Thời của Gen Z
Thế hệ Gen Z đang dần thay thế lực lượng lao động hiện nay, nhất là tại các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại Việt Nam, số lượng thế hệ Gen Z trong độ tuổi lao động (từ 15 tới 24 tuổi) vào năm 2019 là khoảng 13 triệu người. Tới năm 2025, Gen Z dự kiến sẽ đóng góp vào một phần ba lực lượng trong độ tuổi lao động tại Việt Nam và sẽ có ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động trong nước.
Với đặc điểm là thế hệ sinh ra khi internet đã phát triển mạnh mẽ, Gen Z được nhìn nhận là thế hệ kỹ thuật số khi phần lớn các hoạt động hằng ngày của họ đều xuất phát từ internet. Vậy nên, thế hệ này có niềm tin tuyệt đối vào công nghệ sẽ giải quyết các vấn đề mà họ gặp phải. Theo bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Talentnet, một người tiếp xúc với nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z trong và ngoài nước, thế hệ này có những điểm khác biệt là thẳng thắn, hiểu bản thân, minh bạch với tư duy mong muốn thu nhập tương xứng với công sức bỏ ra và cuối cùng là mạnh tay chi tiêu, hưởng thụ vì đây là cách nhóm này cân bằng cuộc sống. Khác với thế hệ trước ưa chuộng sự ổn định trong công việc và cuộc sống, Gen Z đề cao sự trải nghiệm, mong muốn được thử sức ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tất nhiên, những cá tính này, nếu không kiểm soát tốt, dễ trở thành "con dao hai lưỡi" với Gen Z.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Trưởng Bộ phận Tuyển dụng, Adecco Việt Nam, đánh giá cao về khả năng tiếp thu công nghệ nhanh giúp thế hệ này rất chủ động và độc lập trong công việc. Đây cũng là thế hệ không ngại mắc lỗi và chịu học hỏi từ những sai lầm đó. Báo cáo của Ernst & Young nghiên cứu qua 1.400 người thuộc Gen Z cho biết, phần lớn (97%) đều sẵn lòng nhận phản hồi liên tục hoặc sau khi hoàn thành một dự án lớn hoặc nhiệm vụ và 63% số người tham gia khảo sát ưa thích nhận phản hồi xây dựng kịp thời trong suốt năm.
Thế hệ lao động trẻ này luôn kỳ vọng được làm việc ở nơi mà họ được tôn trọng, được học hỏi và phát huy sáng kiến. Theo Công ty cổ phần Anphabe, lao động trẻ ngày nay không chỉ làm việc vì chất lượng của sản phẩm, dịch vụ mà còn xem xét những giá trị đạo đức, tính thực tiễn và giá trị cho khách hàng, cộng đồng. Do vậy, họ không ngần ngại thể hiện những cá tính mạnh, đòi hỏi nhiều hơn và có những yêu cầu rất khác biệt khiến nhiều nhà tuyển dụng bối rối.
Phép thử "đào thải, sa thải"
Tuy nhiên, cùng với nhiều lực lượng lao động khác, Gen Z đang phải đối mặt với tình trạng đào thải, sa thải đang diễn ra khốc liệt trên thị trường lao động. Theo báo cáo xu hướng nhân sự nửa đầu năm 2023 được Anphabe công bố, từ tháng 9/2022 đến tháng 5/2023, trung bình cứ 10 doanh nghiệp Việt Nam thì có ba doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự với quy mô khác nhau để giảm chi phí. Điều này khiến cho 13% số lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão sa thải. Đây là kết quả dựa trên khảo sát từ hơn 6.000 lao động, phỏng vấn 30 CEO và 120 giám đốc nhân sự.
Theo các chuyên gia phân tích, đào thải, sa thải trên thị trường lao động khi nền kinh tế gặp khó khăn là chuyện bình thường. Nhưng đây cũng chính là phép thử để người lao động và doanh nghiệp cùng phải trưởng thành hơn. Bị sa thải có thể giúp người lao động hiểu về thị trường lao động tốt hơn và có sự điều chỉnh thích hợp.
