Trường hợp tử vong nghi do bệnh dại ở Đắk Lắk

NDO - Ngày 6/1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp tử vong nghi do bệnh dại xảy ra tại huyện Krông Ana. Đây là trường hợp tử vong nghi do dại đầu tiên trong năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Khi bị chó cắn, mèo cào cần tiêm vaccine hoặc huyết thanh kháng dại là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh dại.
Khi bị chó cắn, mèo cào cần tiêm vaccine hoặc huyết thanh kháng dại là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh dại.

Bệnh nhân là Y.N.H nam, sinh năm 2014, trú tại xã Băng A Drênh, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.

Trước đó, ngày 1/1, ở nhà bệnh nhân khởi phát các triệu chứng như nôn ói nhiều, người mệt, sợ nước, sợ gió, người nhà đưa bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện đa Thiện Hạnh, sau đó bệnh nhân được chuyển qua Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán bệnh dại giai đoạn toàn phát, theo dõi nhiễm trùng huyết. Đến 17 giờ 30 phút ngày 4/1, gia đình xin cho trẻ về nhà, bệnh nhân tử vong lúc 5 giờ ngày 5/1.

Theo người nhà bệnh nhân, cách ngày nhập viện khoảng 3 tháng, bệnh nhân bị chó nuôi trong nhà cắn vào cánh tay trái và không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại.

Ngay sau khi ghi nhận trường hợp tử vong nghi do dại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã nhanh chóng tiến hành điều tra ca bệnh, báo cáo theo quy định. Đồng thời thông báo thông tin trường hợp bệnh cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Krông Ana để phối hợp xử lý.

Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk tiến hành tư vấn cho người nhà bệnh nhân và truyền thông kiến thức phòng, chống bệnh dại cho gia đình và cộng đồng chung quanh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh ghi nhận bảy trường hợp bệnh nhân tử vong do mắc bệnh dại.

Bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh nên khi đã lên cơn dại, 100% người mắc bệnh đều sẽ tử vong nhanh chóng. Bệnh chưa có một phương pháp điều trị đặc hiệu nào.

Do đó, việc chủ động phòng bệnh bằng tiêm vaccine hoặc huyết thanh kháng dại sau khi bị chó cắn, mèo cào là việc làm rất quan trọng và cần thiết.