Hành trình săn con "sạch” của người bệnh HIV

NDO -

Quen nhau khi cùng điều trị ARV tại cơ sở điều trị HIV/AIDS (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vũng Tàu) và nên duyên vợ chồng, anh H. và chị K. khao khát sinh ra những đứa con khỏe mạnh, không nhiễm HIV. Đây cũng là mong muốn sinh con "sạch" của hàng chục cặp đôi bị nhiễm HIV tại Vũng Tàu. 

0:00 / 0:00
0:00
Em bé hoàn toàn âm tính dù mẹ nhiễm HIV.
Em bé hoàn toàn âm tính dù mẹ nhiễm HIV.

Hành trình săn con

11 năm trước, anh N.V.H (sinh năm 1982) và chị N.T.K (sinh năm 1985) tần ngần bày tỏ ý định sinh con với điều dưỡng Nguyễn Thị Thêm, Phòng khám Ngoại trú, Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu. Anh chị cùng nhiễm HIV nhiều năm và họ không muốn con mình sinh ra phải gánh căn bệnh thế kỷ.

Điều dưỡng Thêm cầm hồ sơ xét nghiệm trên tay, khuyên anh/chị tiếp tục điều trị đến khi các chỉ số ổn định nhất, sẽ sinh con hoàn toàn khỏe mạnh. Đến ngày chỉ số dưới ngưỡng lây nhiễm, chị Thêm tư vấn: “Anh chị có thể thả để có bầu”.

Niềm vui có bầu đến với chị K. là lúc anh chị bắt đầu bước vào hành trình giữ thai kỳ an toàn đến khi sinh nở. Ngày nào chị K. cũng nhắn tin cho điều dưỡng Thêm bày tỏ sự lo lắng, hoang mang.

Vốn đã quen với việc tư vấn cho các sản phụ nhiễm HIV, chị Thêm động viên sản phụ: “Quan trọng nhất lúc này là chị không suy nghĩ nhiều vì khi quyết định có em bé thì quan trọng nhất phải vui vẻ, thoải mái. Em không dám nói điều trị ARV thì 100% con sẽ không bị nhiễm vì trong quá trình sinh nở chảy máu vẫn có nguy cơ nhưng khi đã quyết định có con thì cố gắng động viên để sinh con an toàn”.

Hành trình săn con "sạch” của người bệnh HIV ảnh 1
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thêm, Phòng khám Ngoại trú, Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu.

Suốt 9 tháng 10 ngày, anh chị cẩn thận từng chút để giữ cho thai kỳ an toàn. Ngày cháu bé chào đời, sau 2 tháng uống thuốc dự phòng âm tính, chị K. gọi điện khoe tíu tít: “Thêm ơi, con chị âm tính rồi. Cả gia đình mừng quá”.

"Sau khi sinh đứa con gái đầu lòng vào năm 2011, anh chị tiếp tục tự tin sinh cháu thứ 2 vào năm 2015. Cả 2 bé đều “sạch”, không nhiễm HIV", điều dưỡng Thêm hạnh phúc khoe.

Cũng như gia đình anh H., chị K., anh V.V.Đ (sinh năm 1977) nhiễm HIV hơn 20 năm qua cũng khao khát có được đứa con khỏe mạnh không mang bệnh. Vợ anh may mắn nhờ dự phòng tốt nên không nhiễm, tải lượng virus của anh Đ. ở ngưỡng an toàn nên anh chị được tư vấn để sinh con không mang bệnh.

Tuy nhiên, không phải sản phụ nào cũng được tư vấn từ ngay những ngày đầu “khai hoa nở nhụy”. Có nhiều trường hợp đến khoa sản khám trước khi sinh mới phát hiện mình nhiễm HIV. Khi đó, quá trình tư vấn, hỗ trợ điều trị khó khăn hơn gấp bội vì tâm lý sản phụ luôn luôn bất an, thậm chí có người chỉ nghĩ tới cái chết.

Trong suốt 14 năm làm công tác tư vấn và chăm sóc cho các sản phụ nhiễm HIV, chị Thêm nhớ nhất trường hợp sản phụ B.T.M.D (sinh năm 1993, ở Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 3, TP Vũng Tàu) mới sinh con được 3 tháng.

Sản phụ D. lây nhiễm do chồng, chỉ biết mình nhiễm HIV vào tháng thứ 6 của thai kỳ. Cầm kết quả dương tính, D. ngồi sụp xuống, khóc không thành lời. Chồng sản phụ đổ lỗi do chị mang mầm bệnh về nhà, chửi bới, đuổi chị ra khỏi nhà. Bệnh nhân đau lòng tới mức suy sụp, không ăn uống, thức trắng đêm. Bệnh nhân bi quan lo không biết con mình có bị nhiễm HIV không vì lúc này thai đã to.

Một tháng sau, khi người chồng quyết định sẽ ly dị, sản phụ xốc lại tinh thần xin điều trị. May mắn sau 3 tháng uống dự phòng ARV, chị D. sinh con hoàn toàn khỏe mạnh, âm tính với HIV. Chỉ tiếc, người chồng đã ra tòa bỏ chị trước khi sinh 3 tuần. “Điều an ủi lớn nhất của chị D. chính là em bé sinh ra khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh. Nhờ vậy, chị đã lấy lại niềm tin vào cuộc sống”, chị Thêm cho hay.

