Tự thuở xuân có báo

Đã thành thông lệ, hằng năm cứ độ Tết đến xuân về không chỉ những người làm báo mà các độc giả luôn háo hức chờ đợi sự ra mắt của tờ báo Xuân. Không biết từ bao giờ, nét văn hóa ngày Tết của người Việt ngoài thịt mỡ - dưa hành - câu đối đỏ thì báo xuân như là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều người.

Tự thuở xuân có báo

Từ những tờ báo Xuân đầu tiên…

Ngày 15-4-1865, tờ Gia Định báo ra mắt bạn đọc mở đầu cho sự hình thành và phát triển của nền báo chí Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ số ra mắt cho đến khi đình bản vào năm 1910, tờ báo này chưa một lần ra số Tết.

Vậy, tờ báo Tết đầu tiên ra mắt vào năm nào? Có ý kiến cho rằng tờ báo Xuân đầu tiên xuất hiện vào năm 1908, đó là tờ Lục Tỉnh Tân văn (số ra năm Đinh Tỵ, tức ngày 30-1-1908) bởi phần nội dung có bài dài khuyên ăn Tết lành mạnh, bớt ăn chơi, hủ tục. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng tờ Lục Tỉnh Tân văn số Đinh Tỵ 1908 chỉ là tờ báo ra vào dịp Tết chứ không phải là báo Xuân vì phần hình thức tờ báo này không khác gì tờ báo ra ngày thường.

Ra mắt vào ngày 1-7-1917, Nam Phong tạp chí (Ngọn gió Nam) là dạng nguyệt san do L. Marty, một người Pháp rất thông thạo tiếng Việt sáng lập; chủ bút là học giả Phạm Quỳnh. Chỉ mấy tháng sau khi ra mắt, Nam Phong tạp chí đã ra mắt “số Tết 1918” (và cũng là số Tết duy nhất của Nam Phong tạp chí) với lối trình bày khác biệt, không đánh số thứ tự theo thường lệ, bìa mầu vàng cam nhạt, với hình bìa là hai ông già, một sáng và một mờ, tay cầm cành đào tượng trưng cho hai vị Hành khiển phán quan Mậu Ngọ (cầm nhánh đào tươi) và Đinh Tỵ (cầm nhánh đào không có bông) bàn giao ấn tín cho nhau. Đặc điểm Nam Phong tạp chí “số Tết 1918” là tất cả các bài viết đều nằm trong khung hoa, có nhiều tranh minh họa và không có quảng cáo. Nam Phong tạp chí số Tết 1918 đã nêu lý do làm số Tết:

“Cả năm có ngày Tết là vui… Bản báo muốn cho khúc đàn riêng của mình không đến nỗi sai nhịp với khúc cảm chung của xã hội trong buổi đầu năm xuân mới, giời ấm khí hòa, cảnh vật tươi cười, lòng người hớn hở, lại muốn không trái cái chủ nghĩa lúc bình thường, bèn định in riêng ra tập ngày Tết này, ngoài những số báo thường, trước là để cùng quốc dân góp một phần vào cuộc vui chung, sau là để tặng các bạn đọc báo đã có bụng tin yêu gửi mua từ đầu đến nay một cái quà hợp với cảnh năm mới…”.

Tiếp theo tờ Nam Phong tạp chí số Tết 1918, tờ Đông Pháp thời báo cũng cho ra mắt số báo Xuân với hai mầu đen, đỏ bán rất chạy vào năm 1927 hoặc tờ Thần Chung báo của Diệp Văn Kỳ cũng cho ra mắt số Xuân vào năm 1929.

Như vậy, trong giai đoạn này một số tờ báo ra số Xuân chỉ nhằm để kỷ niệm dấu ấn chứ chưa thật sự có mục đích làm báo Xuân như sau này. Tuy nhiên, Lục Tỉnh Tân văn số Xuân 1908 và Nam Phong tạp chí số Tết 1918 là sự mở màn, đặt nền móng cho “tục” làm báo Xuân sau này của làng báo Việt Nam.

Tự thuở xuân có báo ảnh 1

Đến sự định hình và phát triển của báo Xuân

Năm 1929, tờ Phụ nữ Tân văn do nhà báo nổi tiếng Đào Trinh Nhất làm chủ bút ra mắt bạn đọc. Đây là tờ báo thứ hai của nữ giới xuất bản tại Sài Gòn sau tờ Nữ giới chung của bà Sương Nguyệt Ánh (con gái cụ Đồ Chiểu). Kể từ khi ra mắt, ngay cái Tết đầu tiên (Xuân Canh Ngọ năm 1930), Phụ nữ Tân văn đã ra mắt báo Xuân với lối trình bày đẹp mắt và tiên tiến. Các năm sau đó, Phụ nữ Tân văn đều đặn cho ra mắt các ấn phẩm Xuân. Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định mẫu báo Xuân trở thành truyền thống cho làng báo Xuân ngày nay chính là từ tờ Phụ nữ Tân văn.

