Đánh giá tình trạng sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực dự án hồ chứa nước ở Lâm Đồng

NDO - Ngày 3/8, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cùng đoàn công tác của tỉnh tiến hành kiểm tra tình trạng sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực công trình xây dựng dự án hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng và đoàn công tác kiểm tra tình trạng sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực dự án hồ chứa nước Đông Thanh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng và đoàn công tác kiểm tra tình trạng sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực dự án hồ chứa nước Đông Thanh.

Sau khi kiểm tra thực tế hiện trường và nghe lãnh đạo địa phương báo cáo tình trạng sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực dự án, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho rằng, quan sát sơ bộ bằng mắt thường có thể thấy, do đặc điểm cấu tạo địa chất tại khu vực, nếu mưa lớn tiếp tục diễn ra thì nguy cơ sụt lún, trượt đất rất cao. Vì vậy, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan cần tiếp tục theo dõi sát sao để xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Đánh giá tình trạng sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực dự án hồ chứa nước ở Lâm Đồng ảnh 1

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp (bìa trái) đề nghị mời chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá, đưa ra kết luận cụ thể về nguyên nhân sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực.

Đồng chí Trần Văn Hiệp đề nghị tiếp tục mời các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá, đưa ra kết luận cụ thể về nguyên nhân sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân không hoang mang, lo sợ, nhưng cũng không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; cần di tản người dân khỏi khu vực nguy hiểm, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và tài sản của nhân dân.

Đối với công trình xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đề nghị phải quan trắc hàng ngày; tiếp tục thực hiện đồng thời các giải pháp kỹ thuật, kiểm tra địa chất để có hướng xử lý. Qua đó, bảo đảm trong quá trình thi công và khi hoàn thành đưa vào vận hành, sử dụng phải an toàn tuyệt đối.

Đánh giá tình trạng sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực dự án hồ chứa nước ở Lâm Đồng ảnh 2

Khi khoan sâu 8-12m thì tầng địa chất tại khu vực dự án chủ yếu là đất cao lanh, đất mùn, độ kết dính kém và thấm nước cao.

Như Báo Nhân Dân đã thông tin, do mưa lớn kéo dài nên xảy ra tình trạng sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực sườn đồi vai phải đập, nằm ngoài và sát với khu vực thi công xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh. Tình trạng nứt, sạt trượt đất xảy ra trên diện tích khoảng 2,5ha, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà ở của 4 hộ dân, 4 hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng và một số diện tích đất sản xuất của người dân.

Đánh giá tình trạng sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực dự án hồ chứa nước ở Lâm Đồng ảnh 3
Nhiều ngôi nhà của người dân gần khu vực dự án hồ chứa nước Đông Thanh bị sụt lún, nứt nẻ do sạt trượt đất.

Tình trạng sụt lún, sạt trượt đất cũng ảnh hưởng đến hạng mục công trình dự án xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh, như trần xả lũ bị chuyển vị, đáy dốc nước số 2 và dốc nước số 3 bị nứt đường chân chim; đoạn dốc nước số 4 bị đẩy nghiêng dẫn đến tường bên trái thấp hơn bên phải...

Đánh giá tình trạng sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực dự án hồ chứa nước ở Lâm Đồng ảnh 4
Một số hạng mục công trình tại dự án hồ chứa nước Đông Thanh bị ảnh hưởng do sạt trượt đất.

Khi xảy ra tình trạng nứt, sụt trượt đất, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, đơn vị chủ đầu tư, thi công công trình đã tiến hành khoan, siêu âm thăm dò địa chất để tìm nguyên nhân và ghi nhận, khi khoan sâu 8-12m thì tầng địa chất chủ yếu là đất cao lanh, đất mùn, độ kết dính kém và thấm nước cao.

Đánh giá tình trạng sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực dự án hồ chứa nước ở Lâm Đồng ảnh 5

Hồ chứa nước Đông Thanh là dự án trọng điểm của huyện Lâm Hà.

Quy mô dự án hồ chứa nước Đông Thanh, gồm hồ chứa có diện tích lưu vực là 11km2 và dung tích toàn bộ hồ chứa hơn 3 triệu m3, dung tích hữu ích 2,88 triệu m3. Tổng mức đầu tư dự án hơn 494 tỷ đồng, đây là công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình đầu mối cấp II, hệ thống kênh cấp IV, thuộc dự án nhóm B. Mục tiêu của dự án sau khi hoàn thành là cấp nước tưới cho 700ha đất nông nghiệp và tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 7.500 hộ dân.