Chăm sóc sản phụ tỉnh táo đã khó khăn thì chăm sóc sản phụ nhiễm HIV lại không được bình thường về tâm lý còn thách thức hơn nữa. Sản phụ H.N.H (sinh năm 1977) bị sang chấn tâm lý khi bị bỏ rơi vào lúc có bầu năm 2020 là một trường hợp như vậy.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân không tuân thủ điều trị, uống thuốc không đều, tải lượng virus cho thấy có dấu hiệu kháng thuốc nhẹ. Bệnh nhân hoàn cảnh, nên bệnh viện đã vận động tài trợ hỗ trợ cho sản phụ sinh con khỏe mạnh.

May mắn dù bị kháng thuốc nhẹ, nhưng sản phụ sinh con vẫn an toàn và phép màu đến với người mẹ này là con âm tính với HIV. “Từ ngày có con, chị H. tỉnh táo hơn và sống bằng nghề bán vé số để nuôi con”, điều dưỡng Thêm cho hay.

100% người nhiễm HIV đều sinh con "sạch"

Bác sĩ Trương Sỹ Chiến, Trưởng Phòng Điều trị HIV/AIDS (phòng khám lai ghép) của Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu cho hay, nếu trước đây trong số 10 sản phụ nhiễm HIV mang thai thì sẽ sinh được 7 em bé “sạch”, còn 3 trường hợp sẽ dương tính thì nay 100% sản phụ sinh con đều không nhiễm HIV.

Nhờ dự án EPIC, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được hỗ trợ rất nhiều về phác đồ điều trị, tập huấn, hỗ trợ chuyên môn, hỗ trợ trang thiết bị, kinh phí hoạt động. Bệnh nhân ngoài được hỗ trợ thuốc ARV, còn được xét nghiệm miễn phí, cung cấp thuốc bổ, khẩu trang, thậm chí cả tiền đi lại. Thuốc điều trị ngày càng ít tác dụng phụ hơn, thuận tiện hơn nên dễ dàng cho bệnh nhân trong điều trị. Nhờ đó, nhiều khách hàng yên tâm tham gia điều trị.

Hành trình săn con "sạch” của người bệnh HIV ảnh 2

Bác sĩ Trương Sỹ Chiến, Trưởng Phòng Điều trị HIV/AIDS (phòng khám lai ghép) của Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu.

Quản lý hồ sơ của hơn 30 sản phụ nhiễm HIV sinh con trong những năm gần đây, điều dưỡng Nguyễn Thị Thêm hạnh phúc chia sẻ, có tới 20 em bé được sinh ra an toàn từ cặp vợ chồng đều đồng nhiễm HIV. “Có rất nhiều sản phụ nhiễm HIV sinh con thứ 2, thứ 3 đều an toàn, không bị nhiễm”, Thêm hào hứng nói.

Tại Vũng Tàu, trong 6 tháng đầu năm 2022, số phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV (tính lúc đẻ) đạt tỷ lệ 98% phát hiện nhiễm HIV cho 12 phụ nữ mang thai và được điều trị ARV 100%.

Số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được tiếp tục điều trị ARV là 12 trẻ (100%). Trong số 11 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được làm xét nghiệm PCR trong vòng 2 tháng sau sinh, không có trẻ phát hiện dương tính HIV.

Đánh giá về thành tích này, Thạc sĩ, bác sĩ Cao Kim Thoa, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, tính trên cả nước, những năm trước, tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con những năm 2011-2012 có khoảng 2-3% lây từ mẹ sang con. Bây giờ tỷ lệ này gần như về 0.

Các sản phụ nhiễm HIV khi có bầu đều được sử dụng thuốc ARV dự phòng và theo dõi chặt quá trình tuân thủ điều trị đến khi sinh. Sinh con xong, trẻ sẽ được uống thuốc dự phòng trong 2 tháng, sau đó làm xét nghiệm PCR khẳng định.

Đây là một thành tựu rất lớn của việc triển khai dự án hỗ trợ các cặp vợ chồng nhiễm HIV sinh con an toàn, giảm thiểu lây nhiễm trong cộng đồng.

Hành trình săn con "sạch” của người bệnh HIV ảnh 3

Bệnh nhân phải tuân thủ điều trị, uống thuốc đúng giờ.

Khiêm tốn nói về công việc đồng hành theo dõi chặt chẽ các sản phụ nhiễm HIV, chị Thêm bộc bạch: “Trong quá trình điều trị, chúng tôi góp sức vào khoảng 30% còn 70% chính là thuốc ARV và sự tuân thủ nghiêm ngặt của bệnh nhân. Thuốc ARV quan trọng nhất là phải uống đúng giờ, trễ trước hay sau 5-10 phút đều không được. Do đó, sự tuân thủ của bệnh nhân mang lại thành công lớn nhất. Trong quá trình điều trị ARV, nếu bệnh nhân tuân thủ tốt, uống thuốc đúng giờ, trẻ được dự phòng thì nguy cơ lây nhiễm cho em bé thấp”.

Với nữ điều dưỡng này, 14 năm qua, mỗi lần nhìn các con được chào đời khỏe mạnh và âm tính là chị đều vui mừng thay cho các sản phụ. "Ước mơ làm mẹ của những người nhiễm HIV hoặc chồng nhiễm HIV giờ đây không còn là khó khăn, thách thức”, điều dưỡng Thêm hạnh phúc nói.