Hồi sinh Hát cửa đình người Việt

Giống như một cơ may, nhưng không hẳn. Có lẽ đây là sự "hữu duyên" của số phận tưởng bỏ quên bao năm rồi cũng đến ngày "tương ngộ". Bắt nguồn từ cảm xúc, diễn ra trong cảm xúc và cũng hồi sinh nhờ tình cảm của con người. Đó là câu chuyện về hành trình tìm lại nghi thức hát cửa đình trong ca trù của người Việt xưa.

Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ cùng học trò - NSƯT Đỗ Quyên - Chủ nhiệm CLB ca trù Hải Phòng bắt đầu nghi thức hát cửa đình. Ảnh: TTXVN
Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ cùng học trò - NSƯT Đỗ Quyên - Chủ nhiệm CLB ca trù Hải Phòng bắt đầu nghi thức hát cửa đình. Ảnh: TTXVN

Bắt nguồn từ “duyên số”

Tình cờ được mời làm giám khảo Liên hoan Ca trù toàn quốc cuối tháng 8-2014 cùng nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền thêm cơ hội nhìn thẳng vào thực trạng đào kép ca trù hiện nay. Trong những buổi trò chuyện, trao đổi cùng cụ Đẹ, anh chợt giật mình: Cụ là người gần như duy nhất còn lại của thế kỷ 20 đã từng đi hát cửa đình và có thể coi như duy nhất đã từng đàn tại ca quán. Bao nhiêu năm quen biết đã tạo cho anh một “ảo giác” rằng cụ Đẹ lúc nào cũng ở bên mình mà quên rằng cụ đã qua cái ngưỡng… cửu thập cổ lai hy.

Tạm gác mọi công việc, anh về với cụ Đẹ tại Hải Dương, bắt đầu chuyến hành trình dài nghiên cứu một trong những thể loại âm nhạc cổ nhất của người Việt. “Thú thật, chưa có ai hỏi tôi nhiều như anh”, nắm tay anh Hiền, cụ tần ngần tâm sự sau buổi làm việc đầu tiên. Từ trước tới nay, mong ước lớn nhất của cụ là có thể trao gửi lại những kiến thức về ca trù cho thế hệ sau, song không nhiều người nồng nhiệt đón nhận. Cũng may có người học trò là anh Phạm Đình Hoằng - vốn là một họa sĩ tự do đã ròng rã theo cụ 7 - 8 năm trời. Duyên tiền định nghề tổ còn đưa Hoằng đến mối lương duyên với ca nương trẻ Vũ Thùy Linh, cũng là người tận tâm với nghề, chị là học trò của nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc. Nhưng điều anh Hoằng học chủ yếu là các ngón đàn và bài bản của cụ Đẹ, còn những ký ức cùng kho tàng kiến thức âm nhạc sâu xa về trình thức hát cửa đình năm xưa?

Những tâm sự của cụ Đẹ trong buổi chiều tà khiến lòng người chạnh lại. Buồn cho cụ, buồn cho ca trù. Trước đó, sự ra đi của nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc cũng có nghĩa là những ký ức ca trù cũng biến mất cùng bà. Hôm sau, từ biệt ông, nhà nghiên cứu thẳng tiến về Hải Phòng, tiếp tục cuộc điền dã với nghệ nhân Nguyễn Thị Chín, một lão đào nương đã tròn cái tuổi 90 ở đất cảng. Nhân đó, cũng thử thuyết phục CLB Ca trù Hải Phòng một chuyến.

Thuyết phục

Chuyện thuyết phục một nhóm ca trù dành thời gian và tâm sức theo học cụ Đẹ toàn bộ trình thức hát cửa đình cổ không hề đơn giản. Bởi, muốn học phải cần tiền. Chi phí cho thầy, chi phí cho trò, chi phí đi lại, rồi còn chuyện dựng lại nghi thức rất công phu và tốn kém. Vậy biết làm sao đây? Lấy gì để thuyết phục đây? Bộn bề… nhưng cứ thử liều một phen xem sao?

Gặp chị Đỗ Quyên - NSƯT, chủ nhiệm CLB Ca trù Hải Phòng vào buổi chiều muộn. Chị vừa đi tỉnh xa về, nhưng chỉ nhắc tới ca trù, dù mệt chị vẫn đến ngay để gặp. Khi nghe kể về trình thức hát cửa đình, chị sững sờ cho hay, “Chị cũng nghĩ đến việc này lâu rồi, song bộn bề quá nên cũng gác lại”. Chị cũng chia sẻ nguyên nhân về những khó khăn tài chính, thời gian, nhưng sau khi nghe nhà nghiên cứu đưa ra cái lý - nhỡ có chuyện gì với người già thì hối cũng không kịp, phải tiến hành ngay với bất cứ giá nào! Vậy là chỉ nội nhật hôm sau, chị Quyên đã tập hợp CLB lại họp bàn và ra quyết định, rằng họ sẽ về xin học cụ Đẹ trong mấy ngày tới. Nhà nghiên cứu trở về Hà Nội, nửa mừng, nửa lo. Mừng vì có người đồng cảm, lo vì không biết liệu nhiệt huyết thôi có đủ?

