có số hộ nghèo cao nhất trong tỉnh, với 2.785 hộ, chiếm tỷ lệ 25,51% so với tổng số hộ trên địa bàn huyện; huyện Khánh Sơn có 2.429 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 31,63% so với tổng số hộ trên địa bàn huyện.
Xác định quan tâm sự nghiệp giáo dục chính là chăm lo đời sống về lâu về dài, là cơ sở thực hiện giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi, gần 20 năm nay, Khánh Hòa thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn, học bổng, miễn giảm học phí cho học sinh hộ nghèo, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, nhằm khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số cho con em đi học.
Mỗi năm, tỉnh dành hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ tiền ăn, học bổng, miễn giảm học phí cho học sinh hộ nghèo, vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Ðến tháng 10/2023, tỉnh tăng mức hỗ trợ từ 200.000 đồng lên 300.000 đồng/tháng/học sinh tiểu học; từ 200.000 đồng lên 330.000 đồng/tháng/học sinh mầm non.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành gần 20 nghị quyết về đầu tư phát triển cho khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh ủy Khánh Hòa có nghị quyết đặt mục tiêu đến hết nhiệm kỳ 2020-2025, mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng 1,8 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm từ 4-5%.
Nhằm đạt được mục tiêu đó, theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, ngân sách địa phương mỗi năm dành khoảng 400 tỷ đồng thực hiện chủ trương phát triển toàn diện miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chương trình, chính sách giảm nghèo của Trung ương được triển khai kịp thời; kết cấu hạ tầng được đầu tư lớn, có trọng điểm đã tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội, giúp người nghèo có việc làm và thu nhập ổn định.
Vợ chồng chị Cao Thị Thu Hương, người dân tộc Raglai ở thôn A Xay, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh trước đây đời sống gia đình khó khăn, quanh năm trồng ngô, sắn nên thu nhập thấp, bấp bênh. Cách đây hai năm, gia đình chị được Nhà nước hỗ trợ mua một con bò giống trị giá hơn 15 triệu đồng. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay bò giống phát triển tốt. Cùng với đó, gia đình còn được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi hộ nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội khoản tiền 70 triệu đồng để mở rộng sản xuất. Ðời sống ngày càng ổn định, vừa rồi, gia đình chị xây được ngôi nhà kiên cố trị giá hơn 70 triệu đồng.
Câu chuyện tương tự trường hợp chị Cao Thị Thu Hương đang ngày càng phổ biến ở hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Khánh Sơn Cao Minh Vỹ cho biết, từ năm 2021 đến nay, chương trình giảm nghèo của địa phương có những chuyển biến tích cực.
Huyện Khánh Sơn đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ cho hộ nghèo, người nghèo; các chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội được giải quyết đầy đủ và kịp thời; các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì dự án, tiểu dự án đã xây dựng kế hoạch triển khai dự án, tiểu dự án đầy đủ, từng bước phát huy hiệu quả.
Hiện nay, Khánh Hòa đang dành nguồn lực lớn đầu tư cho hai huyện miền núi. Tổng nguồn vốn đầu tư từ Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 lên tới gần 800 tỷ đồng, gấp 5,5 lần so với giai đoạn trước đó. Tỉnh cũng vừa ban hành kế hoạch hỗ trợ các hoạt động thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo đó, tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm, hội chợ, giao lưu, diễn đàn, các lễ hội gắn với thương mại du lịch, hỗ trợ xây dựng và thực hiện một số mô hình tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào miền núi. Hiện nay, tỉnh đang thực hiện các chính sách đầu tư có trọng điểm về hạ tầng giao thông, đào tạo nghề... nhằm tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo việc làm, sinh kế cho người dân miền núi.
Về vấn đề tạo việc làm cho đồng bào miền núi, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục xây dựng thêm nhiều nhà máy, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, gắn với kết nối giao thông, giải quyết công ăn việc làm cho thanh niên các huyện miền núi. Trước mắt, tỉnh sẽ khẩn trương lấp đầy Cụm công nghiệp Sông Cầu tại huyện Khánh Vĩnh; tiếp đó, mở tuyến đường nối Khánh Sơn, Khánh Vĩnh với Cụm công nghiệp Sông Cầu và Khu công nghiệp Suối Dầu để giải quyết được lao động của hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.
Cố gắng là vậy, nhưng thực tế cho thấy, kết quả giảm nghèo của khu vực miền núi tỉnh Khánh Hòa còn chưa bền vững, chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đề ra; nguy cơ tái nghèo, phát sinh hộ nghèo còn cao; chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa hai huyện nghèo với các địa phương chưa được thu hẹp nhiều…
Theo đồng chí Lê Hữu Hoàng, thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tập trung mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng cho hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Riêng đối với huyện Khánh Sơn, sẽ xây dựng một tuyến đường mới nối Khánh Sơn với các địa phương trong và ngoài tỉnh để phá thế độc đạo của Tỉnh lộ 9, tạo điều kiện để các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuận tiện trong tiếp cận chính sách trợ giúp xã hội.
Có một thực tế là hiện nay ở hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị giúp đồng bào thoát nghèo bằng cách “cho con cá” thay vì “cho chiếc cần câu” qua các chương trình tặng quà, tặng lương thực, thực phẩm, dụng cụ sinh hoạt; hỗ trợ tiền... Nếu không sớm sửa đổi, cách làm này sẽ tạo ra tâm lý trông chờ, ỷ lại trong nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, làm giảm đi hiệu quả của công cuộc giảm nghèo bền vững của địa phương.