Thầm lặng giúp đỡ bệnh nhân HIV/AIDS

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia điều trị và dự phòng HIV/AIDS hiệu quả nhất. Thành công đó có đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ y tế chuyên trách tâm huyết với công việc.
0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ Đặng Văn Ngọc tư vấn về dùng thuốc kháng vi-rút cho người nhiễm HIV.
Bác sĩ Đặng Văn Ngọc tư vấn về dùng thuốc kháng vi-rút cho người nhiễm HIV.

Ở thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu), anh Đặng Văn Ngọc có thâm niên gần 20 năm là cán bộ chuyên trách chương trình phòng, chống HIV/AIDS, được Bộ Y tế đánh giá là cá nhân điển hình tiên tiến. Dân gian có câu "nghề chọn người" cũng đúng một phần với anh Ngọc. Theo anh Ngọc, nghề nào cũng vậy, khi đã chọn thì phải hết lòng, nhất là nghề y, phải hết lòng, hết tâm vì người bệnh. Ở những lĩnh vực y khoa khác, người bệnh tự tìm đến y, bác sĩ, còn trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, những cán bộ, nhân viên y tế như anh phải tự tìm đến người bệnh và những người yếu thế.

Nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao là người nghiện ma túy, người mua bán dâm và nhóm quan hệ tình dục đồng giới. Những người này thường có lối sống khép kín nên việc tiếp cận không dễ dàng, thậm chí có lúc tiềm ẩn rủi ro. Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi "làm thế nào để truyền thông cho họ những biện pháp phòng, chống HIV/AIDS?" chính là "chìa khóa" để anh Ngọc thực hiện công việc suốt gần 20 năm qua, từ khi thị xã Phú Mỹ là một địa bàn nhiều khu công nghiệp, có số lượng lớn dân cư từ nơi khác đến làm ăn, sinh sống.

Anh Ngọc cho biết, do sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn, cho nên bệnh nhân thường sống khép mình và hay thay đổi nơi cư trú. Gần 20 năm qua, những cán bộ chuyên trách ở Trung tâm Y tế thị xã Phú Mỹ kiên trì bám địa bàn, xây dựng kênh tiếp cận, từ đó giúp đỡ kịp thời cho rất nhiều người bệnh. Làm việc bằng cái tâm, anh đã vượt qua những khó khăn của cán bộ y tế cơ sở với đồng lương thấp, phụ cấp ít ỏi. Lắng nghe, đồng cảm và sẵn lòng giúp đỡ những người yếu thế, dần dần, anh Ngọc và đồng nghiệp xây dựng được đội ngũ đồng đẳng viên nhiệt tình, tâm huyết.

Những người có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc chính bệnh nhân HIV/AIDS truyền thông trong nhóm của họ. Cách làm này được đánh giá là hiệu quả, bền vững, nhất là trong những năm gần đây, các dự án quốc tế hỗ trợ công tác phòng, chống HIV/AIDS bị giảm mạnh khi nước ta trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.

Tìm kiếm, tiếp cận được người nhiễm HIV đã khó, việc giúp họ duy trì điều trị đều đặn còn khó hơn. Trong khi đó, muốn chấm dứt được dịch bệnh HIV/AIDS trước năm 2030 thì phải duy trì được mục tiêu đa số người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh của mình. Họ phải được chẩn đoán và điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV) và phải kiểm soát được số lượng vi-rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh, giảm nguy cơ lây truyền cho người khác.

Đây là nhiệm vụ không dễ dàng đối với những cán bộ chuyên trách chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Không chỉ dành thời gian tư vấn sử dụng thuốc ARV cho bệnh nhân, anh Ngọc cùng các bác sĩ và cộng tác viên cộng đồng còn quan tâm đời sống của từng bệnh nhân HIV/AIDS, giúp họ tháo gỡ những khó khăn trong cuộc sống.

Tất cả đều vì một mục đích nhân văn là giúp người nhiễm HIV ổn định tâm lý, ổn định cuộc sống để không bỏ điều trị. Bản thân anh làm công việc này cũng nhiều lần bị những người chung quanh xa lánh. Giai đoạn giãn cách xã hội do dịch Covid-19, bệnh nhân không thể đến lĩnh thuốc, đội ngũ cán bộ chuyên trách lại mang đến tận nhà cho bệnh nhân.

Anh Ngọc tâm sự: Biết tôi làm cán bộ chương trình phòng, chống HIV/AIDS nhiều người cũng kỳ thị, nhưng mình cứ thực hiện tốt trách nhiệm với cộng đồng. Cũng như với bệnh nhân, mình phải tạo dựng cho họ niềm tin. Phải đặt mình vào hoàn cảnh của họ thì mới hiểu họ cần được giúp đỡ như thế nào.

Chính những lúc bị kỳ thị, anh càng thấu hiểu sự cô đơn, trống rỗng, vô định của người nhiễm HIV giữa cộng đồng nếu họ bị lộ danh tính. Từ đây, niềm thương cảm càng lớn hơn, thúc giục anh tận tình giúp đỡ bệnh nhân, xem họ như người thân trong gia đình. Trong gần 20 năm làm nghề, anh Ngọc cùng đồng nghiệp và cộng tác viên đã giúp đỡ rất nhiều bệnh nhân, trải qua vô vàn cung bậc cảm xúc.

Khi thấy người bệnh hoang mang, tuyệt vọng, anh càng quyết tâm phải tạo dựng lại niềm tin, kéo họ trở về với gia đình và cuộc sống. Nhiều người nhiễm HIV/AIDS tưởng chừng chỉ chờ "tử thần" đến đón đã tuân theo phác đồ điều trị và có được sức khỏe tốt, tham gia lao động, trở thành người có ích cho xã hội và gia đình… Bất kể đêm khuya hay ngày nghỉ, chuông điện thoại reo là anh Ngọc lại bận rộn với công việc tư vấn tâm lý, giúp đỡ bệnh nhân uống thuốc đều đặn, cũng như hướng dẫn, cấp thuốc dự phòng lây nhiễm và vật dụng can thiệp giảm hại cho những người có nguy cơ cao.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Cao Kim Thoa, Phó Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), mặc dù dịch HIV/AIDS tiếp tục có xu hướng giảm cả về số người nhiễm, số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS và số ca tử vong, nhưng kết quả này chưa bảo đảm tính bền vững. Dịch vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nếu không có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả.

Địa bàn thị xã Phú Mỹ là nơi giáp với Thành phố Hồ Chí Minh, lại có đông người lao động ngoại tỉnh đến làm ăn sinh sống, nếu không tích cực với công việc dự phòng lây nhiễm và phát hiện sớm ca bệnh HIV thì khó duy trì được kết quả của chương trình. Biện pháp phòng, chống HIV dựa vào cộng đồng vẫn đang và sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất cho công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện nay. Và Phú Mỹ đã làm rất tốt, xây dựng được mạng lưới đồng đẳng viên hoạt động tích cực, công tác tư vấn xét nghiệm HIV hiệu quả, khiến việc tìm ca lây nhiễm ở thị xã dần trở nên dễ dàng hơn, việc cấp phát vật dụng can thiệp giảm hại đã đến đúng địa chỉ người cần dùng.

Công tác điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS bằng thuốc ARV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc PrEP cũng đạt hiệu quả cao... Đây chính là mô hình tiêu biểu cần nhân rộng để tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030.