Vực dậy sau hơn 10 năm nghiện ngập, nhiễm HIV

NDO - Hơn 10 năm nghiện hút, 3 lần vào tù, cơ thể từng gầy rộc chỉ 30kg, tiệm cận “cái chết trắng” khi nhiễm HIV, nhưng sự thức tỉnh vào những phút cận kề lằn ranh sinh tử đã giúp anh Vũ Văn Đức quyết tâm làm lại cuộc đời mình.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Vũ Văn Đức kể về hành trình hơn 10 năm nghiện ngập, nhiễm HIV.
Anh Vũ Văn Đức kể về hành trình hơn 10 năm nghiện ngập, nhiễm HIV.

Chúng tôi gặp anh Vũ Văn Đức (sinh năm 1977) trong chuyến đi làm việc tại Vũng Tàu về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Ban đầu, chúng tôi tưởng anh là một cán bộ làm về công tác phòng, chống HIV/AIDS, cho tới khi được cán bộ y tế mách nhỏ: “Bệnh nhân HIV, tiệm cận giai đoạn AIDS, tưởng không còn sống mà giờ có vợ con, khỏe mạnh thế kia đấy”.

“Nhìn mẹ khóc, tôi thức tỉnh”

Anh Đức mở đầu câu chuyện “thức tỉnh” cuộc đời bằng hình ảnh khắc khổ, suy sụp của người mẹ vào một ngày mưa rét ở trước cửa nhà tù. Khi đó, anh đã có 5 năm thực thi án tù tại nhà tù ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận do sử dụng, tàng trữ ma túy.

Nhìn gương mặt già nua, nước mắt lưng tròng vì quá nhiều năm đau khổ, thất vọng khuyên con cai nghiện không thành của mẹ, anh Đức tự nhủ: “Lần này mình quyết định phải cai nghiện thành công, làm lại từ đầu”.

19 năm trước, theo lời dụ dỗ của bạn bè, anh bắt đầu bị ma túy đưa đường dẫn lối. Gia đình chuyển anh từ Nam Định vào Vũng Tàu với mong muốn cắt con mình khỏi con đường nghiện ngập nhưng bất thành. Bấy giờ, trong nhóm nghiện ngập của anh có một người bạn sắp chết vì mắc AIDS nhắn nhủ: “Tao nằm sụp rồi, mày đi xét nghiệm đi”.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thêm (Phòng khám Ngoại trú, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vũng Tàu):

Anh Vũ Văn Đức là người nóng tính và có lối sống giang hồ. Từ khi quay đầu làm lại thì tất cả những tính khí xấu của anh Đức đã được kiềm chế và dần thay đổi. Bây giờ anh vui vẻ, lạc quan, gần gũi hơn. Anh biết cố gắng vượt qua cám dỗ của ma túy khi nghĩ đến người thân và công sức của nhân viên y tế khi đồng hành cùng anh.

Cầm kết quả nhiễm HIV, tải lượng virus cho thấy anh tiệm cận mắc AIDS, anh suy sụp. Bác sĩ tại Bệnh viện Lê Lợi (Vũng Tàu) trả về, gia đình khăn gói đưa anh lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh điều trị. Cơ thể gầy rộc chỉ còn 30kg của anh khiến nhiều bác sĩ lắc đầu. Gia đình cũng nghĩ, anh sẽ như các bạn bè của mình, không còn cơ hội sống sót bao lâu.

Đầu những năm 2000 là thời điểm anh chịu những di chứng nặng nề nhất của nàng tiên nâu. Khi đó, anh bị nhiễm trùng cơ hội, đồng nhiễm lao, cơ thể chỉ còn da bọc xương, tiệm cận chuyển sang giai đoạn AIDS. Mẹ anh gục khóc ngất lặng nhiều lần bên cậu con trai.

“Chán đời, nghĩ mình chẳng còn cơ hội sống, tôi lại lao vào con đường hút chích. Bấy giờ cứ cuốn vào vòng xoay của ma túy, không nghĩ được gì”, anh Đức tâm sự.

Năm 2006, khi bị xử án 7 năm, anh mới thời gian suy nghĩ thấu đáo. Bố mất lâu, nhà còn mẹ già đã tuổi cao sức yếu. Mỗi lần nhìn thấy bà khóc lóc lên thăm nuôi là anh không cầm lòng được.