Đúng ngày hẹn trời nổi bão lớn. Những tưởng thế nào đội ca trù cũng tạm gác chuyến đi. Ai ngờ, chiều hôm đó, chị Quyên gọi điện thông báo là đang ở nhà cụ Đẹ thưa chuyện và xin phép. Chị cười quả quyết, “Bão cũng phải về, ca trù Hải Phòng đã hẹn với cụ rồi mà”.

Hồi sinh Hát cửa đình người Việt ảnh 1

Múa bỏ bộ kết thúc chầu hát cửa đình.

Đơm hoa kết trái

Cũng từ ngày mưa bão ấy, cứ hai buổi một tuần, những đào, kép chủ chốt của ca trù Hải Phòng lại dắt díu nhau về Hải Dương xin cụ Đẹ chỉ dạy. Sau mỗi buổi học, cả nhóm về Hải Phòng ôn luyện và hướng dẫn lại cho những đào nương trẻ. Chứng kiến quá trình tập luyện của các đào, kép thật nhiệt tình và nghiêm túc, cụ Đẹ cười bảo: “Chúng nó học như ăn cướp của tôi. Nhưng được ăn cướp như thế này thì tốt quá rồi. Tôi nhớ được bao nhiêu thì dạy lại hết bấy nhiêu!”. Nghe giọng cụ đầy phấn chấn mới thấy niềm vui của nghệ nhân già chẳng còn gì bằng. Anh Hoằng học trò của cụ cũng về Hải Dương vào một buổi tập. Từ lâu, anh đã xin phép cụ ghi chép lại trình thức hát cửa đình, song sức người có hạn. May thay, CLB Ca trù Hải Phòng dường như đã hiện thực hóa mong ước của anh. Bởi muốn phục dựng lại chầu hát cửa đình, đòi hỏi và có đủ quân số đào kép múa hát, diễn xướng.

Ngày 14-11-2014, sau hai tháng miệt mài học tập, đã đến kỳ báo cáo bước đầu. Còn nhớ hôm đó, sáng sớm vợ chồng anh Hiền từ Hà Nội về nhà cụ Đẹ, thấy sân dựng rạp bèn hỏi “Ông dựng rạp làm gì thế ạ?”. Cụ tủm tỉm cười “À, tôi cưới vợ bốn ấy mà!”. Cụ Đẹ vẫn hóm hỉnh như thế đó. Hẳn cụ rất đỗi mừng vui vì buổi gặp mặt các học trò lần này!

Lễ báo cáo diễn ra vừa tình cảm, vừa trang trọng. Bên cạnh những đào, kép chủ chốt còn có các đào nương trẻ. Vì vừa sinh em bé nên họ dẫn theo cả chồng con. Vừa bú mớm cho con xong, họ liền chạy vào để bắt đầu phần diễn xướng của mình. Nhìn những đào nương vừa ôm con trong lòng, vừa chỉ cho đứa trẻ xem phần biểu diễn của những đào, kép khác mới thấy họ nhiệt tình và yêu nghiệp ca trù đến chừng nào!

Từ ấy đến nay đã gần ba tháng để tiếp tục luyện rèn. Ngày 14-1-2015, CLB Ca trù Hải Phòng chính thức ra mắt lễ phục dựng lại trình thức hát cửa đình người Việt tại đình Kênh, Hải Phòng. Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ và vợ chồng học trò Phạm Đình Hoằng cũng tham gia một phần vào buổi hát. Đó không đơn thuần là một buổi biểu diễn mà là “trái ngọt” của một quá trình rèn luyện nghiêm túc, nhiệt tình của những đào kép đất cảng.

Nhìn lại quãng thời gian hơn 100 ngày ròng rã mới thấy cái duyên với ca trù thật cảm động. Không một chút vụ lợi, không một dự án hỗ trợ, chỉ là nhờ những cung bậc cảm xúc mà trình thức hát cửa đình người Việt thời đầu thế kỷ 20 đã được hồi sinh. Nếu không có sự nhiệt huyết của CLB Ca trù Hải Phòng, không có sự tận tụy gửi trao của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ thì liệu mọi việc có thành công? Quả thật, với ca trù chữ “duyên” và chữ “tâm” đáng giá lắm thay!