HIV rình rập lứa tuổi học đường
T. là đối tượng nguy cơ cao được cán bộ tiếp cận cộng đồng Huỳnh Minh Phong tiếp cận tư vấn nên làm xét nghiệm khi một trong những bạn tình của T. đã nhiễm HIV. Cầm kết quả dương tính với HIV trên tay, T. chết lặng.
T. là một nam đồng giới. Cậu mới chỉ quan hệ với bạn tình lớn tuổi thời gian gần đây. Cậu không nghĩ mình lại rơi vào cuộc đời tăm tối quá sớm như vậy.
Mới qua 15 tuổi, T. cần phải có chữ ký giám hộ của gia đình để thực hiện các xét nghiệm. Cán bộ tiếp cận cộng đồng buộc phải “lái” câu chuyện nhiễm HIV của T. sang tình huống, có thể vô tình em đạp phải kim tiêm trên đường.
“Bố mẹ của T. bận rộn đi suốt cả tháng mới về. Bạn tình của T. là một người đàn ông lớn tuổi, bị nhiễm HIV từ trước nhưng chúng tôi phải giấu chuyện giới tính của T. để gia đình đồng hành cùng T. trong hành trình điều trị sau này” - Huỳnh Minh Phong - một cán bộ tiếp cận cộng đồng kể.
Tại Long An, nếu như trước đây, tỷ lệ nhiễm HIV chủ yếu lây qua tiêm chích thì nay chủ yếu lây qua tình dục. Đặc biệt, số ca nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa, có cả những học sinh vẫn đang học phổ thông. Khi nhiễm HIV, các bạn bị mất phương hướng và dễ nghĩ tới cái chết.
Tư vấn, điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV tại Trung tâm Y tế huyện Kiến Tường, tỉnh Long An. |
N.T.C (Long An) là một trong số rất nhiều trường hợp đã phẫn uất muốn kết thúc cuộc sống như vậy. Mẹ cậu bỏ đi biệt xứ hơn 10 năm trước, khi cậu mới chừng 5-6 tuổi. Người nuôi cậu là bà ngoại. Cuộc sống xô đẩy, thiếu sự quan tâm khiến chàng trai này sớm bước lệch vào con đường quan hệ đồng giới từ rất sớm.
Ngày biết mình nhiễm HIV, C. lang thang nhiều ngày rồi nghĩ tới tự vẫn. Trước giây phút quyết định, C. gọi điện cho Phong chia sẻ. Trong tình thế gấp rút, Phong chọn cách đánh vào đúng điểm yếu của C. Phong nạt nộ: “Bà đã nuôi em lớn lên, giờ bà hơn 70 tuổi, nếu em chết đi bà sẽ nương tựa vào ai?. Tại sao em lại chọn cách sống ích kỷ, trong khi bệnh HIV vẫn có thể chữa được, sống hàng chục năm". Câu hỏi thức tỉnh đúng lúc C. định nhảy sông.
Phong bảo, với những trường hợp này, mình phải đánh vào điều họ quan tâm nhất trong cuộc đời còn lại để giúp họ có thêm niềm tin vào cuộc sống. Nhờ vậy, Phong đã cứu giúp thêm một mạng sống nữa. Giờ đây, C. đang điều trị rất ổn định, sức khỏe tốt.
Trong 3 năm gần đây, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ đồng giới tăng rất mạnh. Ghi nhận tại Long An, con số này chiếm tới hơn 70%.
Trong khi đó, tại Vũng Tàu, giai đoạn 2016-2021, tỷ lệ lây truyền qua đường máu từ 28,3% xuống 12,9%, trong khi đó, lây nhiễm HIV qua đường tình dục tăng từ 69,3% lên 86%.
Tại Long An, nhóm tuổi MSM bị nhiễm HIV, đưa vào điều trị dự phòng PrEP chủ yếu là các bạn trẻ dưới 25 tuổi, là lao động tự do.
Độ tuổi này tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cao hơn, từ 20-34 tuổi, chủ yếu là các lao động trong khu công nghiệp. Số nhiễm HIV tập trung ở các nhóm nguy cơ cao. Trong đó nhóm MSM có tỷ lệ nhiễm tăng cao trong những năm gần đây từ 4,5% (2016) lên 60% (2021).
Mỗi câu chuyện là một số phận nhiều uẩn khúc
Chương trình Tiếp cận cộng đồng của dự án EPIC được xem là chiến lược can thiệp hiệu quả trong quần thể người nguy cơ cao nhằm ngăn chặn tỷ lệ lây truyền HIV trong nhóm cũng như từ nhóm nguy cơ cao ra cộng đồng.
Trong hành trình nhiều năm làm cán bộ tiếp cận cộng đồng, tập trung vào cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), Huỳnh Minh Phong và nhiều bạn trẻ khác đã trở thành điểm tựa cho các đơn vị phòng, chống HIV/AIDS tại địa bàn, là người bạn đồng hành của nhiều bạn trẻ trong cộng đồng MSM.
Hàng trăm trường hợp mà nhóm của Phong tiếp cận, được tư vấn đưa vào điều trị đều trải qua những ngày tháng suy kiệt, rối trí và sợ hãi. Có không ít ca mới đưa vào điều trị ARV đã bị sốc tâm lý, chỉ muốn kết thúc cuộc sống vì cơ thể gần như biến thành con người khác.
