Trong phòng, chống thiên tai làm gần đúng đã là sai

NDO - Kiểm tra, đánh giá tình hình lũ, ngập lụt, sạt lở đất và làm việc với tỉnh Lâm Đồng, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho rằng, trong phòng, chống thiên tai làm gần đúng đã là sai, chưa nói là không đúng.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp (giữa) trao đổi với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về tình hình sụt lún, sạt trượt đất tại dự án hồ chứa nước Đông Thanh.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp (giữa) trao đổi với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về tình hình sụt lún, sạt trượt đất tại dự án hồ chứa nước Đông Thanh.

Ngày 8/8, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai do Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng ban, dẫn đầu, cùng lãnh đạo Cục Thủy lợi và các chuyên gia kiểm tra, khảo sát hiện trường sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực dự án hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng và có buổi làm việc với địa phương về tình hình lũ, ngập lụt và sạt lở đất.

Trong phòng, chống thiên tai làm gần đúng đã là sai ảnh 1

Đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tại khu vực dự án hồ chứa nước Đông Thanh.

Tại hiện trường, sau khi kiểm tra thực tế và nghe ý kiến các chuyên gia cùng báo cáo địa phương, đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, sạt trượt đất và sụt lún ở khu vực dự án hồ Đông Thanh không bắt đầu từ mưa, vì trong tháng ở khu vực này mưa không lớn. Mà tại đây có cung trượt hiện hữu, khi có tác động (làm hồ, đập, đào đất…) đã gây biến động, dịch chuyển nhanh hơn và gây sạt trượt, sụt lún, ảnh hưởng đến một số hạ tầng, trong đó có một số nhà dân.

Trong phòng, chống thiên tai làm gần đúng đã là sai ảnh 2

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc (bìa phải) thông tin tình hình sụt lún tại công trình hồ chứa nước Đông Thanh với Đoàn công tác.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, khi xác định được vị trí, mức độ của cung trượt này thì chúng ta mới có giải pháp. Về lâu dài, chúng ta phải khảo sát phạm vi rộng hơn, vì ngoài cung trượt này còn có một số cung trượt nhỏ nữa bắt đầu xuất hiện.

“Dự án đang thi công, chưa tích nước, nên chúng ta sẽ có những giải pháp mang tính dài hơi. Đầu tiên phải xử lý khối sạt trượt, sau khi bảo đảm tính ổn định thì bắt đầu mới làm những việc khác, dứt khoát không thể thi công khi chưa xử lý sạt trượt. Tiếp đến, cần khảo sát rộng hơn ở khu vực này, bởi khi địa chất bị biến động có thể cả khu vực bị ảnh hưởng”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu hướng xử lý cấp bách.

Trong phòng, chống thiên tai làm gần đúng đã là sai ảnh 3

Đoàn công tác kiểm tra mẫu đất tại hiện trường.

Tại buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng về tình hình lũ, ngập lụt và sạt lở đất, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc cho biết, 7 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh diễn ra rất nhiều trận mưa lớn liên tục kèm lốc, sạt lở đất. Nhất là trong tháng 7, lượng mưa trên địa bàn tỉnh cao gấp 20 đến 30 lần cùng kỳ các năm trước. Cụ thể, có 13 trận mưa lớn, 6 trận lốc xoáy, 7 vụ sạt lở đất… làm 9 người thiệt mạng, 4 người bị thương; thiệt hại nhiều nhà cửa, công trình, cây trồng và gây ngập cục bộ tại một số địa phương, ước thiệt hại hơn 70 tỷ đồng.

Trong phòng, chống thiên tai làm gần đúng đã là sai ảnh 4

Một ngôi nhà mới xây của người dân gần khu vực dự án hồ chứa nước Đông Thanh bị sụt lún nghiêm trọng.

Qua rà soát, trên địa bàn Lâm Đồng có 163 vị trí sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất. Riêng công trình hồ chứa nước Đông Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, dự án đang trong giai đoạn thi công, đầu tháng 7 phát hiện một số vết nứt vai đập, xuất hiện tình trạng sụt lún, sạt trượt đất trong khu vực, gây ảnh hưởng 9 hộ dân.

Cùng với đánh giá nguy cơ, triển khai các giải pháp xử lý trước mắt, sắp tới tỉnh sẽ mời các chuyên gia ở các bộ, ngành, trường đại học tham gia hội thảo để có giải pháp lâu dài. Tại buổi kiểm tra, làm việc này, Lâm Đồng kiến nghị Đoàn công tác cùng các chuyên gia đưa ra các ý kiến giúp tỉnh có các giải pháp lâu dài để xử lý tình trạng sụt lún, sạt trượt đất, phòng chống ngập cục bộ.

