Đắk Lắk phòng chống bệnh dại ở vật nuôi

Bệnh dại ở vật nuôi tại Đắk Lắk đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ y tế Đắk Lắk tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng chống dịch bệnh cho người dân.
Cán bộ y tế Đắk Lắk tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng chống dịch bệnh cho người dân.

Bệnh dại diễn biến phức tạp

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 5 người thiệt mạng do bệnh dại, trong đó huyện Krông Pắc 3 người, huyện Krông Búk 1 người và huyện Cư M’gar 1 người.

Tất cả những người tử vong đều không đi tiêm vắc-xin phòng dại sau khi bị chó cắn, mèo cào. Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 5 người chết do bệnh dại và khoảng 6.000 người bị chó cắn, mèo cào phải điều trị dự phòng, các trường hợp tử vong đều không tiêm vắc-xin phòng dại.

Bác sĩ Hoàng Nguyên Duy, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, nguyên nhân trực tiếp gây thiệt mạng do bệnh dại chủ yếu là bị động vật nghi dại cắn nhưng không tiêm vắc-xin phòng dại. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại trên đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có hơn 185.000 con chó, mèo. Năm 2024, ngân sách tỉnh chi mua vắc-xin tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo thuộc đối tượng ưu tiên là 40.853 liều, còn lại vận động xã hội hóa.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp 2.500 liều vắc-xin phòng dại cho các địa phương xảy ra dịch để tiêm bao vây. Bác sĩ Hoàng Nguyên Duy, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết, tình hình bệnh dại trên địa bàn tỉnh có chiều hướng diễn biến phức tạp do thời tiết đang trong giai đoạn “phù hợp” cho sự phát triển của virus dại trên động vật.

Đồng thời, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo chỉ đạt từ 28,95%-37,71% trên tổng đàn chó, mèo trong toàn tỉnh. Vì vậy, số người phơi nhiễm với virus dại đang có nguy cơ tăng cao, đa số là những người ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn không có điều kiện đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.

Theo bác sĩ Nguyễn Quý, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc, hiện nay trên địa bàn huyện có gần 30.000 con chó, mèo. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho đàn chó chỉ đạt 21%, trong khi chó, mèo thường được nuôi theo đàn và thả rông cho nên nguy cơ người dân bị chó cắn, mèo cào rất cao.

Hiện vẫn còn một số người dân chủ quan trong phòng chống bệnh dại, không chủ động tiêm phòng vắc-xin cho vật nuôi, không đi tiêm vắc-xin khi bị chó cắn, mèo cào, dễ dẫn đến mắc bệnh dại và thiệt mạng.

Tại huyện Cư Kuin hiện có hơn 17.460 con chó, mèo, các hộ nuôi chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 65% tổng đàn. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 3 ổ dịch bệnh dại ở các xã Ea Hu, Ea Ktur, Ea Tiêu, với 3 con chó nghi dại, tiêu hủy 7 con.

Trước tình hình dịch bệnh dại tại địa phương tiềm ẩn nhiều nguy cơ, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các đơn vị tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; thành lập các tổ đến từng nhà tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó, mèo; vận động người dân tiêm kháng huyết thanh và vắc-xin phòng chống bệnh dại khi bị chó cắn, mèo cào...

Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng dại năm 2023 cũng chỉ đạt 35% tổng đàn do tập quán nuôi thả rông chó, mèo của người dân, nhận thức của người dân về phòng chống bệnh dại cho vật nuôi chưa cao, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, từ năm 2021 đến nay, tình hình bệnh dại trên đàn chó, mèo ở Đắk Lắk có chiều hướng tăng, từ 9 con chó nghi mắc bệnh dại năm 2021 tăng lên 29 con vào năm 2023. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2024, đã có 8 con chó mắc bệnh dại, đứng thứ ba trên cả nước. Qua công tác giám sát dịch bệnh trên đàn chó, mèo ở các địa phương cho thấy, virus dại còn lưu hành nhiều. Đơn cử, trong năm 2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lấy 40 mẫu để giám sát bệnh dại trên đàn chó, mèo thì có đến 24 mẫu dương tính với bệnh dại, chiếm tỷ lệ 60%. Từ tháng 1/2024 đến nay, đã lấy 8 mẫu, trong đó có 5 mẫu dương tính với virus dại, chiếm 62,5%. Điều đó cho thấy, bệnh dại có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới tại các địa phương và gây tử vong trên người là rất cao.

Tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh dại

Trước tình hình bệnh dại diễn biến phức tạp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã có Công điện đề nghị lãnh đạo các sở, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng chống bệnh dại.

Theo đó, để ngăn chặn nguy cơ gia tăng số người phải điều trị dự phòng bệnh dại do động vật cắn, số ca chết do bệnh dại, tiến tới chấm dứt tình trạng động vật có khả năng gây bệnh dại, đặc biệt là chó, mèo thả rông, gây nguy hiểm cho người dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền lưu động đến tận xã, phường, thị trấn về quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh dại, các biện pháp phòng chống bệnh dại để các cơ quan liên quan và người dân biết; tổ chức giám sát, cảnh báo, chia sẻ thông tin, điều tra, xử lý ổ dịch bệnh dại, đánh giá nguy cơ và triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dại trên động vật; thành lập đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương có tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo đạt thấp và nơi có nhiều người chết vì bệnh dại…

Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh, nhất là việc tiêm vắc-xin phòng chống bệnh dại cho chó, mèo; thực hiện đầy đủ việc tiêm và điều trị dự phòng bệnh dại khi bị động vật, đặc biệt chó, mèo cắn.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện nghiêm việc tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn chó, mèo trên từng địa bàn được tiêm phòng dại trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Đồng thời, chính quyền cấp huyện cần chỉ đạo tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo; điều tra, truy tố, kiên quyết xử lý nghiêm đối với trường hợp không tuân thủ đúng quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân, người đứng đầu chính quyền các cấp còn chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dại, nhất là ở những nơi xảy ra nhiều người chết vì bệnh dại và nơi có tỷ lệ tiêm vắc-xin dại cho tổng đàn chó đạt thấp…

Thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân thực hiện nghiêm việc nuôi chó, mèo đúng quy định như không thả rông… nhằm ngăn chặn bệnh dại do động vật cắn, số ca tử vong do bệnh dại, tiến tới chấm dứt tình trạng động vật có khả năng gây bệnh dại trên địa bàn tỉnh.