Giấc mơ mùa xuân mặt nước

Hình dung của người dân các thôn xã Sài Sơn về những tiết mục rối nước được chính “nghệ sĩ” làng mình, xã mình biểu diễn trong hội xuân chùa Thầy năm nay, chắc sẽ hiện ra, chân thật và rạng rỡ trên mặt nước ao rồng.

Một buổi tập của phường rối.
Một buổi tập của phường rối.

Ước nguyện trăm năm

Nhiều người vẫn cứ lạ về chuyện Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội có chùa Thầy thờ Đức Từ Đạo Hạnh, tương truyền dạy nghề rối nước cho dân, có ao rồng nơi tọa lạc thủy đình cổ nhất Việt Nam, nhưng ngày hội chùa mồng 7 tháng 3, những tiết mục rối nước diễn ở đây, lại không phải do những người sống dưới chân núi Thầy thực hiện.

Đều đặn vào dịp lễ trọng, phường rối nước làng Ra ở xã Bình Phú, Thạch Thất cách đó bảy cây số, lại về ao rồng biểu diễn phục vụ bà con Sài Sơn và khách bốn phương. Ông Nguyễn Nho Trụ, tuổi bát thập, người thôn Thụy Khuê của Sài Sơn đã có mấy chục năm làm cán bộ văn hóa huyện hồi tưởng, từ lúc biết xem rối nước ông đã thấy thế rồi. Chỉ nghe các cụ kể lại, khi xưa lắm, nhà chùa với dân làng có dành một mẫu ruộng để trồng lấy hoa lợi cho phường rối sở tại, các thức chi tiêu chủ yếu đều lấy từ mẫu ruộng ấy. Sau này vì lý do nào đấy, mẫu ruộng được chuyển cho phường rối nước làng Ra. Hưởng ruộng tức là có nghĩa vụ diễn rối vào ngày hội cho toàn dân xem.

Cho nên, người ta coi ao rồng của Sài Sơn, ruộng trước của Sài Sơn, nhưng Bình Phú diễn, thì cũng như Sài Sơn. Tuy một mà hai, tuy hai mà một cả thôi! Chỉ có điều, không hiểu có phải vì “câu chuyện tương truyền” ấy mà bao nhiêu lớp người đất Sài những năm qua, không thấy quê mình có phường rối nào. Và mong mỏi âm thầm về một cuộc trở lại, để những con người Sài Sơn cùng con rối hát và diễn trên mặt nước quê mình, cho làng mình, cho họ mình, nhà mình xem, vẫn là một giấc mơ.

Nhưng cũng lạ về cơn đằng đẵng như thế, nhất là khi đời sống đã khấm khá hơn từ sau những năm đổi mới, việc tái hiện một “phường rối tương truyền” của người Sài Sơn cũng không thấy hiện thực hóa. Cho đến khi…, tận năm 2014, khi những ý tưởng từ địa phương gặp ý tưởng của các nghệ sĩ và sự khích lệ của các nhà tu hành sở tại, nhất là Đại đức Thích Trường Xuân - trụ trì chùa Long Đẩu trong quần thể thắng tích chùa Thầy, người ta mới nghĩ lẽ ra… NSƯT Chu Lượng - Phó Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long góp phần công quả - về truyền nghề cho phường rối nước chùa Thầy mới thành lập gồm gần 30 người của đội văn nghệ, đội nhạc lễ địa phương.

Đã truyền nghề rối đến nhiều nơi, và rối “made in Chu Lượng” cũng được nhiều đơn vị nghệ thuật ưa chuộng, lần này ông Lượng tặng nguyên một bộ cho các “nghệ sĩ nông dân”. Ông nói riêng, có thể tương lai, việc diễn rối sẽ phục vụ tham quan, du lịch, giao lưu văn nghệ… một cách chính đáng, nhưng trước hết, tôi chỉ mong khi bước vào thủy đình, hòa mình trong nước, hóa thân thành con rối, thì mục đích của việc ấy không bắt nguồn từ sự vụ lợi nào cả, mà hãy từ chính niềm say mê, từ ước mơ của mọi người.
Giấc mơ mùa xuân mặt nước ảnh 1

Ao rồng chùa Thầy.