Phong kể lại câu chuyện của một nam giới song tính đã có vợ con. Khi phát hiện nhiễm HIV, bệnh nhân có tải lượng virus HIV rất cao, ở giai đoạn cuối gần sang AIDS. Là một công chức nhà nước, anh giấu kín những quan hệ song tính của mình với bạn tình cùng giới.
Huỳnh Minh Phong chia sẻ về việc tiếp cận và tư vấn cho cộng đồng MSM. |
Để giấu kín danh tính, anh được giới thiệu đến phòng khám tư nhân nhưng tại đây họ từ chối vì tiên lượng điều trị thấp. Đứng ở lằn ranh của sự sống còn ngắn ngủi, theo lời tư vấn của Phong, anh vào điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An. “Từ một người ngày đầu vào viện gầy chỉ hơn 30 ký, nằm không còn sự sống trên băng ca, giờ anh ấy đã khỏe mạnh”, Phong tự hào nói.
Có nhiều trường hợp mang đầy nỗi tủi hờn, căm phẫn trong chính căn nhà của mình. Trong cộng đồng Blued, Phong nhớ như in gương mặt thất thần của H.V.K ngày đầu gặp gỡ. Em vừa trốn gia đình để có cuộc hẹn với Phong xin tư vấn mình cần làm gì để vượt qua nỗi đau đớn và nguy cơ nhiễm bệnh khi bị chính anh trai ruột xâm hại.
"Cậu bị gia đình giám sát bằng camera rất chặt chẽ nhưng lại bị xâm hại tình dục ngay tại nhà. Trong những chia sẻ với tôi, cậu tâm sự rất đau đớn về cuộc sống u tối của mình. Chúng tôi cũng tư vấn cho em ấy làm xét nghiệm và điều trị dự phòng để phòng tránh nguy cơ nhiễm HIV”, Phong kể.
21 tuổi, nhưng H.K.P (huyện Kiến Tường, tỉnh Long An) rất dạn dĩ kể về câu chuyện cuộc đời “làm gái” ở TP Hồ Chí Minh để nuôi gia đình.
47 tháng trước, P. biết mình cần phải đi xét nghiệm khi một người bạn làm chung đã nhiễm HIV. May mắn nhất sau nhiều năm "bán thân", em chưa bị nhiễm HIV.
P. uống PrEP điều trị dự phòng được 46 tháng và giờ sức khỏe rất tốt. “Em có làm kênh Tiktok nhỏ, lan truyền thông tin lên mạng, khuyên mọi người dùng PrEP đúng cách, nên dùng bao cao su để tránh lây nhiễm HIV", P. chia sẻ.
Cần quan tâm tới giáo dục giới tính nhiều hơn trong nhà trường
Mỗi một khách hàng được tiếp cận để tư vấn, giới thiệu, đưa vào điều trị dự phòng PrEP hoặc điều trị ARV là mỗi một mảnh đời nhiều uẩn khúc. Có người bị xâm hại mà lệch lạc giới tính, có người vì đi bán thân để nuôi bố mẹ và em gái, có người vì bị bạn tình giấu bệnh tật… mà trở thành đối tượng nguy cơ cao.
Để tiếp cận cộng đồng MSM, vai trò của cán bộ cộng đồng, đồng đẳng viên rất quan trọng để điều phối và hỗ trợ các hoạt động giảm kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến nhạy cảm giới ở nhóm nguy cơ cao.
Cán bộ y tế tư vấn cho khách hàng. |
Các cán bộ gia nhập các mạng xã hội Blued, facebook, Tiktok, Instagram… để "săn" các đối tượng nguy cơ cao. Như "mưa dầm thấm lâu", họ lân la nhắn tin làm quen, nói chuyện. Khi đã tạo ra niềm tin, các cán bộ mới mạnh dạn tư vấn.
Nguyễn Huy Hoàng, đồng đẳng viên cũng đang điều trị PrEP tâm sự “Nếu tạo ra mục đích để họ biết người tiếp cận là các tình nguyện viên sẽ khó thuyết phục”.
Theo Hoàng, tỷ lệ nhiễm và cần điều trị dự phòng PrEP ở các bạn trẻ đang theo học phổ thông rất cao. Có những trường hợp các bạn chỉ mới đang học lớp 9, muốn điều trị phải có sự đồng ý của gia đình nên họ sợ hãi, giấu bệnh và từ chối điều trị dự phòng nên rất khó thuyết phục. Điều này sẽ khiến các em đối mặt với nguy cơ nhiễm HIV rất cao.
Ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An, nhấn mạnh, tỷ lệ trẻ hóa nam đồng giới nhiễm HIV đang là vấn đề đáng báo động tại Long An.
“Chúng tôi muốn cảnh báo mạnh mẽ tình trạng nam quan hệ tình dục đồng giới ở lứa tuổi học sinh. Chúng tôi muốn đẩy mạnh truyền thông, muốn các nhà trường cùng phối hợp tuyên truyền rộng rãi. Tôi cho rằng, nội dung này cần đưa vào nội dung môn học về giáo dục giới tính để các bạn nam đồng giới hiểu đúng, có biện pháp phòng tránh nguy cơ nhiễm HIV", ông Linh bày tỏ.