Còn từ phía doanh nghiệp, độ hóc búa của bài toán nhân sự còn đến từ đặc tính thích "nhảy việc" của một bộ phận Gen Z. Khảo sát của Công ty cổ phần Anphabe cho thấy, 62% số lao động thế hệ Gen Z nhảy việc ngay trong năm đầu tiên, thậm chí nhiều người nhảy việc vài lần trong năm đầu khi ra trường. Họ không thích sự gò bó, ràng buộc nên theo đuổi ước mơ khởi nghiệp thay vì trở thành nhân viên ở một công ty nào đó. Khảo sát chỉ ra nhu cầu sử dụng lao động tự do tại các doanh nghiệp Việt khá lớn khi 55% số người đi làm cho biết công ty họ đã hoặc đang hợp tác với nguồn nhân lực mới này theo nhiều hình thức.
Gắn bó nhiều năm trên nền tảng cung cấp không gian làm việc số, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Giám đốc tăng trưởng Công ty cổ phần Công nghệ Gapo (GapoWork) cho rằng, hiện tượng nhảy việc phổ biến của lao động trẻ có một phần đến từ chính doanh nghiệp. Nguyên nhân là do lao động trẻ thường kỳ vọng rất nhiều về nơi làm việc của mình; họ cần một lãnh đạo có tầm và có tâm, một doanh nghiệp có định hướng phát triển đột phá. Do vậy, khi thất vọng, lao động trẻ sẽ chọn cách rời đi để tìm nơi phù hợp hơn.
Thế hệ Gen Z chú trọng tìm kiếm môi trường làm việc thoải mái, giàu tính sáng tạo. Nguồn: VNG |
Trang bị kỹ năng trước cơ hội mới
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo, trong những năm tới, số lượng việc làm mới do quá trình chuyển đổi số tạo ra sẽ nhiều gấp bảy lần so số việc làm bị mất đi. Đến năm 2045, ước tính sẽ có khoảng 10 triệu việc làm mới được tạo ra, chủ yếu trong các ngành dịch vụ hiện đại và một số lượng việc làm mới trong lĩnh vực sản xuất.
Cơ hội luôn đi kèm với thách thức khi thị trường lao động luôn có sự cạnh tranh khốc liệt. Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Talentnet cho rằng, tuy hiện nay một số ngành đang phải chịu ảnh hưởng bởi kinh tế gặp khó khăn nhưng trong thời gian tới đây vẫn là môi trường có nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn. Người lao động Việt Nam, nhất là Gen Z, thừa sức có thể chọn các doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp trong khu vực ASEAN và các doanh nghiệp tại Việt Nam. Bởi vì các doanh nghiệp này cũng đang áp dụng cơ chế linh hoạt với ba nguồn lực lượng lao động chính, là: nhân sự cố định; nhân sự linh hoạt, làm việc bán thời gian, làm trực tuyến, làm việc tự do, thực tập sinh và cuối cùng là thuê nhân sự bên ngoài. Những vị trí công việc này tuy không quá mới mẻ nhưng chắc chắn phù hợp với Gen Z.
Để tạo được ấn tượng trong mắt các nhà tuyển dụng, bà Trinh đưa ra mô hình: "A-B-C-D-E-F". Tức là bao gồm các yếu tố mà người trẻ cần trau dồi như: Agility (nhanh nhạy), Business mindset (hiểu kỹ ngành, lĩnh vực), Connection (kết nối), Digital (kỹ năng về kỹ thuật số), Empathy (thấu cảm) và Focus (tập trung cao độ). "Khi kỹ năng của bạn càng nhiều thì giá trị bản thân của bạn càng tăng và thu nhập sẽ cao hơn nữa", bà Trinh nhìn nhận, và lấy thí dụ: "Ngành bán lẻ hiện là lĩnh vực đang phát triển thần tốc tại Việt Nam. Vì vậy, người ứng tuyển vào lĩnh vực bán lẻ cần trang bị sự linh hoạt cùng kiến thức rộng mở về thị trường. Ngoài ra, tư duy phản biện cũng là một kỹ năng quan trọng để thúc đẩy bản thân tìm ra những ý tưởng sáng tạo hơn, phù hợp hơn".
Một lời khuyên ở hầu hết các nhà tuyển dụng dành cho Gen Z là nên tìm kiếm cơ hội việc làm từ khi còn đi học. Mục đích để bản thân có thêm trải nghiệm về lĩnh vực mình theo đuổi, từ đó có thể vạch ra lộ trình sự nghiệp trong vòng ba đến 5 năm tới. Đây cũng là một điểm cộng lớn giúp ứng viên nổi bật. Bên cạnh đó, việc nỗ lực, đặt tâm huyết vào công việc mình đang gắn bó cũng là điều quan trọng để tạo nên thành công trong hành trình của mỗi cá nhân Gen Z.