Chuyên nghiệp cũng không có được…

Tin về những tiết mục rối nước sẽ được chính những người con của Sài Sơn diễn tại thủy đình ao rồng được loan ra, khiến trong xóm, ngoài thôn người ta phấp phỏng. Chị Nguyễn Thị Thắm, người thôn Thụy Khuê, bình thường trồng vườn, thả ao cá, đi chợ, thỉnh thoảng đi diễn cho hội, cho chùa trong vùng, phục vụ cả đám cưới. Vừa “trèo” ra khỏi bể nước được xây “cấp tốc” trong khuôn viên nhà văn hóa, bộ quần áo diễn viên bằng vải nhựa nước còn chảy ròng ròng, mặt đỏ bừng sau khi “quần thảo” với cây sào và những con cá gỗ, chị hào hứng: Nhiều người hỏi han lắm, lại còn bàn tán nữa! Xã tổ chức chương trình này, chúng em đã có gốc đi hát, đi diễn, con người nó mạnh bạo hơn, bây giờ được điều khiển con rối, phấn khởi lắm! Ngay buổi đầu tập, trong lòng đã mở ra nhiều điều, chứ xưa nay vẫn xem mà có biết đâu!

Chị Nguyễn Thị Hiền cùng thôn, là công nhân khu công nghiệp, biết hát, biết ngâm thơ, diễn kịch, cả buổi miệt mài đưa, đẩy, lượn con rồng, con trâu cày theo hướng dẫn của “thầy” Quốc Khanh, chắc không nghĩ có một ngày tự mình lại cầm lấy cái sào rối, cứ vừa tập vừa cười mủm mỉm. Ai cũng cười sung sướng với con rối trên mặt nước như thế, từ chị trung niên “vặn vẹo” cho con cá bơi hình chữ chi đến bác đầu bạc hết cả hơi cho rồng… phun nước. Bởi con rối mơ ước đi từ tuổi thơ của họ cho đến tận bây giờ. “Thầy” Quốc Khanh cũng ở rối Thăng Long, về hỗ trợ “thầy” Chu Lượng trong công trình dấu ấn này, đã nhiều lần cộng tác dạy rối cho Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội và các tỉnh, tỏ ra thích thú: Tôi làm việc chủ yếu với sinh viên và các diễn viên chuyên nghiệp. Thật ra thì chuyên nghiệp họ nhanh hơn. Nhưng bà con nông dân lại thừa tính chịu khó, kiên nhẫn, là những điều kiện cần cho múa rối nước. Bà con lại thể hiện đúng câu chuyện của mình là đồng áng, trâu cày, cá tôm, vịt gà với con rồng trên đình, con phượng trên cột… cùng các nhân vật nông dân là chú Tễu hay ông bà lão chăn vịt... Mầu sắc ấy, tình cảm ấy là của chính họ, những điều mà chuyên nghiệp không thể có được.

Bởi thế mà như gọi lại tên mình, tên của cộng đồng mình, nhiều đêm ông Nguyễn Nho Trụ, trưởng phường ngủ rất muộn, có khi đang lim dim, tự dưng nghĩ ra ý nào đó lại ngồi dậy cầm lấy bút, giấy. Ông đang soạn lời bài ca theo các làn điệu chèo, quan họ để cho con rối “hát”, sao cho ra được “chất” của Sài Sơn. Chắc sẽ phải nhắc đến núi Thầy, chùa Thầy, Đức Thánh Từ, rồi gốc gác rối nước ở đây nữa, hay có thể chỉ những lời ca nói về cảnh đẹp ruộng đồng, làng xóm là đủ? Lại còn những lời ăn tiếng nói đặc trưng, những câu cửa miệng của người Sài Sơn nữa? Nhiều điều muốn nói quá, ông hơi ngợp, nhưng ngợp vì hân hoan! Còn chị Nguyễn Thị Thắm, phó đội văn nghệ chùa Thầy hát đã hay, nhưng đẩy sào rối cũng dẻo thì ngẫm nghĩ, kể ra nếu cả đội nhạc và ca ngồi trên bờ, mình ăn mặc đẹp, hát lời con rối để mọi người nhìn thấy thì cũng thích. Nhưng nếu vừa đẩy rối lại vừa hát ở trong mành thì dẫu không ai thấy, lại có cái hay riêng.

Suy nghĩ này chắc còn theo chị lâu lâu… Và phường rối chùa Thầy chắc còn nhiều đêm khó ngủ vì giấc mơ mùa xuân mặt nước của mình.

Anh Nguyễn Văn Minh, người thôn Khánh Tân, thành viên đội nhạc lễ chùa Thầy chia sẻ: Hằng năm vào hội, chúng tôi chơi nhạc khi lễ, khi rước… Diễn rối nước tôi đều xem nhưng không hiểu lắm, nhưng xem nhiều không hề thấy nhàm mà vẫn cứ thích. Bây giờ các cụ lập ra phường rối, tôi sẵn sàng mang tâm đi phục vụ. Chắc chắn ngày hội xuân tới, người dân sẽ hào hứng lắm!