Lâm Đồng di dời 94 hộ dân khỏi khu vực bị sạt lở và nguy cơ sạt lở đất

NDO - Qua rà soát, toàn tỉnh Lâm Đồng có 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương trong tỉnh kiên quyết di dời, sơ tán các hộ dân tại khu vực chân núi, khu vực có độ dốc lớn nguy hiểm, nguy cơ sạt lở đất nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn đến tính mạng và tài sản.
0:00 / 0:00
0:00
Đà Lạt mời chuyên gia địa chất Nhật Bản khảo sát hiện tượng sạt lở đất tại một số khu vực trên địa bàn thành phố.
Đà Lạt mời chuyên gia địa chất Nhật Bản khảo sát hiện tượng sạt lở đất tại một số khu vực trên địa bàn thành phố.

Chiều 4/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, qua rà soát, trên địa bàn toàn tỉnh có 163 vị trí sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất.

Theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, các đơn vị chức năng liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trực thuộc đã di dời 94 hộ dân ra khỏi những vị trí trên, còn 150 hộ cần tiếp tục di dời khi tình hình mưa lớn tiếp tục diễn ra.

Trước đó, ngày 1/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã phát đi công văn hỏa tốc chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trực thuộc triển khai các phương án, giải pháp phòng, chống sạt lở đất trên địa bàn trong mùa mưa 2023.

Trong đó, yêu cầu tiếp tục kiểm tra, rà soát toàn bộ các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại tại khu vực ven sông, suối, khu vực sườn dốc để kịp thời cảnh báo khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét, ngập lụt; tập trung các khu vực đồi núi có nguy cơ sạt lở, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện gần khu dân cư.

Lâm Đồng di dời 94 hộ dân khỏi khu vực bị sạt lở và nguy cơ sạt lở đất ảnh 1
Liên quan tình trạng sụt lún, sạt trượt đất tại thôn Đông Anh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, gần khu vực dự án hồ chứa nước Đông Thanh như Báo Nhân Dân đã thông tin, địa phương đã di dời 4 hộ dân.

Đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các địa phương trong tỉnh kiên quyết di dời, sơ tán ngay các hộ dân, người làm việc trong cơ quan, đơn vị tại khu vực chân núi, khu vực có độ dốc lớn nguy hiểm, nguy cơ sạt lở đất nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn đến tính mạng và tài sản; đồng thời, chủ động thực hiện phương án bố trí, hỗ trợ, ổn định nơi tránh trú và đời sống cho các hộ dân phải di dời.

Cùng với các vị trí sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất, qua rà soát, hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có 73 vị trí có nguy cơ bị ngập khi xảy ra mưa lớn, các địa phương sẵn sàng phương án di dời khi xảy ra ngập.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra 10 trận mưa lớn, 6 trận lốc xoáy, 5 vụ sạt lở đất... làm 9 người chết, 4 người bị thương; hư hỏng, thiệt hại 235 căn nhà, 283ha cây trồng, cuốn trôi hơn 2.800 gia cầm, gia súc; làm hư hỏng 6 cầu dân sinh và gây ngập cục bộ tại một số nơi trên địa bàn thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, huyện Đạ Huoai... Ước tổng thiệt hại hơn 23 tỷ đồng.

Lâm Đồng di dời 94 hộ dân khỏi khu vực bị sạt lở và nguy cơ sạt lở đất ảnh 2

Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng trên đèo Bảo Lộc.

Đáng chú ý, như Báo Nhân Dân đã thông tin, vụ sạt lở nghiêm trọng tại phường 10, thành phố Đà Lạt đã khiến 2 người chết và vụ sạt lở nghiêm trọng trên đèo Bảo Lộc làm 3 chiến sĩ công an hy sinh, 1 người nguyên chiến sĩ nghĩa vụ công an tử nạn.

Từ đầu năm đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ban hành 3 công điện, 14 văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan trong tỉnh, khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống thiên tai, sạt trượt đất và bảo đảm an toàn lao động trong xây dựng công trình, dự án trong mùa mưa bão.

Lâm Đồng di dời 94 hộ dân khỏi khu vực bị sạt lở và nguy cơ sạt lở đất ảnh 3

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp và đoàn công tác kiểm tra tình trạng sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực dự án hồ chứa nước Đông Thanh, ngày 3/8.

Để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh đã lập nhóm Zalo chỉ đạo, điều hành trực tiếp và kịp thời cung cấp thông tin cảnh báo đến các địa phương trong tỉnh.