Công văn yêu cầu tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Kế hoạch phòng-chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản năm 2025.
Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn cơ quan chuyên môn các huyện, thị xã, thành phố giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dại trên động vật; quản lý đàn chó, mèo và triển khai tiêm vaccine phòng bệnh dại trên động vật; điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm và triển khai bao vây, khống chế, xử lý ổ dịch theo quy định.
Tăng cường phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong việc chia sẻ thông tin, truy vết, điều tra dịch tễ và xử lý ổ bệnh dại khi phát hiện có trường hợp người mắc bệnh dại do chó, mèo cào, cắn. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển chó, mèo ra, vào địa bàn tỉnh theo quy định.
Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động người dân đi điều trị dự phòng bệnh dại khi bị chó, mèo cào, cắn, đảm bảo tiêm đúng, đủ liệu trình, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người do bệnh dại.
Tham mưu tổ chức, bố trí đầy đủ các điểm tiêm phòng, vật tư, trang-thiết bị để điều trị dự phòng bệnh dại trên người tại các địa phương, đảm bảo mỗi địa phương cấp huyện có ít nhất 1 điểm tiêm phòng dại; tiêm vắc xin miễn phí cho các đối tượng theo quy định. Kịp thời chia sẻ thông tin các trường hợp người bị chó, mèo cào, cắn đi khai báo để được tư vấn điều trị, tiêm vắc xin và các trường hợp người tử vong do bệnh dại với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp xử lý.
Được biết, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước có 85 người tử vong do bệnh dại. Riêng tại Gia Lai có 9 ca tử vong.