Anh Đức kiên quyết cự tuyệt. “Tôi bỏ thuốc lá, bỏ thuốc lào, nhắm mắt làm ngơ khi thấy bạn tù vẫn nhả khói nàng tiên nâu”.

Hết năm 2013, mãn hạn tù, anh về Vũng Tàu nói với mẹ: “Con quyết tâm làm lại cuộc đời”. Anh vác ba lô rời Vũng Tàu đến Long Thành, tỉnh Đồng Nai xin làm lái xe tải trong Công ty cổ phần Chiếu sáng và chỉ mang theo hy vọng sống lay lắt qua ngày.

Vực dậy sau hơn 10 năm nghiện ngập, nhiễm HIV ảnh 1
Vợ anh quê Vĩnh Phúc, theo anh về Vũng Tàu xây dựng hạnh phúc.

Thế nhưng cái vẻ ngang tàng, nóng tính, bất cần đời… của anh lại làm cho chị V.T.B (làm cùng công ty, quê ở Vũ Di, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cảm mến và thương. Quen nhau đến ngày thứ 3, anh bảo chị: “Tôi nhiễm HIV đấy, có dám lấy không?”. Ban đầu, chị B. có do dự, chần chừ. Phận gái đã một đời chồng và có con gái riêng, giờ đây lại gặp phải một người đàn ông từng có quá khứ vang dội như anh Đức, lại nhiễm HIV, liệu cuộc đời sẽ trôi nổi về đâu. Thế nhưng thương anh và tin anh đã thay đổi, chị B. chấp nhận theo anh về Vũng Tàu gây dựng cuộc sống mới.

Hạnh phúc khi vợ và con không nhiễm HIV

Ngày anh Đức dắt chị về nhà, ai nấy đều vừa mừng, vừa tủi. Người đàn ông ngang tàng, nghiện ngập một thời giờ đã yên bề gia thất, quyết tâm làm lại cuộc đời. Nhưng trong lòng mọi người, sự nghi ngờ vẫn nằm đó.

Thời kỳ đầu khó khăn, anh Đức và vợ ở nhờ nhà chị gái. Quyết tâm khẳng định vị trí của người đàn ông trong gia đình, anh xin vào làm tài xế cho một hãng taxi, chạy ngày chạy đêm, chắt bóp từng đồng. “Bấy giờ tôi chỉ có ý nghĩ mình phải có tiền để mua nhà, xây nhà ra ở riêng, đón mẹ về ở”, anh Đức tâm sự.

Những đồng lương chạy taxi của anh cùng nghề làm may của vợ chỉ trong 2 năm giúp cho anh chị mua được một mảnh đất ở ven thành phố. Dù chỉ là đất chưa có sổ, nhưng anh chị cũng “năng nhặt chặt bị”, vay mượn thêm để cất được một ngôi nhà nhỏ. “Ngày đón mẹ về ở, bà vui đến phát khóc. Có lẽ rất nhiều năm rồi bà mới thấy cuộc sống được hạnh phúc như vậy. Mấy chục năm, bà khóc nhiều vì mong tôi hối cải, giờ tôi mới thấy bà khóc vì hạnh phúc”, anh Đức kể.

Thương em trai, chị gái anh đã “vừa tặng vừa cho” em trai mua ô-tô riêng để chạy taxi. "Mọi người vẫn tin tưởng và thương yêu như thế, mình không thể sống phụ lòng chờ đợi và kỳ vọng của cả gia đình", anh Đức bày tỏ.

Hạnh phúc cứ lần lượt tìm đến gia đình anh Đức. Năm 2020, anh chị quyết tâm có một em bé. Họ dắt nhau lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh xin tư vấn để sinh con an toàn.

Dựa trên các chỉ số xét nghiệm của anh Đức sau nhiều năm tuân thủ điều trị, không lây cho vợ, các bác sĩ tư vấn gia đình tiếp tục tuân thủ, vợ anh được phát thuốc chống phơi nhiễm để dự phòng lây truyền cho con.

Ngày có tin bầu con trai, cả nhà anh vỡ òa hạnh phúc. Mẹ anh không ngờ cậu con trai từng suýt từ giã cõi đời lại có thể khỏe mạnh, cường tráng đứng trước mặt bà mà nói: “Bà chuẩn bị sức khỏe đón thêm cháu trai nhé!”.

