Nhớ người đẹp trong tượng cổ

NDO -

Hình như đã từng có một thế giới người đẹp thời xưa, đã trở về trời. Hình như đã có một thời, người sống cùng với tượng, trong cõi nào không biết.

Tượng ở chùa Dâu. Tranh: TRẦN DUY
Tượng ở chùa Dâu. Tranh: TRẦN DUY

Đêm, chợ hoa Long Biên. Mưa xuân, gió thổi dạt dào, đèn vàng buồn bã. Hoa cúc từng bó lớn sũng nước. Mấy chị hàng hoa áo mưa, nón lá, mắt nhìn thăm thẳm. Trong ánh chớp, mây đêm phảng phất mầu khói hương. Thấp thoáng những đôi mắt như mắt Phật Bà. Lại nhớ ngày nào còn trẻ đi làm phim “Bí ẩn những pho tượng cổ”, cùng nhóm quay phim sống chung với tượng ở trong chùa. Giữa chợ hoa đêm, tưởng như gặp lại hồn người xưa, chợt nhớ bâng khuâng hình bóng người đẹp trong tượng cổ.

Tượng cổ phần lớn là những tượng Phật nhưng trong số đó cũng có tượng những người nguyên mẫu là những người có thật trong lịch sử, trong đời thường. Thế kỷ 18, trong các đình chùa, có khoảng ba triệu pho tượng, một mật độ điêu khắc lớn bậc nhất thế giới. Đến nay, không biết còn khoảng bao nhiêu?

Bước qua ngưỡng cửa lối vào hậu cung chùa Dâu, mờ tối, lốm đốm lửa hương trên các bệ thờ. Tượng Bà Đỏ, hệt như người thật, tóc chải mượt hai bên, mặt hiền, thoáng nét nhăn nơi trán, miệng còn như đang muốn nói điều gì. Tương truyền Bà xuất thân là một người đàn bà ở quê, khéo nuôi con, làm vú nuôi cho Chúa Trịnh khi Chúa còn bé, khi mất, Bà được tạc tượng phong làm Á thần.

Đối diện với tượng Bà là tượng một Á thần nữa, tục gọi là Bà Trắng, không rõ huyền tích nhưng đẹp mê hồn, tấm thân để trần, một tay giơ cao trước mặt, một tay hạ thấp gần đùi, cặp môi mọng đầy truyền cảm. Người xưa đẹp mà gợi hồn đến như vậy, thật hiếm có!

Tượng Ngọc Nữ vấn khăn, bưng cơi trầu thoáng như hình bóng những người đẹp đất quan họ thời xưa hiện về, “váy Đình Bảng buông chùng cửa võng”, xiêm áo dường như còn phảng phất mùi hương thầm lặng.

Các Bà Hoàng thời xưa là những người đàn bà đẹp đoan trang, hiền thục, ít có người tinh quái, sắc sảo. Chùa Mật - Thanh Hóa thờ Vua Lê Thần Tông và các Bà Hoàng vợ Vua. Các Bà đều hiền, vẻ mặt thật thà, kể cả Bà Hoàng người Hà Lan cũng không có vẻ gì là một “bà đầm” nước ngoài. Thế sự phong trần, xiêm y, áo mão cũng phai mờ những nét vàng son lộng lẫy. Các Bà vẫn chung thủy ngồi cùng với tượng Đức Vua, trên bệ thờ cũ kỹ, mấy trăm năm nay ở chùa làng.

Các Công chúa thời xưa ít để lại những chân dung trong tượng cổ. Chùa Lý Quốc Sư - Hà Nội có tượng hai Công chúa thời Lý, dáng cao gầy, nom sùng tín, nghiêm nghị. Bức phù điêu trên bia đá ở chùa Thầy (Hà Nội), chân dung Minh Châu công chúa phảng phất nét đẹp cung đình.

Tượng Bà Chúa Mụa bằng đá phủ sơn trong một ngôi đền ở Hải Dương có nét đẹp kiêu sa hiển hách, khác với vẻ đẹp của pho tượng cung phi ở chùa Bút Tháp, nom giản dị, hiền lành, vẻ như cam phận.

Tượng chân dung Quận chúa Lê Thị Ngọc Duyên, trong khói hương mờ ảo, nom trẻ trung, hiền hậu, thoảng nét thơ ngây với chiếc mũ dường như quá rộng, đặt một cách hồn nhiên trên khuôn mặt đẹp, làm người ta dễ gần.

Một buổi chiều mùa đông, sương mù bao phủ cánh đồng, đi qua những thửa ruộng rau cải đang trổ hoa vàng, ghé vào làng Dinh Hương, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, giật mình trước tượng đá một người hầu gái, đôi bàn chân đất, ngập trong lá khô, tưởng như người này mình đã gặp ở đâu, trong cõi thật hay cõi ảo? Năm 1985, làm phim “Vũ nữ Trà Kiệu” ở Mỹ Sơn, cũng có một cảm giác như thế, trước những phù điêu tượng Apsara còn lại giữa thung lũng hoang tàn.

Hình như đã từng có một thế giới người đẹp thời xưa, đã trở về trời. Hình như đã có một thời, người sống cùng với tượng, trong cõi nào không biết. Hình như… nếu không, sao đến giờ vẫn còn bâng khuâng nhớ những người đẹp trong tượng cổ?…