Người tập kết ra bắc những năm 1954 - 1956, sau ngày thống nhất vào nam mang theo những ký ức mùa đông lạnh giá và mùa xuân của sự hồi sinh. Họ vẫn kể về mùa đông ngoài đó lạnh sâu đến nỗi gạch lát nhà cũng lạnh. Chạm vào nhau thì ấm, chạm vào núm cửa lạnh tái tê. 40 năm đất nước thống nhất, cũng ngần ấy năm họ trở về miền nam. Mới đó mà đã thành kỷ niệm, một thời khó quên sống trên đất bắc.Đất nước liền một dải, nhiều người bắc vào nam sống, làm việc. Qua tháng ngày tưởng dài mà cũng chẳng bao lâu, cái Tết lại chạm vào nỗi nhớ. Những năm trước đường về xa xôi, tàu xe khó kiếm, cùng hoàn cảnh gia đình chưa thoát khỏi lo toan. Họ ít về quê và cái Tết đối với họ là lục lọi trong ký ức, trong tâm tưởng nửa đêm xóm quê họp chợ, một chiều cha mẹ vẫn đợi tin con đi lính xa nhà. Bà Nguyễn Thị Phương (phố Khuông Việt, phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) nói vậy. Nay, bà tính, mỗi ngày tiết kiệm 10 nghìn đồng thì đã có cái Tết sum vầy quê cũ. Về trước rằm, đi sau rằm thì giá vé cũng dễ chịu. Quê của bà Phương ở thôn Sơn Lai, xã Sơn Thu, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Bà Phương rời quê khi đã năm mươi tuổi, vào đây, bao nhiêu những khó nhọc thân thương ngoài đó cũng theo vào. Bà nhớ đến những cái Tết bận rộn, lo toan: “Nhà tôi có bảy đứa con, ông nội và vợ chồng tôi thành mười người. Mỗi năm, Tết đến, tôi đong 15 đấu gạo nếp (bằng 21 kg gạo), ba đấu đỗ cùng thịt mỡ gói bánh chưng. Tỷ lệ, năm gạo một đỗ như vậy. Mỗi cái Tết tằn tiện cũng phải có 15 cân thịt lợn, gà mấy con nuôi trong chuồng. Rau cỏ thì nhà trồng được, thiếu thì đổi cho xóm làng”…
Cái Tết của bà Phương là một thời xa lắm mà giờ ít người hình dung ra. Chị Liên bán bún chả Hà Nội tại hẻm 92, đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3, TP Hồ Chí Minh) thì được hưởng những cái Tết sau này của một thời mà Hà Nội sung túc, miền bắc đi lên. Nhà chị Liên ở đường Tản Đà ven hồ Trúc Bạch. Chị vào Sài Gòn vì lý do riêng tư. Nếu đến hàng của chị sớm một chút hoặc muộn một chút, lúc này ít khách sẽ được chị khuyến mãi một chén trà nóng đậm chất bắc. Và nghe chuyện Tết ở Hà Nội còn nguyên xi trong nghĩ suy. Năm nào chị cũng làm các món ăn ngoài bắc để biếu các gia đình trong nam. Chị nói, nhớ thì làm. Làm để ôn lại, làm để nguôi quên chuyện đi về. Nhưng chỉ có hơn một giờ bay, sao chị lại không ra? Chị bảo, ra đó sẽ chạm vào tất cả những gì thân thương nhưng cũng gợi lại trong nội tâm điều mình không muốn nhớ. Và giờ đây, bao năm rồi, Tết đến với chị bằng những đan xen, nào là bánh tét, lạp xường… của người nam cho. Trong nắng ấm Sài Gòn, cái Tết qua nhanh, nhanh lắm.
Với những người còn trẻ như chúng tôi, ngày gần Tết, sau giờ làm là tập trung ở quán cà-phê chỉ để nhắc đến chuyện về, chuyện ở. Về thì không can ngăn, ở lại thì phải xác định rõ ràng. Đó là cảnh trông mưa, thèm lạnh. Mặc dù sắm một cái Tết với hương vị bắc không khó ở Sài Gòn. Ra siêu thị Hà Nội trên đường Cống Quỳnh có đầy đủ. Giò chả Ước Lễ, bánh chưng Tranh Khúc, rượu Làng Vân, trà Tân Cương, chè kho, thịt đông, bánh đậu xanh Rồng Vàng, mứt sen Hưng Yên… Ngày 30 Tết trôi đi chầm chậm trong cái nắng hơn ba mươi độ. Thời tiết khác biệt ném con người ta vào khoảng trống với những kỷ niệm. Nhớ những năm quất ế, đào trơ, nhạt duyên hoa kiểng. Lại nhớ người dắt xe quất, đào dạo phố, càng đi càng lỗ vốn, thời gian ủng hộ người mua.
Và cũng lũ trẻ chúng tôi ngồi phân tích cái Tết Sài Gòn có người nam, kẻ bắc. Họ gắn kết với nhau như “xóm phố”. Với người miền nam, ngày Tết là dưa kiệu, thịt kho, lạp xường… đón xuân. Người miền bắc, trong tâm tưởng, dẫu chỉ có vài ngày để thưởng thức hương vị cũng đủ để ấm áp suốt năm dài. Và họ chuẩn bị thật chu đáo. Họ gói bánh chưng, mua thịt thủ gói giò xào, kho nồi cá, nấu nồi thịt đông. Hẻm Sài Gòn râm ran chuyện kể Tết ngoài, Tết trong. Nhưng mùa đông không bao giờ đến với Sài Gòn. Và thiếu những cơn mưa phùn ẩm mái tóc, ướt bàn tay.
Hơn một giờ bay để trở về với cái Tết lạnh mà ấm áp. Hay cũng ngần ấy thời gian để đến với một cái Tết rất “đặc sản” Sài Gòn. Và ở đây, ngày mồng một bạn cứ yên tâm, trời vẫn nắng.