Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Phan Quang Minh cho biết, nguyên nhân khiến số ca mắc bệnh dại tăng là do nhiều địa phương còn lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh; chưa thống kê chính xác số lượng đàn chó, mèo, trong khi theo quy định của pháp luật, tất cả trường hợp nuôi chó, mèo đều phải kê khai với chính quyền cấp xã.
Tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm vẫn còn phổ biến tại nhiều nơi như: Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Điện Biên, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Hậu Giang...
Việc bố trí kinh phí để phòng, chống bệnh dại chưa được quan tâm. Hệ thống thú y cơ sở thiếu về số lượng, thay đổi về tổ chức, chưa được tập huấn về chuyên môn thường xuyên. Việc tổ chức tiêm vắc-xin phòng dại cho chó, mèo còn thấp, như ở Nghệ An, tỷ lệ tiêm phòng cho chó chỉ đạt hơn 30%.
Thông tin, tuyên truyền về bệnh dại đến người dân chưa thường xuyên, liên tục, dẫn đến việc nhiều người nuôi chó, mèo thiếu hiểu biết về bệnh dại khi cho rằng chó, mèo nhà nuôi không bị bệnh. Do vậy, đã có một số trường hợp bị chó nhiễm bệnh dại cắn, sau đó chủ quan không tiêm huyết thanh dẫn đến tử vong.
Thực tế cho thấy, nhận thức của một bộ phận người dân về mức độ nguy hiểm và các quy định về phòng, chống bệnh dại còn quá hạn chế. Nhiều địa phương chưa áp dụng triệt để các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vắc-xin dại cho chó theo quy định.
Phối hợp liên ngành, nhất là ngành thú y, ngành y tế và chính quyền ở một số địa phương còn nhiều bất cập. Theo dự báo của ngành khí tượng-thủy văn, những tháng tới sẽ có nhiều ngày nắng nóng, đây là điều kiện để vi-rút dại sinh sôi và hình thành các ổ dại, con vật trở nên hung dữ hơn nên nhiều người dân cũng dễ bị tấn công.
Theo các chuyên gia, để kiểm soát các ổ dịch bệnh dại trên động vật đang xảy ra, phòng ngừa các ổ dịch mới phát sinh và lây lan, từ đó giảm các ca tử vong vì bệnh dại, các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan và ủy ban nhân dân các cấp tập trung mọi nguồn lực để thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống bệnh dại theo quy định của Luật Thú y.
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống, triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại trên động vật. Các cơ quan y tế và thú y cố gắng phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, chia sẻ thông tin và phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch. Cần quản lý, thống kê chính xác số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo; áp dụng kỹ thuật, công nghệ trong quản lý vật nuôi.
Cụ thể, nên gắn chíp (tức là mã định danh điện tử) trên chó, mèo để giúp cơ quan chức năng nắm rõ lịch sử tiêm phòng của từng con chó, mèo, sự di chuyển từ tỉnh này qua tỉnh khác của vật nuôi.
Từ đó giúp quản lý việc phòng, chống bệnh dại tốt hơn. Đồng thời, xử lý triệt để tình trạng chó thả rông trên từng địa bàn cấp xã; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện khai báo và nuôi nhốt chó, mèo, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người chung quanh. Khi đưa chó, mèo ra nơi công cộng phải rọ mõm, có dây dắt, người dắt.
Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng vắc-xin dại cho chó, mèo bảo đảm tỷ lệ đạt hơn 70% tổng đàn. Xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp không chấp hành việc tiêm phòng vắc-xin dại cho chó, mèo nuôi.
Trường hợp vật nuôi gây hậu quả nghiêm trọng thì chủ nuôi hoặc người đang quản lý phải bồi thường về mặt dân sự cho người bị thiệt hại. Thậm chí, có thể xem xét xử lý trách nhiệm hình sự nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo luật pháp quy định.