Bánh bó chặt lắm tình quê

Có một thứ bánh tên gọi dân dã mà khi ăn rồi sẽ nhớ mãi cái dẻo thơm của nếp, cái sừn sựt của dừa, thơm của gừng và ngọt giòn của cà rốt. Ấy là thứ bánh mà quê ngoại tôi, Quảng Ngãi, vẫn thường làm mỗi độ xuân về để đặt lên bàn thờ tổ tiên và mời khách.

Bánh bó chặt lắm tình quê

Có thể bạn sẽ hỏi bánh bó có hương vị như thế nào? Xin thưa, bánh bó khá giống loại bánh dẻo hay bán vào dịp Trung thu. Thế nhưng, nếu như nhân bánh dẻo là đậu xanh, hạt dưa, bí, thì bánh bó lại mang một hương vị khác. Thơm ngon hơn nhiều.

Nguyên liệu để làm bánh bó thường là gạo nếp, gừng, dừa và cà rốt. Để quyết định cho chất lượng của bánh thì gạo nếp trước đó phải được rang lên, xay mịn và phơi qua ba lần sương đêm. Kỳ công như vậy, nên hương vị của bánh dường như có cái ngọt mát của khí trời quyện vào. Các nguyên liệu còn lại được nạo thành những sợi nhỏ, rửa sạch và luộc chín. Sau đó, mẹ tôi đặt xoong lên bếp rồi bắt đầu sên đường. Đợi xoong nóng lên, mẹ đổ một ít nước vào xoong, rồi cho đường vào khuấy, đến khi đường có độ dẻo vừa phải thì dừng. Đường sên đặc sệt, dẻo quẹo, thơm ngào ngạt khi mẹ trộn dừa và cà rốt vào.

Nếu dừa cho vị béo, cà rốt mang đến vị ngọt thì gừng chính là thành phần làm cho bánh có mùi thơm. Gừng được giã lấy nước cốt và được đổ vào trong quá trình sên đường.

Chờ cho đường sên nguội, mẹ chia bột nếp ra thành từng nhúm vừa đủ để làm một cây bánh. Để bánh thành hình, mẹ rưới đường sên lên bột nếp và bắt đầu nhào. Đường sên có độ dẻo và ướt quyện với bột nếp thành những tảng bột dẻo đeo. Nếu muốn bánh thêm ngon và béo, người quê tôi có thể trộn mè đã rang vào bột nếp và nhào. Sau khi được nặn thành những thỏi dài vuông hoặc tròn, mẹ lăn những cây bánh trên bột nếp xay mịn để thân ngoài của cây bánh được khô. Rồi mẹ cẩn thận lấy lá chuối bọc chúng lại và xếp vào khay. Vậy là, chiếc bánh bó “ra lò”. Vì làm thủ công, không có khuôn nên bề mặt của bánh có phần xù xì chứ không nuột nà, trơn mịn. Thế nhưng khi đã nhón tay lấy một lát bánh và đưa lên miệng thì không thể không tấm tắc bởi cái hương vị rất đặc trưng của nó.

Những ngày Tết, mỗi khi khách tới nhà, mẹ sẽ lấy cây bánh ra, cắt thành từng khoanh nhỏ, xếp ra đĩa và mời khách. Người cùng quê Quảng Ngãi thì rưng rưng xúc động bởi không ai nghĩ rằng ở cái xứ núi Tây Nguyên thênh thang này được gặp thứ bánh dân dã mà đậm tình quê. Mỗi lát bánh như ngọt ngào hơn, dẻo thơm hơn và dường như lát bánh ấy cũng làm vơi bao xúc cảm nhớ quê.