Trải qua đủ mọi thăng trầm cuộc đời, hạnh phúc nhất với người đàn ông từng vào tù ra tội vì nghiện ngập như anh Đức chính là ngày chào đón đứa con đầu lòng vào một ngày mưa tháng 7. Hạnh phúc càng nhân lên gấp bội khi con anh có kết quả xét nghiệm âm tính với HIV. Bà nội hạnh phúc đặt tên cháu là Vũ Hải Đăng.

“Nhiều người ác mồm, ác miệng bảo thằng nghiện nhiễm HIV như tôi sinh con sẽ thế nọ, thế kia, nhưng tôi bỏ ngoài tai. Mình đẻ con cho mình, mình tin vào tư vấn của bác sĩ thì con hoàn toàn an toàn, khỏe mạnh”, anh Đức nói.

Vực dậy sau hơn 10 năm nghiện ngập, nhiễm HIV ảnh 2
Cậu con trai kháu khỉnh của anh Đức hiện 1,5 tuổi.

Cuộc đời anh Đức đã thật sự sang trang dù những năm tháng nghiện ngập đã vùi dập anh đến cùng đường, vướng vòng lao lý. Sự yêu thương của gia đình, đặc biệt là người vợ đã giúp anh tìm lại niềm tin trong cuộc đời. Sự đồng hành của đội ngũ y, bác sĩ trong điều trị đã giúp anh từ một người chỉ còn da bọc xương nay khỏe mạnh, cường tráng. Các đồng nghiệp của anh ở hãng taxi dù biết anh bị bệnh nhưng đối xử rất bình đẳng.

Mở điện thoại khoe cậu con trai kháu khỉnh 1,5 tuổi, anh Đức tâm sự, với trung bình mỗi tháng thu nhập được khoảng 20 triệu, anh vừa đủ để trả nợ, vừa nuôi vợ con. Sau ngày dài chạy xe mưu sinh, buổi tối, anh dừng công việc và bỏ hết tụ tập với bạn bè bên ngoài, về vui vầy với vợ con. Anh kể: “Không có bố, thằng nhóc nhà anh bắt nạt mẹ ngay”.

Sau gần 20 năm giông bão, người đàn ông qua tuổi tứ tuần đã được sống những tháng ngày hạnh phúc nhất vì anh đã vượt qua được cám dỗ, làm lại cuộc đời mà rất nhiều bạn đồng trang lứa của anh đã không còn cơ hội.

Bác sĩ Trương Sĩ Chiến (Phòng khám Ngoại trú, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vũng Tàu):

Chúng tôi tiếp nhận anh Vũ Văn Đức về bệnh viện điều trị vào năm 2013. Lúc đó bệnh nhân mới ở tù ra, tâm trạng luôn chán chường. Mỗi lần tái khám, bệnh nhân nóng nảy, cộc cằn và không muốn chờ đợi lâu. Nhân viên y tế phụ trách phòng khám cũng khá e dè với thái độ của anh Đức. Sau vài lần như vậy, nhân viên y tế có cuộc nói chuyện riêng với anh Đức phân tích vấn đề để cho anh Đức hiểu và hợp tác tích cực mỗi lần đến khám sau đó.

Vực dậy sau hơn 10 năm nghiện ngập, nhiễm HIV ảnh 3

Bác sĩ Trương Sĩ Chiến.

Lấy vợ, có được sự trợ giúp từ mẹ và vợ, anh Đức càng tuân thủ điều trị tốt hơn, và thật may mắn khi anh không lây nhiễm HIV cho vợ.

Đến khi anh chị tâm sự muốn sinh con “sạch” không bị nhiễm bệnh, chúng tôi giới thiệu xuống khoa Sản, gặp bác sĩ Hoàng Phước Ba phụ trách điều trị HIV lây truyền mẹ con để được tư vấn kỹ lưỡng. Nhờ đó, gia đình anh Đức đã sinh được cậu con trai khỏe mạnh, an toàn và không bị nhiễm HIV.

Anh Đức là một trường hợp điển hình của việc nếu bệnh nhân HIV tuân thủ điều trị, họ sẽ duy trì sức khỏe rất tốt và có cuộc sống như một người bình thường.