Tự thuở xuân có báo ảnh 2

Ở Bắc Kỳ, tờ Đông Tây tuần báo của nhà báo tài ba Hoàng Tích Chu ra mắt bạn đọc Tập văn mùa xuân vào năm 1932. Tập văn mùa xuân 1932 đã khẳng định rõ tinh thần làm báo của Đông Tây: “Trải qua mấy xuân rồi, xuân nay cũng như xuân trước, Đông Tây hằng lo đổi mới. Tự nhận là cơ quan bạn trẻ, Đông Tây vẫn giữ được cái thái độ ngang nhiên, tự chủ, ôn hòa mà không lún, mạnh bạo nhưng chẳng cuồng” (bài “Tuổi xuân ta mừng xuân - Đông Tây”).

Tự thuở xuân có báo ảnh 3

Phong trào làm báo Xuân thật sự nở rộ trong thập niên 30 của thế kỷ trước với sự ra đời của hàng loạt tờ báo Xuân như Loa (Hà Nội 1935), Chơi Xuân (Hà Nội 1935), Đuốc Nhà Nam (Sài Gòn 1936), Quà Tết (Sài Gòn 1937), Sách Xuân (Sa Đéc 1937). Nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến hai tờ báo của nhóm Tự Lực Văn Đoàn là Phong Hóa tuần báo và Ngày Nay.

Tự thuở xuân có báo ảnh 4

Phong Hóa tuần báo ra mắt bạn đọc năm 1932 do ông Phạm Hữu Ninh sáng lập, sau này nhượng lại cho nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) và số 14 ra ngày 22-9-1932 của tờ Phong Hóa ra mắt bạn đọc với sự đổi mới về nội dung và văn phong. Có thể nói, Phong Hóa tuần báo là tuần báo trào phúng, hài hước hấp dẫn nhất vào thời điểm bấy giờ. Trong bốn năm tồn tại (từ 1932 đến 1936), Phong Hóa tuần báo ra bốn số báo Xuân (1933, 1934, 1935, 1936) với trình bày đẹp mắt và hấp dẫn bạn đọc.

Tự thuở xuân có báo ảnh 5

Đầu năm 1936, khi tờ Phong Hóa chính thức bị thu hồi giấy phép thì tờ Ngày Nay xuất bản trở lại. Cũng giống như tờ Phong Hóa, tờ Ngày Nay cơ bản đề cao xu hướng cá nhân chủ nghĩa theo lối duy tân cấp tiến, và có đóng góp không nhỏ trong việc phát triển nền báo chí nước nhà. Tờ Ngày Nay chỉ tồn tại đến ngày 2-9-1940 thì bị đình bản. Trong mấy năm tồn tại, tờ Ngày Nay cho ra mắt bốn kỳ báo Xuân (Tết 1937, 1938, 1939 và 1940). Điểm đặc trưng của báo Xuân Ngày Nay là những minh họa mang chủ đề mùa xuân như thiếu nữ với hoa xuân hoặc các con vật tượng trưng cho con giáp trong năm, đôi khi là biến tấu từ tranh dân gian. Thí dụ như tờ Ngày Nay số Tết 1938, họa sĩ Nguyễn Gia Trí (Rigt) biến tấu từ bức tranh “Ngũ Hổ” rất nổi tiếng của tranh Hàng Trống. Các “ông Hổ” mang cờ Nhật, cờ Đồng Minh, cờ phát-xít tượng trưng cho các phe trong Đệ nhị thế chiến. Cạnh đó chàng Lý Toét thở dài than vãn. Việc quảng cáo cho báo Xuân cũng rất độc đáo. Tờ Ngày Nay số 197 in mẫu quảng cáo mô phỏng tờ lịch có kê cứu “lịch sử” phát hành các số báo Xuân:

Tự thuở xuân có báo ảnh 6

- 1937: “Số mùa Xuân” đầu tiên của Ngày Nay xuất bản. Khắp Đông Pháp người ta tranh nhau mua.

- 1938: “Số Mùa Xuân” thứ hai của Ngày Nay xuất bản. Tranh nhau mua. Một người bị thương.

- 1939: “Số Mùa Xuân” thứ ba của Ngày Nay xuất bản. Hai ông cụ khóc vì không mua được. Đến chậm quá.

Tự thuở xuân có báo ảnh 7

Nếu tính từ ấn phẩm Tết 1918 trên Nam Phong tạp chí thì lịch sử báo Xuân Việt Nam đã có chặng đường gần một thế kỷ hình thành và phát triển. Ngày nay, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ làm báo, báo Xuân liên tục cải tiến về nội dung và hình thức để đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của độc giả.

Tự thuở xuân có báo ảnh 8

Trong cái rét ngọt đầu xuân, những ấn phẩm báo Xuân đã dần nhuộm đỏ trên các sạp bán báo để chờ phân phát đến mỗi gia đình người Việt. Dường như những ấn phẩm báo Xuân đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong phong tục đón Tết của người Việt Nam.

Tự thuở xuân có báo ảnh 9