Tuân thủ điều trị, tỷ lệ lây nhiễm HIV sẽ giảm đáng kể

NDO - Gần 70 ngày sau khi con thứ 3 chào đời, N.T.T (sinh năm 1994, quê Yên Bái) đến xét nghiệm HIV và lấy thuốc ARV định kỳ tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm. Người phụ nữ này đang trong tâm trạng hồi hộp vì con cô đã có kết quả âm tính lần 1 với HIV. “Giờ không gì hạnh phúc hơn nếu cháu thật sự khỏe mạnh”, T. tâm sự.
0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ khám, cấp thuốc cho bệnh nhân.
Bác sĩ khám, cấp thuốc cho bệnh nhân.

Tỷ lệ lây nhiễm mẹ-con giảm, hiệu quả điều trị dự phòng PrEP

N.T.T. đã có 2 người con với người chồng trước. Năm 2017, trong một lần xô xát với người bạn nhiễm HIV, cô đã bị phơi nhiễm từ vết cào trên cổ. Khi biết mình nhiễm HIV, cô vô cùng buồn bã, chán nản, rơi vào stress khi gia đình ly tán.

Vài năm sau, trong những tháng đi xét nghiệm và lấy thuốc định kỳ tại Trung tâm Y tế Nam Từ Liêm, chị gặp chồng chị bây giờ. Nhìn cảnh ngộ của nhau, họ quyết định dọn về chung một nhà. “Lúc ấy chúng tôi cùng khao khát có thêm đứa con nhưng đều lo sợ con sinh ra sẽ nhiễm H”, chị T. bộc bạch.

Thế nhưng mong mỏi của chị T. đã được các bác sĩ tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm tư vấn kỹ lưỡng. “Suốt quá trình mang thai, tôi được theo dõi, hỗ trợ rất nhiều. Từ khi mang thai, tháng nào tôi cũng đến lấy thuốc. Khi em bé chào đời được các bác sĩ cho uống thuốc dự phòng ngay. Hiện tại, kết quả xét nghiệm HIV lần 1 của bé âm tính. Tôi đang chờ kết quả xét nghiệm lần 2 của bé”, chị N.T.T chia sẻ.

Chị T. là 1 trong 12 bà mẹ sau sinh mắc HIV đang được theo dõi, và nhận thuốc ARV trong năm 2022 tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm.

Trong những năm qua, cơ sở y tế này là một điểm sáng về điều trị ARV, điều trị dự phòng PrEP, giảm tỷ lệ lây truyền H từ mẹ sang con.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm cho biết, năm qua, đáng tiếc nhất là trong số các em bé được sinh ra thì có 1 trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV. Nguyên nhân là người mẹ được phát hiện mình mắc HIV ở thời điểm muộn, khi đến với Trung tâm và thai đã ở tuần thứ 28. Những bà mẹ còn lại được tư vấn uống đủ thuốc, đúng giờ, tuân thủ điều trị nên các con sinh ra đều khỏe mạnh.

Tại cơ sở y tế này, tỷ lệ lây nhiễm HIV từ nhóm nam quan hệ đồng giới chiếm tỷ lệ khá cao. Phát hiện nhiễm HIV ở độ tuổi còn trẻ là cú sốc lớn với nhiều bạn trẻ. N.M.T (Hà Nội) cho biết, em có quan hệ đồng giới, sau biết bạn tình và một số người bạn khác bị HIV. Lo lắng, T. tự test ở nhà, phát hiện dương tính vào tháng 12/2021 khi em mới ở tuổi 22.

"Lúc đó em rất hoang mang, thấy tương lai mờ mịt, có thể mình không sống được bao lâu nữa", T. tâm sự.

Tuân thủ điều trị, tỷ lệ lây nhiễm HIV sẽ giảm đáng kể ảnh 1

Cán bộ y tế làm việc 24/24 giờ hỗ trợ các bệnh nhân HIV.

Do tải lượng virus thấp, được phát hiện sớm nên các bác sĩ tư vấn điều trị thuốc ARV, nếu tuân thủ uống thuốc, có thể sống được 50-60 năm, nên T. dần xốc lại tinh thần. "Em mua bảo hiểm y tế tự nguyện 800.000 đồng/năm, mỗi lần đến đây lấy thuốc, làm các xét nghiệm chỉ hết 50.000 đồng. Bây giờ em đã thoải mái hơn, uống thuốc vào thấy khoẻ hơn", T. nói.

Phát hiện nhiễm HIV đã 3 năm nay, nam thanh niên N.V.H (28 tuổi, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) đang điều trị tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm cho biết, chỉ có một người bạn của em biết thông tin này.

H. có người yêu là một bạn nam, tình cờ trong một lần đi khám sức khoẻ định kỳ thì phát hiện nhiễm HIV.

"Sốc lắm, nhưng giờ em đã trấn định lại rồi, tuân thủ điều trị thuốc ARV và sử dụng bao cao su khi quan hệ", H. tâm sự.

Sau khi biết mình bị nhiễm, H. tích cực tuyên truyền đến bạn bè là đối tượng nguy cơ cao điều trị dự phòng chống phơi nhiễm bằng thuốc kháng virus (PrEP). Đến nay trong nhóm bạn của H. sử dụng PrEP chưa có ai bị lây nhiễm HIV, sức khoẻ rất tốt.

Trong 9 tháng đầu năm, Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm đã phát hiện thêm 160 bệnh nhân nhiễm virus HIV mới, là một con số khá lớn cho một quận, huyện. Điều đáng nói là, số bệnh nhân HIV/AIDS ở nhóm MSM (đồng tính nam) ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 1/3 tổng số bệnh nhân. Trước kia chỉ có khoảng 200 người thì tăng dần lên 300, 400 và hiện nay là hơn 500 bệnh nhân.

Nỗ lực tiếp cận người nghi nhiễm HIV, đa dạng hóa điều trị

Bà Cao Kim Thoa, Phó trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đánh giá, hiện nay tỷ lệ lây nhiễm trong nhóm MSM khá phức tạp. Một đồng giới nam thường có đến 3-5 bạn tình và quan hệ tình dục ít đeo bao cao su, dẫn tới lây nhiễm HIV cao.

Việc tiếp cận nhóm này để họ sử dụng PrEP dự phòng không lây nhiễm cũng rất khó khăn vì quần thể này ẩn, khó tiếp cận. Hiện nay, phần lớn phải dựa vào các nhóm CBO (tổ chức dựa vào cộng đồng) mà thành viên cốt cán là các đồng đẳng MSM.

Các nhóm CBO là "cánh tay nối dài" của cơ quan y tế để tiếp cận, kết nối khách hàng đến tư vấn, xét nghiệm, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, điều trị thuốc ARV cũng như điều trị đồng nhiễm khác.

Theo Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, trung tâm hiện triển khai cung cấp thông tin trên fanpage và mở rộng việc tiếp cận tới các đối tượng có nguy cơ cao thông qua các nhóm CBO. Đường dây nóng luôn trực 24/24 để hỗ trợ các bạn muốn tìm hiểu về nguy cơ lây nhiễm, đồng thời sẵn sàng cung cấp dịch vụ đến tận nơi cho các bạn trong nhóm MSM.

Đến nay trung tâm đang điều trị PrEP cho 400 và 100 người di động (đến tận nhà, nơi làm việc cung cấp dịch vụ). Dù trung tâm chỉ có 9 nhân viên chuyên trách, nhưng trung tâm làm việc 24/24 giờ, không bao giờ đóng cửa để cung cấp dịch vụ cho khách hàng, giúp các đối tượng nguy cơ cao MSM điều trị dự phòng để không bị lây nhiễm.

Tuân thủ điều trị, tỷ lệ lây nhiễm HIV sẽ giảm đáng kể ảnh 2

Bà Cao Kim Thoa và bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm chia sẻ thông tin.

Theo bà Thu Trang, Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm đang quản lý, theo dõi 1.691 mắc HIV/AIDS, trong đó có 99,8% bệnh nhân có BHYT, 30% là cộng đồng MSM (hơn 500 người). Trung tâm cũng là một trong những cơ sở y tế đầu tiên triển khai thí điểm thanh toán BHYT đối với bệnh nhân HIV.

Không chỉ quản lý người bệnh nhiễm HIV/AIDS, hiện nay, Trung tâm cũng cấp phát thuốc Methadone miễn phí cho 332 người; điều trị dự phòng nhiễm HIV bằng thuốc PrEP cho khoảng 500 người…

Ngoài xét nghiệm, sàng lọc viêm gan B, C, lao là dịch vụ thường quy. Năm 2022, với sự hỗ trợ của Trường đại học Y Hà Nội, Trung tâm bắt đầu khám trầm cảm ở các bệnh nhân với mong muốn không chỉ điều trị bệnh mà còn cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho sức khỏe người bệnh.

Bà Cao Kim Thoa đánh giá, Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm là một điểm sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS khi chỉ trong năm 2022 đã tiếp cận đưa vào điều trị thêm gần 160 trường hợp nhiễm HIV mới.

"Hầu hết người có nguy cơ cao sẽ chọn cơ sở y tế tư nhân tại Hà Nội để khám và lấy thuốc PrEP uống dự phòng. Tỷ lệ điều trị dự phòng bằng PrEP lên tới 500 người tại Trung tâm là cao trong số các cơ sở y tế công lập. Điều đó cho thấy trung tâm có dịch vụ tốt và đầy đủ để những người nghi nhiễm và người nhiễm HIV yên tâm đến khám, tư vấn, điều trị", bà Thoa nói.