Trong phòng, chống thiên tai làm gần đúng đã là sai ảnh 5

Một hạng mục công trình thuộc dự án hồ chứa nước Đông Thanh.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao công tác chủ động ứng phó trong phòng, chống thiên tai của tỉnh Lâm Đồng, nhất là việc giải quyết các tình huống khẩn cấp. Đồng chí thông tin, qua theo dõi, tình trạng sạt lở ở Lâm Đồng có bất thường hơn trước, nhất là trên địa bàn thành phố Đà Lạt. Đây cũng là cơ hội để chúng ta có cách ứng xử phù hợp trong mùa mưa bão này và trong tương lai.

Trong phòng, chống thiên tai làm gần đúng đã là sai ảnh 6

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp trao đổi, ở nước ta có 3 kịch bản biến đổi khí hậu. Nhưng, những diễn biến của biến đổi khí hậu hiện nay đều nghiêm trọng hơn kịch bản nghiêm trọng nhất đã xây dựng, nên cần phải có ứng xử khác phù hợp.

“Nghị quyết, lý thuyết quy hoạch, phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch phát triển trung hạn, dài hạn đều lồng ghép công tác phòng, chống thiên tai. Đây là quy định, chúng ta có làm nhưng không nghiêm. Thậm chí một số nơi, một số thời điểm làm không đúng. Trong phòng, chống thiên tai làm gần đúng đã là sai, chưa nói là không đúng”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Với tình trạng sạt trượt, sạt lở, ngập cục bộ như hiện nay, đồng chí đồng tình với tỉnh Lâm Đồng, sớm tổ chức hội thảo riêng, mời các chuyên gia để tham vấn, có giải pháp ngắn hạn và lâu dài. Trước mắt, trong mùa mưa này, tỉnh cần xác định rõ 163 điểm đã xử lý được những điểm nào, trên tinh thần tính mạng người dân là quan trọng. Đặc biệt, tỉnh sớm xây dựng được bản đồ sạt trượt chính xác đến điểm nhỏ nhất, chứ không thể dừng lại ở bản đồ cảnh báo vùng. Đối với những điểm sạt lở vượt quá khả năng xử lý, tỉnh cần báo cáo Trung ương hỗ trợ.

Trong phòng, chống thiên tai làm gần đúng đã là sai ảnh 7

Chuyên gia trao đổi về tình hình sụt lún tại khu vực dự án hồ chứa nước Đông Thanh.

Đối với dự án hồ Đông Thanh, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đồng ý với ý kiến của các chuyên gia, cần tổ chức khảo sát kỹ, khoan thăm dò diện rộng cả vùng thượng lưu và hạ lưu; vẽ chính xác nhất cung trượt, xác định độ sâu, chân trượt, độ dịch chuyển… để có kết luận và đưa ra giải pháp đúng. Đồng chí đánh giá rất cao trách nhiệm của đơn vị thi công, tuy nhiên cần tham vấn các chuyên gia có kinh nghiệm với hiện trạng hiện nay để có giải pháp xử lý phù hợp.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, với các giải pháp của tiến bộ khoa học ngày nay, chúng ta hoàn toàn có thể xử lý được tình trạng này để sớm đưa công trình vào vận hành, sử dụng.

Trong phòng, chống thiên tai làm gần đúng đã là sai ảnh 8

Công trình hồ chứa nước Đông Thanh tạm dừng thi công để xử lý tình trạng sụt lún, sạt trượt đất.

Trưởng Đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai lưu ý và đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm công tác an sinh xã hội, đời sống nhân dân trong khu vực bị ảnh hưởng, sớm bố trí điện, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.

Như Báo Nhân Dân đã thông tin, do mưa lớn kéo dài đã xảy ra tình trạng sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực sườn đồi vai phải đập, nằm ngoài và sát với khu vực thi công xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh. Tình trạng nứt, sạt trượt đất cũng ảnh hưởng trực tiếp đến 9 hộ dân trên diện tích khoảng 2,5ha. Chính quyền địa phương đã bố trí, sắp xếp cho các hộ đến nơi an toàn.

Trong phòng, chống thiên tai làm gần đúng đã là sai ảnh 9

Sườn đồi vai phải đập tại công trình hồ chứa nước Đông Thanh xuất hiện một số vết nứt.

Ngày 3/8, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cùng đoàn công tác của tỉnh đã tiến hành kiểm tra tình trạng sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực công trình xây dựng dự án hồ chứa nước này và đã có những chỉ đạo xử lý, bảo đảm trong quá trình thi công và khi hoàn thành đưa vào vận hành, sử dụng, công trình phải an toàn tuyệt đối.

Trong phòng, chống thiên tai làm gần đúng đã là sai ảnh 10

Hồ chứa nước Đông Thanh là công trình trọng điểm của huyện Lâm Hà, Lâm Đồng.

Quy mô dự án hồ chứa nước Đông Thanh, gồm hồ chứa có diện tích lưu vực là 11km2 và dung tích toàn bộ hồ chứa hơn 3 triệu m3; tổng mức đầu tư dự án hơn 494 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án sau khi hoàn thành là cấp nước tưới cho 700ha đất nông nghiệp và tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 7.500 hộ dân; tạo môi trường kết hợp nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch.